Trong dòng chảy lịch sử đầy vẻ vang và tự hào của dân tộc Việt Nam, phụ nữ luôn đóng một vai trò trọng yếu. Ở thời đại nào, cũng có những người phụ nữ tài trí, bản lĩnh, kiên cường, luôn nêu cao tinh thần và phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khất, trung hậu, đảm đang”. Tìm hiểu những câu chuyện về họ cũng là cách chúng ta cùng ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, của phụ nữ Việt Nam và cùng nhau tiếp nối, phát huy truyền thống quý báu đó.
Tài liệu này có thể được sự dụng trong các buổi sinh hoạt chi/tổ dưới dạng hỏi, trả lời hoặc trò chơi hái hoa dân chủ. Chi/tổ trưởng có thế tìm hiểu sâu hơn để cung cấp thêm thông tin hoặc đặt tiếp các câu hỏi về những người phụ nữ nổi tiếng này để cùng hiểu hơn về họ (Ví dụ: Ngoài những thông tin mà tôi vừa kể, các chị/em có thể chia sẻ thêm thông tin/câu chuyện về bà…mà các chị/em biết?).
Câu hỏi 1: Nữ vương đầu tiên trong lich sử dân tộc ta?
Trả lời: Đó là hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị (Năm 14 – 43), những người phụ nữ mạnh mẽ dám đứng lên dựng cờ khởi nghĩa chống lại nhà Hán. Trong sử sách, hai Bà được biết đến như những thủ lĩnh khởi binh chống lại chính quyền đô hộ của Đông Hán, lập ra một quốc gia với kinh đô tại Mê Linh và tự phong là nữ vương. Thời kì của hai Bà xen giữa Bắc thuộc lần 1 và Bắc thuộc lần 2 trong lịch sử Việt Nam. Đại Việt sử ký toàn thư coi Trưng Trắc là một vị vua trong lịch sử, với tên gọi Trưng Nữ vương.
Câu hỏi 2: Nữ chiến sỹ cộng sản Việt Nam đầu tiên?
Trả lời: Đó là bà Nguyễn Thị Minh Khai (1910-1941). Bà là một nữ chiến sĩ cộng sản tiền bối trên quê hương Xô viết, người đã làm rạng danh truyền thống cách mạng của phụ nữ Việt Nam. Năm 1927, bà gia nhập Tân Việt cách mạng Đảng. Năm 1929 thoát ly gia đình tham gia hoạt động cách mạng ở Trung Hoa. Năm 1935 vào học trường Đại học Phương Đông tại Liên Xô cũ cùng với Lê Hồng Phong là đại biểu chính thức của Đảng Cộng sản Đông Dương tham dự Đại hội VII Quốc tế cộng sản. Năm 1937, bà về nước hoạt động. Sau khi Khởi nghĩa Nam kỳ thất bại, bà bị giặc Pháp bắt năm 1940 và bị thực dân Pháp kết án tử hình và bị xử bắn tại Ngã ba Giồng, Hóc Môn năm 1941.
Câu hỏi 3: Nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trẻ nhất?
Trả lời: Đó là chị Võ Thị Sáu (1933 – 1952) là một nữ du kích trong kháng chiến chống Pháp ở Việt Nam, người nhiều lần thực hiện các cuộc mưu sát nhắm vào các sĩ quan Pháp và những tên phản quốc cộng tác đắc lực với chính quyền thực dân Pháp tại miền Nam Việt Nam. Do bị chỉ điểm, chị bị quân Pháp bắt và bị tòa án binh quân đội Pháp xử tử hình khi chưa đến 18 tuổi. Chị như một biểu tượng Liệt nữ Anh hùng tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Pháp và được truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1993 (ngành công an).
Câu hỏi 4: Nữ Anh hùng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam?
Trả lời: Đó là nữ Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Chiên (1930 – 2016). Bà quê tại xã Tán Thuật, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Bà là Trung tá quân đội nhân dân Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, bà đã xây dựng và chỉ huy đội nữ du kích Tán Thuật (Thái Bình). Đội đã hoạt động hiệu quả, táo bạo dũng cảm, nổi tiếng với chiến tích “tay không bắt giặc”, bà được vinh dự gặp Bác Hồ và được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm 1952 khi mới 22 tuổi.
Câu hỏi 5: Nữ tướng duy nhất của Việt Nam ở thể kỷ XX?
Trả lời: Đó là thiếu tướng Nguyễn Thị Định, hay còn được gọi với cái tên trìu mến là “bà ba Định”. Bà thật xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Phó Tư lệnh giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho dân tộc ta”.
Câu hỏi 6: Chủ nhân của “Nụ cười chiến thắng” trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước?
Trả lời: Đó là bà Võ Thị Thắng. Bức ảnh của người sinh viên yêu nước, chiến sĩ biệt động Võ Thị Thắng với “Nụ cười chiến thắng” nổi tiếng tại phiên tòa của Mỹ ngụy năm 1968. Trước 1975, bà là sinh viên Sài Gòn, tham gia đấu tranh biểu tình chống chính quyền bị bắt và bị kết án 20 năm tù. Khi bị kết án, bà có nói một câu được cho là rất nổi tiếng đó là “…tôi chỉ sợ chính quyền của các ông không tồn tại nổi đến khi tôi mãn hạn tù”. Khi bà Võ Thị Thắng bị dẫn giải về nhà lao, có nhà báo đã chụp được bức ảnh Võ Thị Thắng mỉm cười đứng giữa hai lính dẫn giải.
Câu hỏi 7: Nữ hoàng duy nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam đến nay?
Trả lời: Là nữ hoàng đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử vương triều phong kiến Việt Nam, song Lý Chiêu Hoàng (Chiêu Thánh) ở ngôi báu chỉ hơn một năm nên sách sử khi viết về bà chỉ đề cập đến với những dòng sơ lược khiến hậu thế ít biết về cuộc đời lắm nỗi truân chuyên của bà. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lý Chiêu Hoàng sinh năm Mậu Dần (1218), là con gái vua Lý Huệ Tông và hoàng hậu Trần Thị Dung. Khi bà chào đời, nhà Lý (1010-1225) đã vào thời kỳ suy tàn. Chiêu Hoàng lúc đó mới 7 tuổi, được sắc phong làm hoàng hậu, gọi là Chiêu Thánh. Sau nhiều biến cố, bà bị giáng xuống làm công chúa. Từ khi sinh ra cho đến khi từ biệt cõi đời, với bao biến cố đã khiến bà trở thành một người có số phận lạ lùng nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với 7 lần ở những danh vị khác nhau: Công chúa triều Lý, Hoàng Thái tử nhà Lý, Nữ Hoàng đế nhà Lý, Hoàng hậu nhà Trần, Công chúa nhà Trần, Sư cô (thời Trần) và Phu nhân tướng quân nhà Trần.
Câu hỏi 8: Người phụ nữ duy nhất tham gia đàm phán và ký kết Hiệp định Pari năm 1972?
Trả lời: Đó là bà Nguyễn Thị Bình – nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Người được biết đến là một trong những nhân vật chủ chốt trong Hội nghị Paris. Hội nghị Paris về Việt Nam (1968-1973) được coi là một trong những cuộc thương thuyết kéo dài nhất trong lịch sử thế giới. Khi đó, bà là trưởng phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị bốn bên về hòa bình cho Việt Nam tại Paris giai đoạn 1968-1973. Hiệp định Paris đã ghi lại những thắng lợi rất to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Bà cũng là nữ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam. Bà là người phụ nữ Việt Nam thứ hai giữ chức vụ phó nguyên thủ và là người nữ Việt Nam đầu tiên giữ chức vụ Phó Chủ tịch nước.
Câu hỏi 9: Nữ chủ bút (nay gọi tổng biên tập báo) đầu tiên ở Việt Nam ?
Trả lời: Đó là bà Sương Nguyệt Anh, tên thật là Nguyễn Xuân Khuê (có tài liệu ghi là Nguyễn Ngọc Khuê), tục danh Năm Hạnh, thuở con gái lấy hiệu là Nguyệt Anh. Bà sinh ngày 01/2/1864 tại làng An Bình Đông, nay là xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Bà là con gái thứ năm của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Ngày 01/2/1918, báo “Nữ giới chung” – tờ báo đầu tiên ở nước ta chú trọng đến việc dạy nữ công, đức hạnh phụ nữ và phê phán luật lệ khắt khe đối với nữ giới thời đó, đồng thời chủ trương đấu tranh mạnh mẽ cho vấn đề bình đẳng nam nữ – ra số đầu tiên và bà Sương Nguyệt Anh chính thức trở thành nữ chủ bút báo đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam. Bà không những có vai trò to lớn trong viẹc làm thức tỉnh và cổ vũ các độc giả nữ trước thời thế mới mà còn làm đa dạng, phong phú, hoàn thiện thêm nền báo chí non trẻ của Việt Nam khi đó, đồng thời tạo tiền đồ tốt cho hàng loạt báo chí về phụ nữ sau này xuất hiện như “Phụ nữ tân văn”, “Phụ nữ thời đàm”.
Câu hỏi 10: Nữ Tiến sỹ đầu tiên của Việt Nam
Trả lời: Đó là bà Nguyễn Thị Duệ (hay Nguyễn Thị Du; ngoài ra, có người gọi bà tên Nguyễn Thị Ngọc Toàn, hiệu Diệu Huyền) là nữ Tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam. Hiện chỉ biết bà sống vào cuối thế kỉ 16, đầu thế kỉ 17, chưa rõ năm sinh và mất. Nguyễn Thị Duệ, quê huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Là một người hiếu học, song luật lệ bấy giờ không cho phép con gái được học hành thi cử, Nguyễn Thị Duệ phải giả trai để dự việc đèn sách. Khoa thi tiến sĩ năm Giáp Ngọ (1594) bà mang tên giả là Nguyễn Du đi thi và đỗ đầu khi tuổi vừa 20. Đến khi mở yến tiệc chiêu đãi các tân khoa, vua Mạc Kính Cung thấy vị tiến sĩ trẻ dáng vẻ mảnh mai, mặt mày thanh tú… nên dò hỏi. Khi đã rõ chuyện, Nguyễn Thị Duệ không bị khép tội mà còn được vua khen ngợi… Sau đó, vua vời bà vào cung để dạy các phi tần, rồi được tuyển làm phi: Tinh Phi (Sao Sa) và người ta quen gọi là “Bà Chúa Sao”. Năm 1625, quân Lê – Trịnh tiến lên Cao Bằng diệt nhà Mạc. Nguyễn Thị Duệ vào rừng ẩn náu, bị quân lính bắt được. Mến tài, vua Lê và chúa Trịnh vẫn cho bà trông coi việc dạy học trong vương phủ… Khi mất, người dân địa phương lập đền thờ, tôn bà làm phúc thần.
Câu hỏi 11: Bà tổ nghề may là ai?
Trả lời: Đó là bà Nguyễn Thi Sen sinh ra và lớn lên ở làng Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, trấn Sơn Tây (ngôi làng được Quý Minh Đại Vương là thần tướng dưới thời Hùng Vương lập lên). Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Vua Đinh Tiên Hoàng lập 5 hoàng hậu là Đan Gia, Trinh Minh, Kiều Quốc, Cồ Quốc và Ca Ông, trong đó tứ phi Hoàng Hậu Cồ Quốc chính là Thánh tổ nghề may Nguyễn Thị Sen. Vào năm Kỷ Mão (979) Vua Đinh Tiên Hoàng bị gian thần sát hại. Buồn chán trước cảnh triều đình rơi vào binh đao tranh quyền, đoạt vị, bà đã đưa các con từ giã Hoàng cung trở về làng Trạch Xá quê hương. Tại đây, bà đã mang nghề may trong cung truyền dạy cho dân làng và từ đó nghề may đã phát triển đời này nối tiếp đời sau, đến nay đã được hơn ngàn năm. Bà mất vào ngày 12 tháng Chạp. Để con cháu muôn đời biết về công đức của tiền nhân, người dân làng Trạch Xá đã lập đền thờ suy tôn bà là Đức Thánh Tổ nghề may và tổ chức lễ hội giỗ tổ vào ngày 12 tháng Chạp âm lịch hàng năm.
Câu 12: Bà tổ nghề gốm Chu đậu là ai ?
Trả lời: Đó là bà Bùi Thị Hý, quê tại huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Nổi danh từ thế kỷ 15 khi đưa Gốm Chu đậu rạng danh khắp nơi trên Thế giới, bà Bùi Thị Hý, bà tổ nghề Gốm Chu Đậu, cũng là nữ doanh nhân tài hoa đầu tiên của Việt Nam, đã tạo ra những di sản vô cùng to lớn để thế hệ doanh nhân Việt ngày nay tiếp tục phát triển dòng gốm cổ với hàng trăm năm lịch sử, “mang bản sắc Việt tỏa sáng khắp năm châu”. Gốm Chu Đậu dưới bàn tay tài hoa của bà Bùi Thị Hý có những nét đặc trưng riêng của Chu Đậu và cũng là những nét đặc sắc của người Việt thể hiện ở màu men và họa tiết mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Mỗi sản phẩm đều chứa đựng thông điệp nhiều ý nghĩa, mong muốn của người nghệ nhân cho cuộc sống hạnh phúc và thành đạt.
Câu 13: Bà tổ nghệ thuật hát chèo tại Việt Nam là ai ?
Trả lời: Đó là bà Phạm Thị Trân sinh năm 926, mất năm 976 hiệu là Huyền Nữ. Bà là một nữ nghệ sĩ thời nhà Đinh trong lịch sử Việt Nam. Bà là được tôn là bà tổ của nghệ thuật hát chèo. Cho đến nay, hát chèo vẫn là một trong những loại hình nghệ thuật chiếm giữ một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa người dân Việt Nam. Hàng năm cứ đến ngày 12/8 âm lịch, ngành sân khấu Việt Nam lại tổ chức giỗ Bà tổ của nghề hát chèo. Vào đầu xuân, nhân dân châu thổ sông Hồng lại tổ chức hội làng, trong đó hát chèo giữ một vai trò quan trọng, là linh hồn không thể thiếu của ngày hội.
Câu 14: Bà tổ nghề dệt vải tại Việt Nam là ai?
Trả lời: Đó là bà Nguyễn Thị La, sống ở thế kỷ XII, dưới thời nhà Lý. Tương truyền, bà có nhan sắc khuynh thành, giỏi nghề thêu dệt. Sau kết duyên cùng một người thợ dệt lành nghề, sau đỗ đạt làm quan và cùng vợ mở phường thủ công ở đất làng Nhược Công. Cuối thời nhà Lý, hai vợ chồng bà mất. Bà được phong là Thụ La Công chúa, được tôn làm bà tổ nghề dệt vải ở kinh đô. Đình Nhược Công, nay là Đình làng Thành Công là nơi thờ vọng vị quan họ Đoàn thời Lý và bà tổ nghề dệt Nguyễn Thị La (thờ hai vợ chồng bà).
Câu 15: Người phụ nữ được mệnh danh là “Bà chúa thơ Nôm” là ai?
Trả lời: Đó là nữ sĩ Hồ Xuân Hương, bà sinh vào khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Bà là nữ sĩ tài hoa, nổi tiếng với nhiều sáng tác thơ Nôm trào phúng. Bà dược mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm không chỉ bởi số lượng tác phẩm mà còn vì nghệ thuật điêu luyện với ý tưởng sâu sắc. Một nhà nghiên cứu đã nói về thơ bà “Thơ Nôm Hồ Xuân Hương lừng lững biểu hiện một cách sinh động trực quan khả năng giàu có mà hiểm hóc đến mức kỳ lạ của ngôn ngữ dân tộc”.
Câu 16: “Huyền thoại mẹ” trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc là ai?
Trả lời: Đó là Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ (1904-2010), tại xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Mẹ Nguyễn Thị Thứ có 9 người con ruột, một con rể và hai cháu ngoại lần lượt hi sinh. Cuộc đời mẹ đã trở thành huyền thoại, thành tượng đài bất hủ của tinh thần yêu nước, sự hy sinh vô bờ bến cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Mẹ Thứ được chọn làm nguyên mẫu cho công trình tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng – một công trình văn hóa cấp quốc gia, ghi nhớ công ơn của các bà mẹ Việt Nam anh hùng tại Núi Cấm (thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam).
Câu 17: Nữ đại tá tình báo giỏi nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước?
Trả lời: Đó là đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Đinh Thị Vân (1916-1995), người tổ chức và điều hành mạng lưới tình báo tại Sài Gòn trong kháng chiến chống Mỹ. Với tính cách thông minh, nhanh nhẹn, kiên trung, xây dựng được mạng lưới tình báo vững chắc, bà đã cung cấp kịp thời cho Trung ương Đảng nhiều tin tức về các cuộc càn quét của Mỹ ngụy vào đầu não kháng chiến của ta ở miền Đông Nam bộ. Hệ thống tình báo của bà phục vụ đắc lực cho các kế hoạch tấn công của quân đội ta từ Tết Mậu Thân 1968 đến khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng năm 1975.
Câu 18: Người phụ nữ vác đạn nặng nhất trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước là ai?
Trả lời: Đó là Anh hùng Ngô Thị Tuyển. Anh hùng Ngô Thị Tuyển sinh năm 1946 tại Nam Ngạn, Hàm Rồng, Thanh Hóa. Bà là nữ dân quân mưu trí, dũng cảm. Ngày 04/4/1965, trong một tình thế cấp bách, cô gái trẻ Ngô Thị Tuyển quả quyết, nhờ đồng đội nâng hai hòm đạn lên vai, rồi vác luôn chúng chạy băng qua hào sâu, dưới mưa bom để tiếp đạn. Hồi ấy, bà mới 19 tuổi, cân nặng chỉ có 42 kg, bà đã vác 2 hòm đạn nặng 98kg vượt qua bờ đê chuyển ra sông phục vụ chiến đấu tại Hàm Rồng Thanh Hóa. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, bà vinh dự được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng ba, được gặp Bác Hồ 3 lần và được chính Bác tặng huy hiệu của Người, 6 lần được tặng bằng khen, giấy khen. Ngày 01/01/1967, Ngô Thị Tuyển được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Câu 19: Người phụ nữ đầu tiên nhận Huân chương Sao vàng là ai?
Trả lời: Đó là bà Nguyễn Thị Thập tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tốt (1908-1996). Bà là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của Nhà nước CHXHCN Việt Nam năm 1985. Bà cũng là người nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của đất Tiền Giang tham dự kỳ họp Quốc hội khóa I tại Hà Nội năm 1946. Bà có gần 20 năm đảm trách vai trò Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam. Bà là Bà mẹ Việt Nam anh hùng và là một huyền thoại của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ miền Nam thành đồng Tổ quốc.
Câu 20: Nữ Giáo sư toán học đầu tiên của Việt Nam là ai?
Trả lời: Đó là GS.TS.NGND Hoàng Xuân Sính ở lĩnh vực Toán đại số. Bà sinh năm 1933 tại Hà Nội. Bà Hoàng Xuân Sính vừa là nữ tiến sĩ vừa là nữ giáo sư toán học đầu tiên ở Việt Nam. Bà cũng là người phụ nữ nước ngoài đầu tiên đến Paris bảo vệ thành công luận án tiến sĩ quốc gia về toán học. Ngoài giảng dạy Toán Đại số ở Trường Đại học Sư phạm và biên soạn giáo trình đại học, sách giáo khoa Toán học phổ thông, GS Hoàng Xuân Sính từng là chủ nhiệm bộ môn đại số rồi làm trưởng khoa Toán – Tin học tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Bà là một trong những người sáng lập ra trường Đại học Thăng Long, trường Đại học tư thục đầu tiên ở Việt Nam (1988). Bà đã được chính phủ Pháp trao tặng “Huân chương Cành cọ Hàn lâm” vào năm 2003 vì những đóng góp to lớn của cá nhân bà cho công cuộc phát triển và hợp tác nghiên cứu khoa học giữa hai quốc gia Pháp – Việt. Bà cũng là người góp phần quan trọng vào việc hình thành Giải thưởng Kovalevskaia trao tặng cho các nhà khoa học nữ xuất sắc ở Việt Nam./.
Hải Bình tổng hợp. Nguồn: http://hoilhpn.org.vn-HT