1. Sự cần thiết phải xây dựng Luật
Việc xây dựng Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là cần thiết để:
– Thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia đã được Đảng và Quốc hội thông qua[1];
– Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và bổ sung một số quy định còn thiếu[2];
– Xây dựng một mô hình phát triển mới với cơ chế, chính sách có tính đột phá để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh thu hút đầu tư và đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế.
2. Mục đích xây dựng Luật
– Thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về phát triển đặc khu kinh tế, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, xây dựng một mô hình phát triển mới với cơ chế, chính sách có tính đột phá để đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế;
– Xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho hoạt động đầu tư, lưu thông, giao dịch, sản xuất, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ trong nước và quốc tế.
– Tạo bước đột phá về thể chế hành chính – kinh tế ở những khu vực có vị trí, tiềm năng đặc biệt thuận lợi nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh thu hút đầu tư của Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới, có thể nhân rộng trong cả nước những cơ chế, chính sách và mô hình quản lý phù hợp, hiệu quả và tạo hiệu ứng lan tỏa, tạo động lực cho nền kinh tế trong nước.
3. Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật
– Bám sát và cụ thể hóa đầy đủ tinh thần và nội dung các quy định của Hiến pháp năm 2013 tại Chương 9 về chính quyền địa phương cũng như các quy định khác có liên quan trong Hiến pháp và Luật tổ chức chính quyền địa phương;
– Đảm bảo giữ vững vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh; ổn định và phát triển toàn diện về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường.
– Tạo cơ sở pháp lý vững chắc tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương;
– Khắc phục sự chồng chéo và trùng lắp về chức năng và nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở hiện nay, và đơn giản hóa bộ máy và thủ tục hành chính, cải tiến bộ máy cơ quan Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội theo hướng tinh giản, gọn nhẹ.
– Dự án Luật này áp dụng tại một số đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt có ranh giới địa lý xác định nên cần mạnh dạn cho phép thực hiện các cơ chế, chính chính sách đặc thù, mới, có tính đột phá về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và ưu đãi đầu tư.
4. Một số nội dung của dự thảo Luật
* Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về quy hoạch, cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế – xã hội, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan khác của Nhà nước tại các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang); nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước ở trung ương và chính quyền địa phương cấp tỉnh đối với đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (Điều 1).
* Về cơ chế, chính sách đặc biệt về đầu tư kinh doanh
Ngành nghề ưu tiên phát triển tại đặc khu: Đối với từng khu vực đặc khu sẽ có những ngành nghề ưu tiên phát triển riêng trên cơ sở đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh của từng đặc khu.
Dự thảo Luật đã bổ sung một số ngành nghề đối với từng khu như: dịch vụ tài chính và logicstics đối với khu vực Vân Đồn; sản xuất sản phẩm và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực hải dương, hàng hải sinh học và sinh thái biển đối với đặc khu Bắc Vân Phong;
Dự thảo Luật điều chỉnh quy mô vốn đầu tư tối thiểu đối với dụ án đầu tư khu dịch vụ, du lịch và vui chơi, giải trí tổng hợp có casino, dự án cảng hàng không quốc tế cho phù hợp với thực tế và chỉnh lý về kỹ thuật như thể hiện tại Điều 16 và các phụ lục I, II,III của dự thảo Luật.
* Về một số cơ chế, chính sách đặc biệt liên quan tới đất đai
– Về thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh:
Theo Điều 32 dự thảo Luật: “1. Căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm; trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định…”.
– Về miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước:
Để khai thác, sử dụng đất một cách tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời bảo đảm nguồn thu ngân sách của các đặc khu, Điều 45 dự thảo luật đã được chỉnh lý:
+ Thu hẹp phạm vi các dự án được miễn tiền thuê đất cho cả đời dự án;
+ Phân biệt rõ các mức độ ưu đãi khác nhau đối với từng dự án đầu tư, trong đó cơ bản chỉ ưu đãi đối với dự án thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển của các đặc khu;
+ Quy định mức miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước cử các dự án đầu tư tại đặc khu Phú Quốc thấp hơn so với hai đặc khu còn lại nhằm phù hợp hiện trạng đất ở Phú Quốc;
+ Không miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với các dự án đầu tư khác tại đặc khu trong 1 số trường hợp
- Về lao động, tiền lương và an sinh xã hội
Dự thảo luật bổ sung một số cơ chế, chính sách về lao động, tiền lương, an sinh xã hội như sau:
– Bổ sung một số cơ chế nhằm bảo vệ và hỗ trợ người dân tại đặc khu, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế trước sự thay đổi và phát triển nhanh của đặc khu (Điều 46, Điều 48, khoản 4 Điều 57…);
– Bổ sung quy định về mức lương tối thiểu áp dụng tại đặc khu (khoản 3 điều 46)
– Bổ sung quy định một số cơ chế, chính sách về an sinh xã hội: chuẩn nghèo, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội, thuê, mua nhà ở xã hội, xây dựng nhà ở, công trình phúc lợi cho người lao động có thu nhập thấp (điều 49)
KẾT LUẬN
Đây là Dự án Luật mới, phức tạp, chưa có tiền lệ; nhiều quy định về cơ chế, chính sách trong dự thảo luật mang tính đột phá cả về tổ chức bộ máy và quan điểm, định hướng phát triển trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp. Trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý quy định của dự thảo Luật về thời hạn sử dụng đất để sản xuất kinh doanh áp dụng theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật này từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và Nhân dân.
Với chủ trương trên, đề nghị cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình hiểu đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về dự án Luật. Các cấp Hội chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tổ chức các hình thức phù hợp để hội viên, phụ nữ tham gia góp ý vào các dự án luật nhằm tạo sự đồng thuận cao./.
Tài liệu sử dụng để tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, hội viên phụ nữ
[1] Bao gồm: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa VIII của Đảng tháng 12/1997 đề ra giải pháp là “… nghiên cứu xây dựng vài đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do ở những địa bàn ven biển có đủ điều kiện…”; Văn kiện Đại hội X của Đảng tháng 4/2006 đề ra nhiệm vụ là “… phát triển một số khu kinh tế mở và đặc khu kinh tế…”; Định hướng phát triển kinh tế – xã hội đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020 được Đại hội XI thông qua tháng 1/2011 là “… lựa chọn một số địa bàn có lợi thế vượt trội, nhất là ở ven biển để xây dựng một số khu kinh tế làm đầu tàu phát triển…”; Văn kiện Đại hội XII của Đảng tháng 1/2016 đề ra nhiệm vụ là “Xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá”; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 được phê duyệt tại Nghị quyết số 142/2016/QH13 ngày 12/4/2016 của Quốc hội đã nêu nhiệm vụ và giải pháp là “lựa chọn một số khu có lợi thế đặc biệt để xây dựng đặc khu kinh tế với cơ chế đặc thù, hiệu lực, hiệu quả, có sức lan tỏa lớn đến chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lao động và cả nền kinh tế”.
[2] Cụ thể: Khoản 9 Điều 70 và Khoản 1 Điều 110 Hiến pháp năm 2013 quy định đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập trên cơ sở đề nghị của Chính phủ theo quy định tại Khoản 4 Điều 96 Hiến pháp năm 2013; Chương V Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định thành lập, được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt về kinh tế – xã hội, có chính quyền địa phương được tổ chức phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đó.