Ngay sau khi Bộ Y tế, cơ quan chủ trì soạn thảo đề cương dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính triệu tập hội nghị lần thứ nhất (chiều 12/12) bàn về khung đề cương, những vấn đề lớn được xác định trong dự thảo luật, sáng 13/12, TW Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia về những vấn đề về lồng ghép giới, bình đẳng giới… trong đề cương dự thảo Luật này.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hoà đánh giá, dự án Luật Chuyển đổi giới tính điều chỉnh nội dung rất mới, rất khó, tế nhị liên quan đến quyền con người, phong tục, tập quán, văn hoá… và có tác động trực tiếp đến quyền lợi của giới nữ; đang nhận được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng và người dân. Chính vì vậy, cần có những quy định chặt chẽ trong Luật để đảm bảo đầy đủ quyền, nghĩa vụ của người chuyển đổi giới tính (CĐGT) cũng như sự quản lý Nhà nước đối với vấn đề này.
Các ý kiến tại hội thảo xoay quanh việc xới xáo một số vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh; đối tượng điều chỉnh của dự thảo luật; chính sách đối với người CĐGT; những vấn đề cần quan tâm nhằm đảm bảo sự tương thích và phù hợp trong các quy định của dự thảo luật với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan; vấn đề giới, lồng ghép giới trong dự thảo luật…
Trong đó, các chuyên gia đặc biệt quan tâm đến một số vấn đề xã hội liên quan đến CĐGT như: những tác động xã hội khi luật ra đời; sự định kiến, kỳ thị của gia đình, cộng đồng; những khó khăn của người CĐGT; những chính sách hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi cho người CĐGT…
Ông Nguyễn Hồng Hải, Vụ Pháp luật Dân sự- Kinh tế, bộ Tư pháp cho rằng, cần nhìn nhận việc CĐGT và công nhận người CĐGT rộng hơn trong nhiều mối quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, cần xác định khái niệm CĐGT chặt chẽ hơn vì điều đó ảnh hưởng đến nhiều vấn đề trên thực tế.Ví dụ một người quyết định CĐGT nhưng lại không phẫu thuật bộ phận sinh dục thì anh/chị ta sẽ sử dụng nhà vệ sinh, nhà tắm công cộng như thế nào? Khingười CĐGT vi phạm pháp luật phải chấp hành án sẽ giam giữ anh/chị ta ra sao. Hoặc một người muốn CĐGT mà đang có quan hệ hôn nhân thì việc CĐGT có cần sự đồng ý của vợ hoặc chồng không…
Bà Nguyễn Thị Kỳ, nguyên giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử của Quốc hội đề cập đến những trở ngại đối với người CĐGT. Họ phải chấp nhận đau đớn về thể xác, chịu sự kỳ thị, định kiến của chính gia đình, người thân cũng như xã hội, cộng đồng. Họ thường mặc cảm, lén lút trong các quan hệ và không được thừa nhận; kể cả sau khi đã CĐGT rồi thì trong các quan hệ dân sự và quản lý ở nơi cư trú, họ vẫn mang giới tính trước khi chuyển đổi. Chính vì vậy, theo bà Kỳ, cần có khảo sát, đánh giá thực trạng, đặc biệt tác động của CĐGT đối với người chuyển từ nam sang nữ so với người từ nữ sang nam để xác định các vấn đề giới, từ đó có báo cáo đánh giá tác động cũng như số liệu lồng ghép giới trong quá trình xây dựng dự thảo Luật.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa phát biểu khai mạc hội thảo
Một số ý kiến khác đề nghị cần làm rõ những khái niệm trong luật; xây dựng những quy định cụ thể về đối tượng đủ điều kiện CĐGT; chính sách hỗ trợ y tế; chính sách đảm bảo chăm sóc sức khoẻ, theo dõi và hỗ trợ hoà nhập đối với người CĐGT; việc công nhận kết quả cho những người đã thực hiện phẫu thuật CĐGT ở nước ngoài…
Các đại biểu tham gia hội thảo
Bà Đinh Thị Thu Thuỷ, chuyên viên Vụ Pháp chế, bộ Y tế- thành viên tổ biên tập Dự án luật Chuyển đổi giới tính chia sẻ, Luật này điều chỉnh những nội dung mới, khó, có nhiều vấn đề liên quan đến định kiến, kỳ thị của xã hội đối vớingười CĐGT. Chính vì vậy, việc khảo sát và đưa ra các con số chính xác về số người CĐGT cũng như những tác động chính sách là khá khó khăn. Cần có những đánh giá sâu, toàn diện trên cơ sở nghiên cứu nhiều văn bản luật, quy định quốc tế, trong nước, thực trạng của vấn đề hiện nay cũng như tham vấn các ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý từ nhiều hình thức để từ đó có cơ sở đánh giá tác động chính sách và làm căn cứ xây dựng nội dung luật.
Nguồn: hoilhpn.org.vn-HT