Hơn 16 năm kể từ ngày giã từ bục giảng, trở về với xóm làng, bà Y BLưn đã được người dân làng Kon Tum KPâng trìu mến gọi là “Yă bơ tho” (Bà giáo), thay cho cái tên “Duch bơ tho”(Cô giáo) gần gũi một thời. Không còn cầm tay dạy viết, hướng dẫn đọc bài cho học sinh, bà dành nhiều thời gian sưu tầm, tìm hiểu và trao truyền những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Ba Na cho con em đồng bào; khơi dậy niềm tự hào và ý thức bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc trong cộng đồng.

q1

Ya bơ tho Y BLưn tâm huyết giữ gìn văn hóa truyền thống

Lễ hội tưng bừng, tiết mục cồng chiêng – xoang của đoàn nghệ nhân trẻ làng Kon Tum Kpâng thu hút đông người xem. Tiếng chiêng mừng được mùa, đón năm mới rộn ràng của các chàng trai quyện hòa trong vòng xoang con gái nhịp nhàng, uyển chuyển làm cho không khí ngày hội thêm tươi thêm đẹp. Lặng nhìn đám con cháu say sưa theo từng nhịp chiêng, bước chân, bà Y BLưn cười rạng rỡ. Bà nhiệt tình trả lời cặn kẽ những câu hỏi của những người muốn tìm hiểu về đặc trưng, nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na sống lâu đời trên mảnh đất bên dòng Đăk Bla.

Sinh ra và lớn lên ở làng Kon Tum KPâng, một trong số làng của đồng bào dân tộc Ba Na được hình thành sớm nhất tại Kon Tum, thuở nhỏ, Y BLưn may mắn được học “ít cái chữ” và trở thành một trong số giáo viên người dân tộc thiểu số đầu tiên  của Kon Tum sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Được dạy học cho chính con em đồng bào đã là niềm vui, thỏa lòng mong ước của cô giáo trẻ; song, được chọn để giảng dạy thí điểm chương trình song ngữ Việt – Ba Na cho các em, càng vinh dự và phấn khởi hơn. Đó là những năm học sau ngày tỉnh Kon Tum được chia tách, thành lập lại, chính môi trường sư phạm mới mẻ, trong lành với những đổi thay rất có ý nghĩa đã thôi thúc cô giáo Y BLưn nhiệt tình và mạnh dạn đề xuất các hoạt động thiết thực đưa văn hóa dân gian vào trường học. Bận rộn với những giờ lên lớp, song cô đã cố công tìm hiểu, học hỏi các nghệ nhân lão làng và tập hợp học sinh, dàn dựng cho các em những tiết mục văn nghệ (cồng chiêng, xoang, dân ca) mang đậm bản sắc dân tộc. Ngày ấy, cuộc sống còn khó khăn, hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống chưa nhiều, nên nỗ lực của cô Y BLưn và học sinh trường tiểu học Võ Thị Sáu (Thị xã Kon Tum) thực sự trở thành điểm sáng.
Năm 2000, được nghỉ hưu theo chế độ, ngoài công việc gia đình, bà Y BLưn giành nhiều thời gian cho niềm mong ước ấp ủ, là trở về với bản sắc dân tộc, sống lại tình yêu văn hóa dân gian. Từ suy nghĩ, ý tưởng đến hiện thực là quá trình không đơn giản, nhưng bà Y BLưn không quản ngại khó khăn, nhọc công, mất sức. Nhờ già làng, thôn trưởng, bà vận động các gia đình cho con cháu theo học các lớp cồng chiêng, xoang do bà trực tiếp đứng ra tổ chức; được sự ủng hộ của các cấp chính quyền và ngành văn hóa, bà hướng dẫn tập luyện và đưa đội nghệ nhân của Kon Tum KPâng góp mặt trong sinh hoạt cộng đồng, tham gia các sự kiện văn hóa quy mô từ cấp phường, thị xã đến cấp tỉnh, tạo dấu ấn riêng bởi sự giản dị mà độc đáo.
14.5.2017.dnkt2
Bà Y BLưn và các nghệ nhân trẻ làng Kon Tum KPâng
Hơn 16 năm nhiệt tâm gắn bó với công việc thầm lặng, bà Y BLưn đã gây dựng và duy trì hoạt động của 3 đội cồng chiêng, xoang ở làng Kon Tum KPâng, gồm một đội của những người lớn tuổi, đội thanh niên và đội dành cho thiếu nhi. Tuy không có mặt trong đội hình diễn xướng cồng chiêng, song để tổ chức tốt việc dạy nhạc cụ truyền thống này, bà Y BLưn đã dày công tìm hiểu, nắm bắt mọi kỹ thuật và kinh nghiệm cần thiết. Từ hình thức cấu tạo, đặc điểm thang âm của mỗi chiếc cồng, chiếc chiêng đến cách thức sử dụng, diễn tấu… bà đều rành rẽ.
Không chỉ thuần thục nhịp chiêng, điệu xoang và những làn điệu dân ca, bà Y BLưn còn là “mẹ đẻ” của bộ chiêng tre truyền thống vô cùng đáng quý trên chính mảnh đất làng hồ có bề dày truyền thống. Bà kể, chiêng tre vốn còn xa lạ trong đời sống sinh hoạt của người Ba Na bên dòng Đăk Bla, chính bà cũng không rõ nhạc cụ truyền thống này đã có trong sinh hoạt văn hóa của người Ba Na ở Kon Tum tự khi nào; tuy vậy, trong một lần tham dự Liên hoan cồng chiêng khu vực Tây Nguyên ở tỉnh Gia Lai, bị mê hoặc bởi nhạc cụ dân dã mà độc đáo do đoàn nghệ nhân tỉnh bạn diễn tấu, bà đã tìm hiểu, học hỏi và hướng dẫn lại cho chính con trai A Long chế tác thành công để sử dụng. Với một cách trao truyền đầy thực tế và sáng tạo, bà Y BLưn đã làm sống lại giai điệu của một nhạc cụ vô cùng đơn sơ, dân dã nhưng độc đáo, hấp dẫn của đồng bào dân tộc thiểu số anh em trên chính mảnh đất của những làng gốc Ba Na ở Tây Nguyên.
Nhờ chịu khó quan sát, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và đặc biệt là “miệng nói tay làm”, thường xuyên vận dụng những điều đã học hỏi, tiếp thu từ lớp nghệ nhân đi trước vào thực tế, nên bà Y BLưn không chỉ được biết đến là nữ nghệ nhân giỏi cồng chiêng, xoang, hát dân ca; mà còn thành thạo từ việc nấu nướng các món ăn truyền thống của người Ba Na đến làm rượu cần, dệt thổ cẩm.
Nét đẹp văn hóa dân gian trong cộng đồng, với bà, không chỉ là tình yêu tự nhiên, sâu nặng, sự trân trọng đặc biệt, mà còn được kết hợp với sự hiểu biết cần thiết, sự nhiệt tình, tận tâm không thể thiếu, để có thể lan tỏa đến mọi người.
Ở tuổi 67, sức khỏe giảm sút nhiều, nhưng bà Y BLưn vẫn chưa thôi dự ước về công việc giữ gìn bản sắc dân tộc, bà tự hào vì trong gia đình đang hình thành 3 thế hệ tiếp nối bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; con trai A Long 29 tuổi là hạt nhân của đội cồng chiêng trẻ, thành viên diễn tấu dàn chiêng tre độc đáo; cháu nội A Tuấn, lúc 3-4 tuổi đã bộc lộ sự yêu thích lạ lùng, năng khiếu đặc biệt với cồng chiêng và những khúc nhạc dân tộc. Trong đội chiêng các thế hệ của Kon Tum KPâng hôm nay, A Tuấn 9 tuổi, mới chỉ sử dụng chiếc chiêng đệm nhỏ xíu, nhưng đã vô cùng say sưa, phấn khích.
Đem hết nhiệt tâm, công sức để mang lại niềm vui, niềm tự hào cho dân làng Kon Tum KPâng về nét đẹp văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát triển trong đời sống hôm nay, đó chính là hạnh phúc giản dị của “Yă bơ tho” Y BLưn được mọi người tin yêu, kính trọng ./.
Bài, ảnh: Nghĩa Hà
Nguồn: http://kontum.gov.vn-HT