Dựa vào điều kiện thực tế, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã xây dựng, triển khai các mô hình phát triển kinh tế thích hợp. Đến nay, một số mô hình đã tạo cơ hội, giúp nhiều chị em thoát nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Dẫn chúng tôi ra xem trại nấm tại nhà của mình, chị Thái Thị Ngoan – Tổ trưởng tổ liên kết trồng nấm, thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà) phấn khởi khoe: 4 năm nay, Tổ liên kết trồng nấm vẫn duy trì đều đặn, hiệu quả. Không chỉ cải thiện bữa ăn, việc trồng nấm còn góp phần đem lại hiệu quả kinh tế trong gia đình cho mỗi chị em.
Với mục đích tạo cơ hội, giúp chị em phụ nữ liên kết, có điều kiện để phát triển kinh tế, năm 2013, Hội LHPN tỉnh đã thành lập, ra mắt Tổ liên kết trồng nấm cho 25 chị em phụ nữ tại thị trấn Đăk Hà. Ngay khi thành lập, các chị được tạo điều kiện học kĩ thuật; được hỗ trợ nguyên liệu để làm 500 bầu nấm. Tổ liên kết còn được Trung ương Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ 1 lò sấy nấm.
Có các điều kiện cần thiết, mỗi năm 2 đợt, thành viên bàn bạc, góp tiền mua các nguyên liệu, cùng tập trung đóng bịch, chia đều số bịch nấm cho nhau rồi đem về nhà trồng. Bình quân mỗi đợt, một thành viên làm khoảng 1.000 bịch nấm.
Mô hình trồng nấm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: B.A
Nắm chắc kĩ thuật nên việc chăm sóc nấm với các chị khá đơn giản, không mất nhiều thời gian. “Cứ một đợt, mỗi người chúng tôi thu về gần 10 triệu đồng. Đây chủ yếu là thu nhập thêm thôi vì đa số thời gian chúng tôi làm đều là tranh thủ vào buổi tối hoặc chăm sóc vào buổi trưa” – chị Ngoan cho hay.
Ngoài việc tạo công ăn, việc làm, đem lại thu nhập ổn định cho chị em, thứ “thực phẩm ăn như thịt, lành như rau” này còn giúp các chị có thêm nguồn thực phẩm sạch, bổ dưỡng, thơm ngon. Và đặc biệt, sau khi thu hoạch nấm, các chị em trong tổ liên kết còn góp tiết kiệm, xem xét, cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn trong tổ mượn để mua nguyên liệu hoặc trang trải những lúc ngặt nghèo.
Chung mục đích tạo điều kiện cho chị em phát triển kinh tế, năm 2014, Hội LHPN huyện Đăk Tô cũng thành lập mô hình trồng cỏ nuôi bò cho chị em phụ nữ tại xã Kon Đào. Tham gia mô hình, chị em được tập huấn kĩ thuật chăn nuôi, biết cách chăm sóc, trồng cỏ để tạo nguồn thức ăn cho bò. “Lúc mới thành lập chỉ có 25 thành viên nhưng đến nay mô hình đã thu hút 30 hội viên tham gia” – chị Nguyễn Thị Vân – Chủ tịch Hội LHPN xã Kon Đào cho biết.
Là một trong những hộ phụ nữ khó khăn, năm 2015, chị Ninh Thị Hằng tại thôn 2, xã Kon Đào đã mạnh dạn tham gia vào mô hình trồng cỏ nuôi bò. Ngay sau khi tham gia, chị Hằng được Hội LHPN xã đứng ra tín chấp vay 30 triệu, cộng thêm vốn sẵn có chị mua 5 con bò. “Sau một thời gian, đàn bò sinh được 2 con con, tôi bán bớt đi, lấy vốn đầu tư trồng thêm cao su, cà phê” – chị Hằng cho biết.
Mô hình trồng cỏ nuôi bò giúp nhiều chị thoát nghèo. Ảnh: B.A
Thấy bò phát triển, đem lại hiệu quả, năm 2016, chị Hằng tiếp tục vay 50 triệu mua thêm 2 con bò giống. Chị đầu tư trồng 2 sào cỏ, mua máy cắt cỏ để tiết kiệm nhân công. Được chăm sóc kĩ lưỡng, đàn bò lớn nhanh như thổi, sinh sản ổn định, mỗi năm đem về cho chị gần 100 triệu đồng.
“Không chỉ thu nhập từ bò, tôi còn sử dụng được nguồn phân bò để bón cho cà phê, cao su. Nhờ mô hình này, gia đình tôi đã thoát khỏi nghèo. Sắp tới, tôi sẽ làm nệm lót sinh học, làm chuồng trại đàng hoàng để hiệu quả cao hơn” – chị Hằng cho biết.
Tương tự, từ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tham gia vào mô hình nuôi bò, chị Nông Thị Biện ở thôn 2, xã Kon Đào được hỗ trợ, tạo điều kiện vay vốn, mua bò để phát triển kinh tế. Nhờ vậy, đến nay chị đã thoát được nghèo. “Mô hình nuôi bò đã phát huy hiệu quả, chúng tôi sẽ cố gắng duy trì để chị em có cơ hội phát triển kinh tế” – chị Vân chia sẻ.
Tùy đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng từng địa phương, các cấp Hội Phụ nữ xây dựng các mô hình kinh tế khác nhau để tạo điều kiện cho chị em phụ nữ phát triển, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nếu ở Đăk Hà phát triển mô hình trồng nấm thì tại Kon Plông, mô hình trồng rau sạch đã phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cho chị em; hay tại huyện Tu Mơ Rông, 2 tổ liên kết phụ nữ DTTS trồng sâm dây đã tạo cơ hội, giúp nhiều chị em thoát nghèo; tại Sa Thầy mô hình trồng chuối cũng bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế.
“Chúng tôi xem xét thật kĩ rồi mới thành lập các mô hình phù hợp cho chị em. Qua đó, giúp chị em có thêm cơ hội sản xuất; biết cách áp dụng khoa học kĩ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt; chuyển từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong thời gian đến, các cấp Hội sẽ cố gắng tạo cơ hội, tạo điều kiện tốt nhất để chị em phát triển kinh tế” – chị Trần Thị Phong Lan – Phó Chủ tịch hội LHPN tỉnh cho hay.
Bình An
Nguồn: baokontum.com.vn-HT