Sự ra đời của Hội LHPN Giải phóng miền Nam năm 1961 là mặt trận tập hợp, đoàn kết các tầng lớp phụ nữ miền Nam yêu nước, tích cực, chủ động tham gia vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng phụ nữ, giải phóng miền Nam.
Phụ nữ miền Nam tham gia đấu tranh chính trị
Theo quy định của Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương, Việt Nam tạm thời bị chia thành 2 miền với 2 chế độ chính trị khác nhau. Ở miền Nam, đế quốc Mỹ thay chân Pháp thiết lập chính quyền tay sai; từ chối hiệp thương tổng tuyển cử; tổ chức “trưng cầu dân ý”, phế truất Bảo Đại, đưa Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống, tổ chức bầu cử riêng rẽ ở miền Nam. Từ đây, Mỹ trở thành đối tượng trực tiếp của cách mạng Việt Nam.
Đất nước bị chia cắt, ước mơ của người phụ nữ miền Nam về cuộc sống yên lành, gia đình được đoàn tụ sau 2 năm với cuộc tổng tuyển cử tự do để thống nhất đất nước theo quy định của Hiệp định Giơnevơ năm 1954 bị Mỹ và chính quyền Sài Gòn xóa bỏ với âm mưu chia cắt lâu dài nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và làm căn cứ quân sự của Mỹ nhằm ngăn chặn chủ nghĩa xã hội và phong trào giải phóng dân tộc lan xuống vùng Đông Nam Á. Chính vì vậy, nhiều phụ nữ phải kéo dài cuộc sống chia ly, đợi chờ. Tình cảm mẹ con, vợ chồng bị chia cắt. Quyền lợi chính đáng của người phụ nữ bị chà đạp.
Trong nỗi đau của người dân mất nước, phụ nữ miền Nam là nạn nhân của ác chính sách khủng bố dã man nhất do chính quyền Sài Gòn gây ra. Biết bao phụ nữ mang trên đầu vành khăn tang cha mẹ, chồng, người yêu, con, em… Nhiều chị đầy thương tích do chế độ nhà tù và sự tra tấn dã man của kẻ thù. Phụ nữ miền Nam ngày càng phẫn uất chế độ chính trị Sài Gòn và sớm tập hợp lại cùng nhau đấu tranh chống Mỹ và tay sai.
Trong không khí sôi sục căm thù và đứng trước khí thế vùng dậy của quần chúng, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (1/1959) đã chỉ ra nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là: “Giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”; khẳng định con đường phát triển của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là: khởi nghĩa dành chính quyền về tay nhân dân.
Khi tiếng súng Đồng khởi nổ ra tại 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh (Bến Tre) năm 1960, phụ nữ đã miền Nam đã chuẩn bị gậy gộc, giáo mác, tiến hành biểu tình, tiến thẳng vào công sở chính quyền Sài Gòn ở cấp xã, đập tan Tổng đoàn dân vệ, phá rã 3 đại đội địch. Sau đó, phong trào lan nhanh ra toàn miền, đánh dấu một cao trào nổi dậy khởi nghĩa từng phần ở nông thôn với sự tham gia của hàng triệu lượt phụ nữ. Lần đầu tiên, hàng ngàn phụ nữ được tổ chức thành đội ngũ, có hệ thống chỉ đạo, tiến hành một cuộc đấu tranh trực diện, bẻ gãy cuộc hành quân của một sư đoàn địch. Khí thế tiến công của hàng ngàn bà má đầu tóc bạc phơ và chị em ẵm con nhỏ, tay không tấc sắt đứng lên bảo vệ xóm làng, ruộng vườn đã làm binh lính địch hoảng sợ, buộc phải lùi bước.
Cuộc đấu tranh của phụ nữ Mỏ Cày thắng lợi đã hình thành và khẳng định sức mạnh của một đạo quân mới rất hùng hậu, lợi hại “Đội quân tóc dài” – đội quân đầu tiên mở đường cho sự hình thành đội quân chính trị khổng lồ khắp miền Nam trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ. “Đội quân Tóc dài” là sáng tạo độc đáo của đường lối đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang của cách mạng miền Nam, làm cho sức mạnh phong trào phụ nữ miền Nam được nhân lên gấp nhiều lần.
Làn sóng Đồng khởi sau năm 1960 ở Nam Bộ ngày càng mạnh mẽ. Ở khắp miền Nam, phụ nữ cùng nhân dân nổi dậy tiến công địch bằng đấu tranh chính trị, vận động gia đình binh sĩ, kết hợp nội tuyến binh vận. Cùng với các đội tự vệ với vũ khí thô sơ, phụ nữ nổi trống mõ, bao vây bức hàng, bức rút đồn bốt, diệt ác phá kìm, giải phóng xã ấp, làm cho chính quyền địch kinh hoàng.
Ở miền Đông Nam Bộ, cùng với phong trào đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng từ sau Đồng khởi, hầu hết các tỉnh Nam Bộ đều củng cố, xây dựng lại các tổ chức cách mạng, tập hợp lực lượng. Một số Khu bước đầu xây dựng dự thảo chương trình, điều lệ và hướng dẫn địa phương tiến hành xây dựng tổ chức phụ nữ ở cơ sở. Chỉ tính riêng trong năm 1960 đã tập hợp được 14.780 hội viên.
Ở các tỉnh miền núi như Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc và một số huyện miền Tây thuộc các tỉnh từ Quảng Trị trở vào đến Bình Thuận, hầu hết cán bộ nữ ở lại hoạt động. Cơ sở cách mạng của Hội được duy trì không chỉ ở những nơi quần chúng làm chủ mà rải rác ở các vùng yếu. Cuối năm 1959, một số nơi đã có kế hoạch đào tọa cán bộ Hội để lãnh đạo phong trào.
Ngày 8/3/1961, giữa lúc cách mạng miền Nam chuyển sang thế tiến công, Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Đó là “một tổ chức cách mạng và yêu nước của toàn thể phụ nữ miền Nam nhằm đoàn kết tất cả các tầng lớp phụ nữ không phân biệt già trẻ, giai cấp, chủng tộc, đảng phái, tôn giáo, xu hướng chính trị, kiên quyết đấu tranh chống mọi áp bức, bóc lột, hãm hiếp, khủng bố của Mỹ – Diệm, đòi cải thiện đời sống, đòi thực sự tự do bình đẳng với nam giới, đòi được giúp đỡ và bảo vệ khi đau ốm, sanh đẻ và nuôi con…”.
Ngay từ khi vừa thành lập, Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam đã công bố Chương trình, Điều lệ và mục tiêu hoạt động, đồng thời tuyên bố gia nhập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam với mục đích: (1) đoàn kết các giai cấp, tầng lopwps, các giới, các lực lượng cách mạng, thực hiện nam nữ bình đẳng và bình quyền, bảo đảm các quyền độc lập, tự do dân chủ, cải thiện đời sống cho mọi tầng lớp nhân dân; (2) kêu gọi toàn thể phụ nữ miền Nam gia nhập Hội, đoàn kết, thống nhất, cùng hành động đấu tranh trong một đoàn thể cách mạng của chị em là Hội LHPN Giải phóng miền Nam; cùng đấu tranh giải phóng cuộc đời nô lệ và giải phòng miền Nam, thống nhất tổ quốc.
Trong quan hệ với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Giải phóng miền Nam hoàn toàn tán thành những hoạt động tích cực của phong trào phụ nữ miền Bắc có lợi cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng phụ nữ và nhân dân miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà.
BCH lâm thời TW Hội gồm 19 ủy viên, có đủ các thành phần là công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên, các tôn giáo, tiêu biểu cho mặt trận đại đoàn kết của giới. Bà Nguyễn Thị Tú (nguyên Tổng thư ký Hội Phụ nữ Việt Nam) là Hội trưởng; các bà Lê Thị Riêng, Mí Đoan là Phó Hội trưởng. Cơ quan tuyên truyền của Hội là Báo Phụ nữ Giải phóng. Hội có chuyên mục phát thanh trên Đài phát thanh Giải phóng với nội dung là tiếng nói đấu tranh của phụ nữ miền Nam.
Sự ra đời của Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam là một sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử hết sức quan trọng, thể hiện sự sáng tạo trong lãnh đạo công tác vận động phụ nữ của Đảng, phù hợp với nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ miền Nam.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam ra đời là mặt trận tập hợp, đoàn kết các tầng lớp phụ nữ miền Nam yêu nước, tích cực, chủ động, sáng tạo tham gia vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng phụ nữ, giải phóng miền Nam; góp phần phát triển mạnh thế tiến công của cách mạng miền Nam được tạo dựng từ phong trào Đồng khởi, đồng thời nâng cao vị thế của phụ nữ miền Nam, cách mạng miền Nam trên trường quốc tế.
Bảo tàng PNVN – Lịch sử Hội LHPN Việt Nam
Nguồn: http://hoilhpn.org.vn-HT