Bolero là dòng nhạc có sức sống sâu bền trong lòng người yêu nhạc từ những thế hệ người lớn tuổi đến cả những bạn trẻ cho dù trải qua không ít thăng trầm. Cũng như nhiều tỉnh thành khác trong cả nước, ở Kon Tum, mấy năm gần đây Bolero trỗi dậy mạnh mẽ khi không chỉ ngày càng có nhiều người thưởng thức, ưa chuộng dòng nhạc này, mà còn xuất hiện cả ca sĩ hát Bolero.
Cô gái Kon Tum hát Bolero
Lâu nay, khán giả thường chỉ được nghe, được thấy những giọng ca Bolero người miền Nam, miền Trung chứ chưa ai thấy một ca sĩ Tây Nguyên nào hát Bolero, nhưng cô Đội trưởng Đội tuyên truyền lưu động tỉnh Kon Tum – Ngọc Hương (tên đầy đủ là Nguyễn Thị Ngọc Hương) đã tạo nên một hiện tượng lạ khi đầu tiên lọt vào vòng chung kết Cuộc thi “Solo cùng Bolero” do Đài Truyền hình Vĩnh Long vừa tổ chức.
Với công việc của mình, tưởng chừng Ngọc Hương chỉ có thế mạnh ở những ca khúc tuyên truyền, hay những bài hát mang âm hưởng dân tộc, nhưng Ngọc Hương lại hát Bolero rất ngọt ngào, sâu lắng. Tại Cuộc thi “Solo cùng Bolero” mùa thứ 3, chị đã giành giải Tư và để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng những người yêu Bolero.
Ca sỹ Ngọc Hương trong chương trình Solo cùng Bolero. Ảnh: T.H
Ngọc Hương chia sẻ: Từ nhỏ tôi đã nghe Bolero, ấy là những ca khúc nhẹ nhàng, chầm chậm nhưng giai điệu dễ nghe, lời ca dễ thuộc và thực sự rất gần gũi nên tôi rất thích. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ dám thử sức với dòng nhạc này, bởi hát chơi thì không khó chứ để hát được Bolero đúng chất, đúng điệu thì không hề đơn giản chút nào. Khi biểu diễn thể loại này, cách dàn hơi, nhả chữ, chuyển giọng thực sự là một thách thức với ngay cả những ca sĩ chuyên nghiệp. Rồi khi hát, người hát phải làm sao thể hiện được tâm trạng, hay nói đúng hơn là cái hồn của từng bài hát đến với người nghe. Mỗi bài hát giống như một câu chuyện về tình yêu, tình bạn, những buồn vui, trắc trở trong cuộc sống… nên người hát phải thực sự sống cùng với lời ca, hát mà như đang thủ thỉ kể chuyện thì mới truyền được thông điệp của từng bản nhạc và chạm được đến trái tim người nghe. Để làm được điều này, tôi đã phải luyện tập và nỗ lực rất nhiều. Cái sức hút của Bolero chính là sau mỗi khó khăn mình càng bị hấp dẫn, bị lôi cuốn giống như một sự mê hoặc khiến tôi thích hát. Sau khi nhận được nhiều sự động viên cổ vũ của người thân, bạn bè, đồng nghiệp, tôi đã mạnh dạn thử sức với dòng nhạc này khi đăng ký tham gia Cuộc thi “Solo cùng Bolero” mùa thứ 3 năm 2016 để khẳng định mình.
“Khi đến với Cuộc thi “Solo cùng Bolero” tôi chỉ mong muốn để khán giả cả nước biết rằng, người Tây Nguyên không chỉ hát được những ca khúc mang âm hưởng hào sảng, dữ dội như âm vang của núi rừng, mà còn có thể hát Bolero ngọt ngào như người miền Nam, miền Trung. Và quả thực, tại cuộc thi này, những bài hát tôi thể hiện đã được các giám khảo đánh giá là khá lạ, cũng đủ ngọt ngào, ấm áp, sâu thẳm… để chạm đến trái tim người nghe” – Ngọc Hương trải lòng.
Tại cuộc thi này, Ngọc Hương đã để lại dấu ấn của mình với những tình khúc như “Người tình không đến”, “Hương tình cũ”, “Chờ đông”, “Hoa tím người xưa”, “Tình yêu trả lại trăng sao”… Đặc biệt, cô nhận được nhiều tình cảm của người yêu dòng nhạc Bolero ở Kon Tum qua những lời nhận xét trìu mến trên các tài khoản Facebook, qua những câu chuyện lúc “trà dư tửu hậu”… Sự góp mặt của Ngọc Hương trong làng ca sĩ hát Bolero là niềm hãnh diện của riêng cô và là niềm vui đối với người dân Kon Tum.
Sau Cuộc thi “Solo cùng Bolero”, Ngọc Hương còn tham gia chương trình ca sĩ giấu mặt và cô đã giành số phiếu bầu cao nhất trong 5 thí sinh tham dự vì có giọng hát giống nữ danh ca Sơn Tuyền. Bên cạnh đó, Ngọc Hương còn tham gia Câu lạc bộ Giọng ca để đời tại Thành phố Hồ Chí Minh, đây là nơi để cô nuôi dưỡng ước mơ, trau dồi thêm kỹ năng hát Bolero và thể hiện tài năng của mình.
Sống trong lòng người nghe
Bolero đã từng có thời điểm bị coi là nhạc “sến”, uỷ mị, ướt át; thế nhưng, trải qua nhiều thăng trầm, dòng nhạc Bolero đang dần “tỉnh giấc” và ngày càng được rất nhiều người ái mộ. Với nội dung, lời hát rất rõ ràng, dễ hiểu, dễ nghe và có gì đó như lời tự sự, tất cả người nghe đều cảm thấy có mình trong từng bài hát nên Bolero được nhiều người ngày càng yêu thích.
Ở Kon Tum không có những phòng trà cũng chẳng có những sân khấu lớn để người yêu nhạc thưởng thức Bolero theo phong cách chuyên nghiệp. Tuy nhiên, người Kon Tum lại có cách nghe Bolero theo nét riêng của mình rất đỗi bình dân, đời thường. Nếu như trước đây, các gia đình thường tìm mua những băng, đĩa rồi những lúc rảnh rỗi họ tự mở để nghe, thì bây giờ cách thưởng thức Bolero cũng đa dạng hơn, ngoài việc nghe nhạc trên máy tính, điện thoại thì người ta có thể đến các quán cà phê để nghe hoặc hát cho nhau nghe.
Anh Quốc Huy (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) cho rằng: Mỗi bài hát Bolero cứ như một câu chuyện trong cuộc đời của mỗi người được kể ra. Có những lúc buồn khổ không thể giãi bày được, nghe những lời hát cất lên như xé cõi lòng, chạm thẳng vào trái tim. Có lẽ chính vì sự gần gũi, tự nhiên, sâu lắng của những bài hát Bolero khiến tôi cũng như nhiều người thích.
Với người lớn tuổi, những bài hát Bolero như một miền hồi ức, một phần kỷ niệm mà khi trưởng thành họ đã trải qua, giờ muốn nghe để nhớ lại, để suy tư hay tìm chút bình yên trong lòng. Mỗi người một lý do để yêu thích Bolero, nhưng tựu trung Bolero kéo con người lại gần nhau hơn, nhẹ nhàng hơn sau những áp lực nặng nề của công việc, của cuộc sống.
Dù vẫn còn những khen chê, nhưng có thể nói, những bản tình ca Bolero với những câu chuyện chân thực đã chạm được đến góc sâu kín nhất trong mỗi người, khiến người ta muốn nghe, muốn tư lự. Theo thời gian, dòng nhạc này vẫn được nhiều người trong cả nước nói chung và Kon Tum nói riêng ưa thích, muốn nghe, muốn hát.
Thuỳ Hương