Người già nói “đàn ông Giẻ Triêng phải biết đánh chiêng, đàn bà Giẻ Triêng phải biết dệt thổ cẩm”, nhưng bây giờ, con gái trẻ biết dệt hiếm hoi lắm- bà Y Ble than vãn. Mấy đứa cháu gái đứng gần đó cười cười: Bây giờ vải nhiều, màu gì cũng có, dệt chi cho cực bà ơi. Bà Y Ble thở dài, mắt như có sương…
Nét xưa còn lại chút này
Lúc này, bà Y Ble đang ngồi trên bậc cửa, mắt nhìn hút theo con đường xuyên qua làng. Sáng sớm, dân làng Đăk Răng (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) bắt đầu một ngày nương rẫy, tiếng xe máy nổ râm ran, khói quyện qua các tán cây thấp lúp xúp. Mấy chị phụ nữ đem quần áo ra phơi bên hông nhà, bà Y Ble chỉ chỉ: Đó, trong làng chẳng còn mấy nhà phơi váy áo thổ cẩm nữa.
Với những người già như bà Y Ble, dù bây giờ làng Đăk Răng đổi thay nhiều, đời sống dân làng khá lên nhờ trồng cao su, nhà nào cũng có xe máy, ti vi… nhưng nỗi buồn vì thổ cẩm ngày càng vắng bóng trong cuộc sống cũng chẳng vơi bớt.
Y Chon – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đăk Dục- ngồi bên cạnh khẽ bẻ ngón tay: Thôi bà ơi, hôm nay có khách đấy. À, tấm Kle (tấm choàng) hôm nọ con nhờ bà dệt đã xong chưa? Bà Y Ble gật đầu: Gần xong rồi đấy. Vào nhà xem luôn nhé.
Y Chon quay sang tôi nói nhỏ: Bà Y Ble là một trong số ít người còn dệt thổ cẩm ở Đăk Răng đấy.
Bà Y Ngân muốn con gái ”ráng giữ nghề” dệt thổ cẩm. Ảnh: T.H
Vuốt vuốt tấm Kle đang dở dang trên khung dệt, bà Y Ble kể: Từ hồi 10 tuổi, bà đã có thể ngồi hàng giờ liền nhìn mẹ mình dệt thổ cẩm. Cũng không biết vì sao mà lại mê đến thế, chỉ cần nhìn thấy mẹ mang khung dệt ra là bỏ chơi với lũ bạn, chăm chỉ ngồi bên cạnh để xem. Mắt chăm chú dõi theo đôi tay mẹ, trong đầu cố gắng ghi nhớ cách luồn từng sợi chỉ.
Ngày trước, sợi dệt không có sẵn như bây giờ. Để có sợi, mẹ và phụ nữ trong làng phải vượt núi cao, lên rừng tìm lấy vỏ cây trôm đem về kéo sợi. Để có các màu sắc khác nhau, họ còn phải tìm các loại rễ cây như rễ cầm, rễ trum, rễ chà tâng… giã nhỏ, đun nước để nhuộm màu cho sợi. Từ khi bắt đầu kiếm vỏ cây trôm làm sợi đến khi hoàn thành một tấm Kle phải mất cả tháng trời.
Tuy tốn nhiều công sức là vậy, nhưng thời ấy, cô gái Giẻ Triêng nào cũng thích học dệt, biết dệt và tự tay dệt được tấm Kle thật đẹp để mặc trong các ngày lễ hội của làng. Bởi theo quan niệm của người Giẻ Triêng, người con gái dệt đẹp là có tính cẩn thận, tỷ mỷ, khéo léo, nết na, và như vậy sẽ được nhiều chàng trai để ý, chọn làm vợ. Ai không biết dệt thì khó “bắt” được chồng…
Còn bây giờ, nguyên liệu để dệt nên những tấm thổ cẩm là những sợi chỉ đủ màu sắc đều có sẵn, dễ mua, dễ làm, không còn phải kỳ công tìm vỏ cây làm chỉ, tìm rễ cây tạo màu nữa, nhưng làng lại vắng dần tiếng thoi dệt vải. Tiếng rằng Đăk Răng còn bảo tồn được nghề dệt, nhưng có ở đây mới biết, người già đang lo lắm, vì con gái bây giờ ít chịu học dệt, mai mốt người già về với Giàng hết, nghề dệt mất mất thôi.
Bà Y Ble thở dài rồi cúi xuống khung dệt. Tiếng lách cách lan trong gió, như níu kéo, như gợi nhớ lại nét xưa, khi làng Đăk Răng luôn rộn rã tiếng thoi đưa mỗi đêm trăng về.
“Ráng giữ lấy nghề…”
Có tiếng gọi ngoài cổng, Y Chon định đứng dậy, bà Y Ble lắc đầu ý bảo không cần: Bà Y Ngân đến nhờ mua sợi đấy mà. Y Chon lại quay sang tôi giới thiệu: Bà Y Ngân cũng là người biết dệt và dệt đẹp có tiếng. Bà Y Ble cười hiền hậu: Cũng như già, Y Ngân được mẹ cho làm quen với dệt thổ cẩm từ khi còn nhỏ, mỗi ngày đều lẽo đẽo theo mẹ đi rừng tìm cây trôm mang về kéo sợi, tìm các loại rễ cây về để nhuộm màu.
Lớn lên, Y Ngân trở thành cô bé dệt nhanh, dệt khéo nhất trong làng. Thổ cẩm của Y Ngân dệt không chỉ đều sợi mà còn sắc sảo từng họa tiết. Cũng vì vậy mà Y Ngân được đám trai làng để ý, sau này, không chỉ trai làng mà đám trai các làng lân cận cũng muốn “bắt” về làm vợ.
Năm 2010, bà từng được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum đưa ra Hà Nội để tái hiện lại nghề dệt thổ cẩm của người Giẻ Triêng tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (Khu du lịch Đồng Mô, thị xã Sơn Tây)…
Tấm Kle dang dở được căng ra, bà Y Ngân giảng giải: Ngày xưa, nhuộm màu cho vải cũng tốn sức lắm. Để sợi vải có màu xanh thì đốt vỏ ốc lấy tro rồi bỏ vào chum đất nấu cùng rễ cầm, rễ trum, chà tâng, chắt lấy nước; để tạo thành màu đen, phải nhúng sợi vào trong chum nước màu xanh rồi đun nóng, sau đó hấp lên; để tạo màu vàng thì nhúng sợi vải vào nước củ nghệ hoặc nấu nước rễ cây choong; nước bồ kết sẽ giúp sợi vải có màu đỏ.
Mỗi tấm Kle rộng 90-100cm, dài từ 1,5-1,7m phải dệt từ 7-10 ngày mới xong, nhưng bán khó lắm. Lớp trẻ bây giờ chỉ thích quần áo kiểu mới, muốn chúng nó học dệt, thì chúng nó cười: Bây giờ vải nhiều, màu gì cũng có, may lại nhanh và đẹp, dệt chi cho cực. Vậy cho nên, dệt thổ cẩm ngày nay chủ yếu mang tính chất trình diễn, khi có khách du lịch đến làng – bà Y Ngân cho hay.
Khi tôi hỏi về số người biết dệt thổ cẩm trong làng, bà Y Ngân bấm đốt ngón tay nhẩm tính, sau đó hỏi trao đổi với bà Y Ble rồi ngập ngừng: Chưa tới 10 người đâu. Cách đây mấy năm, huyện có mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm tại làng, mời già và bà Y Ble dạy. Nhưng học xong, không được dệt nữa, dần dần lại… quên hết.
Mặc dù vậy, những người như bà Y Ngân, Y Ble vẫn đắm đuối với dệt thổ cẩm, coi dệt là một phần tất yếu của cuộc sống. “Không dệt không chịu nổi đâu, cứ thấy thiếu thiếu cái gì đó, nhớ lắm!” – bà Ngân cười hiền. Còn bà Y Ble thì nói rằng, khi dệt, từng sợi chỉ, từng nét hoa văn làm tan biến mọi mệt mỏi.
Có một điều làm bà Y Ngân cảm thấy được an ủi đôi chút là, cả 2 người con gái của bà đều biết dệt. Đẹp hay không thì chưa dám nói, nhưng trẻ mà biết dệt là tốt rồi. Người già nói “đàn ông Giẻ Triêng phải biết đánh chiêng, đàn bà Giẻ Triêng phải biết dệt thổ cẩm”, già muốn con gái ráng giữ lấy nghề dệt, giữ lấy vải riêng của dân tộc mình, để nhìn trang phục là biết ngay người Giẻ Triêng- bà Y Ngân nói.
Chúng tôi rời nhà bà Y Ble khi nắng trưa tròn bóng. Ngang qua nhà bà Y Ngân, tôi thoáng nghe tiếng ai đó ngân nga, dù không hiểu lời, nhưng giai điệu vui tươi níu chân tôi lại. Y Chon nghiêng nghiêng đầu: Chắc con gái bà Y Ngân hát bài dân ca “Dệt vải” của người Giẻ Triêng đó, đại ý là “chị em mình ơi/dệt kơtu phải dệt cho đẹp để lại cho mình/dệt tấm dồ để dành cho người lớn…”.
Không hiểu sao, tôi lại cồn cào niềm mong ước, mai này về lại Đăk Răng, dưới mái nhà rông lại được thấy những cô gái Giẻ Triêng ngồi bên khung dệt để cho ra đời những tấm thổ cẩm đẹp làm mê mẩn lòng người…
Và hẳn rằng, đó cũng là tâm nguyện của những người đang âm thầm “giữ lửa” ở Đăk Răng như bà Y Ngân, Y Ble
Thành Hưng
Nguồn: http://baokontum.com.vn-HT