Kon Tum được biết đến là một trong những chiếc nôi của Cách mạng. Qua 2 cuộc kháng chiến  đầy gian khổ hy sinh  giành độc lập tự do của dân tộc, đến nay, vùng cực bắc Tây Nguyên tự hào có 112  Bà mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng, truy tặng. Mỗi người một hoàn cảnh, số phận khác nhau, song tất cả đều có chung một tình yêu  thiêng liêng, cao cả với đất nước, quê hương, cùng viết nên những trang vàng truyền thống.

Me Y NOI

Mẹ VNAH Y Nối ở  xã Pô Kô, huyện Đăk Tô. Ảnh: Thanh Như

Ba năm mới có dịp về thăm mẹ Y Nối. Vẫn đoạn đường nhỏ từ ngã ba trên đường Hồ Chí Minh rẽ vào xã Pô Kô, nhưng bây giờ, người xe vào ra đông vui, tấp nập hơn. Nếp nhà rông làng Đăk Rao lớn qua nhiều mùa nắng mưa cũng đã sậm màu mái lá.Căn nhà nhỏ vắng lặng, nhưng chỉ sau tiếng gọi cửa, mẹ đã ra đến hiên.Mẹ cười, ánh mắt pha sương nheo nheo. Vợ chồng đứa cháu đi làm rẫy, mình mẹ ở nhà. May, có đứa cháu nhà bên sang chơi, tiện thể làm “ phiên dịch”. 3 năm trước, còn ra vào, tỷ mẩn với những công việc hàng ngày, nhưng bây giờ, hơn 90 tuổi rồi, mẹ chỉ loanh quanh trong nhà.Kể từ khi người chồng thủy chung một đời gắn bó qua đời, mẹ buồn nhiều, càng ít nói hơn. Mẹ  sinh ra và lớn lên ở làng Đăk Rao này. Trước giải phóng, cuộc sống cơ cực lắm vì bị  địch dồn dân vào  ấp chiến lược. Mong thoát khỏi nghèo đói và kìm tỏa, vợ chồng mẹ theo Cách mạng, có một con trai duy nhất là A Din cũng cho nó vào du kích. A Din làm liên lạc, tham gia đánh đồn ngụy. Năm 1972, trong trận phá ấp chiến lược Kon Hring, A Din đã anh dũng hy sinh. Nhờ sự quan tâm của các cấp ngành, địa phương, bà con dân làng và nhất là Công ty Xổ số kiến thiết Kon Tum, cuộc sống của mẹ luôn được chăm lo chu đáo.

Đến nay, tỉnh Kon Tum vinh dự có 112 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu nhà nước “ Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Hồi trước, sống trong cảnh nô lệ, lầm than dưới ách đô hộ của thực dân, đế quốc, các mẹ thấu hiểu hơn ai hết  giá trị của độc lập, tự do, ý nghĩa của cuộc sống hòa bình, no ấm.Các mẹ đã sinh ra, nuôi dưỡng, dạy dỗ  và cống hiến cho Tổ quốc những người con thân yêu nhất. Không chỉ động viên con lên đường chiến đấu, bản thân các mẹ cũng vào du kích, trực tiếp làm ra lúa ra mì để ủng hộ kháng chiến, tham gia dân công, hỗ trợ bộ đội… Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, các mẹ chăm lo lao động sản xuất, gương mẫu xây dựng quê hương, phát huy truyền thống gia đình cách mạng, dạy bảo con cháu thành người có ích.

Tang qua me

Lãnh đạo tỉnh thăm và tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng.  Ảnh: Thanh Như

Năm 2003, UBND tỉnh Kon Tum phối hợp với Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân  xuất bản tập sách “ Chân dung các  bà mẹ Việt Nam anh hùng và anh hùng lực  lượng vũ trang  nhân dân tỉnh Kon Tum”. Trong  tập tư liệu lịch sử  này, cuộc đời và công lao của 60 bà mẹ Kon Tum anh hùng đã được  giới thiệu  một cách  chân thực và gần gụi . Thật là một sự  trùng hợp thú vị, khi trong số  các bà mẹ VN AH của Kon Tum được giới thiệu, có hai chị em ruột là bà Y lai  và bà Y Đả( Tức Y Đạt) ở làng Đăk Riếp, xã Đăk Na, huyện  Đăk Tô ( Nay là huyện Tu Mơ Rông).  Mẹ Y Lai sinh năm 1918, có 3 con hy sinh  là  Y Ngun- du kích xã Đăk Na, A Nghê- bộ đội địa phương, Y Măng – bộ đội địa phương, liên tục hy sinh  trong thời gian từ năm 1966 đến 1969 trên chính mảnh đất H80 trong khi đang thực thi nhiệm vụ. Được chị gái  Y Lai giác ngộ, bà Y Đả  cũng đã  cho con trai duy nhất là A Bua  đi bộ đội. Năm 1978, A Bua hy sinh trong khi chiến đấu với funrô bảo vệ biên giới Tây Nam.

75 tuổi, Mẹ Việt Nam anh hùng Y NhRo  hiện sống với chồng là ông  A Đe- nguyên liên lạc viên của xã Đăk Ui anh hùng  và  vợ  chồng cháu gái Y Hố mà ông bà đã nhận làm con, ở Làng Kon Rế, Xã Ngọc Wang, Huyện Đăk Hà. Trước năm 1975, ở vùng căn cứ Cách mạng, trong khi ông làm liên lạc, đảm nhận việc  giao chuyển giấy tờ cho xã thì bà  cũng đi dân công, tải đạn, phục vụ chiến đấu. A Vấp, con trai duy nhất  của ông bà chưa đến tuổi thanh niên đã được cha mẹ  cho  vào du kích. Ngày 4/11/1966, A Vấp anh dũng hy sinh  trong một trận chiến đấu giữ làng.

Với gia đình bà Phạm Thị Nữ ở Thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, con gái mẹ  VNAH Nguyễn Thị Bân, ngày 8 tháng 9 âm lịch hàng năm là một ngày đặc biệt, vì đó là ngày giỗ chung ba người anh của bà Nữ, 3 người con trai của Mẹ Bân đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống  Mỹ cứu nước. Mẹ VNAH Nguyễn Thị Bân sinh ra và lớn lên ở vùng quê Cách mạng Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam. Mẹ là người chị tảo tần đã nuôi dạy anh hùng liệt  sĩ Nguyễn Văn Trỗi  từ lúc anh còn nhỏ  cho đến khi trưởng thành, tham gia cách mạng, vào hoạt động tại Sài Gòn. 14 lần sinh nở, mẹ nuôi được 10 người con, cho các con theo Cách mạng, hoạt động trên chính mảnh đất quê nhà. Mẹ đớn đau không kể xiết khi 3 người con trai là các anh Phạm Phước, Phạm Bé và Phạm Hiền lần lượt hy  sinh. Vốn là cơ sở Cách mạng kiên cường ở quê nhà Điện Bàn, nên sau khi lên lập nghiệp tại Tân Cảnh, Đăk Tô vào năm 1965, mẹ Nguyễn Thị Bân đã liên lạc, móc nối với cơ sở Cách mạng của Kon Tum để tiếp tục hoạt động.Thông qua việc mua bán mít và rau củ quả, mẹ  làm liên lạc cho cán bộ với cơ sở Cách mạng, vận chuyển tiếp tế  nhu yếu phẩm và thuốc tây ra vùng căn cứ…

Còn bao nhiêu tấm gương mẹ Việt Nam anh hùng của tỉnh Kon Tum…, mỗi người một cuộc đời, một số phận; nhưng sự cống hiến, hy sinh lặng lẽ của họ đã để lại tình cảm sâu đậm, xứng đáng được trân trọng, tôn vinh.

Trải bao hy sinh gian khổ, nhiều mẹ Việt Nam anh hùng đã về với đất. Toàn tỉnh hiện chỉ còn 6 mẹ VNAH đang sống với con cháu.Thật là vui vầy, ấm áp khi các mẹ luôn được sự quan tâm chăm sóc của gia đình và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội./.

                                                                               CTV Thanh Như-HT