Ngày 15-10-1949, Báo Sự Thật đăng bài “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với bút danh X.Y.Z. Bài báo ra đời ở thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang trong giai đoạn cầm cự, chuẩn bị bước vào những chiến dịch lớn trong cuộc trường kỳ kháng chiến anh dũng của dân tộc. Bài báo “Dân vận” chỉ hơn 600 chữ, bằng lối hành văn giản dị, rõ ràng, trong sáng, đã thể hiện rõ quan điểm, nội dung, lực lượng, phong cách dân vận của Người. Đây được coi là “cương lĩnh” về công tác dân vận của Đảng; là “cẩm nang” của cán bộ, đảng viên, nhất là những người trực tiếp làm công tác vận động quần chúng hiện nay và mai sau.
tai-xuong
Phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện ở tinh thần trọng dân, gần dân, lắng nghe và tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân. Phong cách này, bắt nguồn từ sự thấm nhuần quan điểm chủ nghĩa Mác-Lê-nin: quần chúng là người sáng tạo ra lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; đồng thời, kế thừa tư tưởng “trọng dân” của dân tộc ta một cách thành tâm, thật lòng. Với lòng tin vô hạn về sức mạnh của nhân dân, đối với mọi người, bất kể ai, ở giai tầng nào, Hồ Chí Minh đều thấy rõ tinh thần yêu nước, khát khao độc lập, tự do, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Từ đó, Người thường xuyên liên hệ chặt chẽ với mọi tầng lớp trong xã hội, kiên trì lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, có biện pháp giải thích để họ hiểu rõ, đồng thuận với đường lối của Đảng, tạo nguồn sức mạnh để chiến thắng “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”, xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh. Với Người, “nước lấy dân làm gốc”; “nước ta là nước dân chủ”; “nhà nước của dân, do dân, vì dân”, và rằng: “gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”[1]. Chính vì thế, “Việc dân vận rất quan trọng”. Dân vận là nhằm “… vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”[2]. Thực tế cho thấy, Hồ Chí Minh đã cảm hóa được mọi người dân, kể cả những ai vốn chưa có cảm tình với Đảng Cộng sản và chính quyền cách mạng để làm cho họ tự nguyện đi theo sự nghiệp cách mạng và những người đã tích cực đi theo sự nghiệp cách mạng thì càng hăng hái hơn. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ở đâu, bất cứ cương vị nào, trong  công tác dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gương mẫu thực hiện, đồng thời giáo dục cán bộ, đảng viên phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”[3]. Trong đó:
Óc nghĩ, là sự suy nghĩ, tìm tòi, hiểu biết về lý luận của chủ nghĩa Mác- Lênin, muốn vận động được quần chúng, nhân dân thì cán bộ phải hiểu biết đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; cần hiểu lý luận cách mạng và thực tiễn cách mạng nước nhà. Người cán bộ dân vận cần phải có năng lực tổ chức, tập hợp dân chúng để thực hành những công việc mà Đảng, Chính phủ giao cho, phải tham mưu, đề xuất cho Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng, ban hành được đường lối, chính sách hợp lòng dân.
Mắt trông, là thấy rõ yêu cầu nhiệm vụ theo chức trách và thực tiễn cách mạng để thực hành cho đúng, cho trúng. Thực hiện tốt điều này sẽ tránh được bệnh quan liêu, chỉ ngồi nghe báo cáo rồi nhận định, phán xét.
Tai nghe, là lắng nghe ý kiến phản biện để kịp thời xử lý những thông tin từ quần chúng. Nghe dân nói, hiểu được nguyện vọng chính đáng của dân và biết loại trừ những thông tin nhiễu, thiếu chân thực, không khách quan, không đúng sự thật là phương pháp mang tính khoa học trong phong cách Hồ Chí Minh.
Chân đi, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Hồ Chí Minh vẫn luôn dành thời gian đến với cơ sở, với dân như về gia đình mình. Những chuyến đi này, có khi Người không báo trước, chẳng cần xe đưa, xe rước theo kiểu “cờ rong, trống mở”,… làm phiền cơ sở và người dân. Xuống với dân, về với cơ sở, Người đi sâu vào tìm hiểu thực tiễn, thấu hiểu, cảm thông với những khó khăn của nhân dân, ở cơ sở và luôn dùng những lời nhẹ nhàng, cụ thể, sâu sắc để vận động nhân dân, khuyến khích cơ sở vượt khó vươn lên, nên thường đạt kết quả rất cao, để lại ấn tượng sâu sắc.
Miệng nói, là chức năng cơ bản của dân vận, nhằm tuyên truyền, cổ động nhân dân thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Để dân hiểu, dân tin, dân ủng hộ và làm theo, Hồ Chí Minh luôn nói đúng, trúng vấn đề, với phong cách giản dị và thái độ đúng mực. Với người già, các bậc lão thành thì lời lẽ cung kính lễ độ; với đồng chí, đồng bào thì thật thà, khiêm tốn; với phụ nữ thì đúng mực nghiêm trang; với nhi đồng là thương yêu quý mến, nhắc nhở, động viên, v.v.
Tay làm, là nói được, phải làm được, thậm chí cần thiết thì làm mẫu để dân tin, v.v. Trong vận động quần chúng, khi “gặp mỗi vấn đề”, Hồ Chí Minh luôn “suy tính kỹ lưỡng” và “điều tra, nghiên cứu rõ ràng” để có quyết định đúng, trúng, hợp lòng dân, chứ không bao giờ hấp tấp, làm bừa, làm ẩu, gặp sao làm vậy. Khi làm xong công việc, Người đều tổng kết, rút kinh nghiệm để làm “khuôn phép” cho những công việc khác. Đây chính là thái độ khoa học, lý luận luôn gắn với thực tiễn, là “chìa khóa” để thực hiện tốt nhiệm vụ và rèn luyện chính mình. Trong thực hành dân vận, cách làm nào không phù hợp, thì Người kiên quyết sửa cho đúng, sát thực tư tưởng, trình độ, tâm tư, nguyện vọng của từng đối tượng dân vận. Khi hoàn thành công việc thì cùng với dân kiểm thảo lại, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng, v.v.
Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị về lý luận và thực tiễn, trở thành “cương lĩnh dân vận” của Đảng, là “cẩm nang” chỉ dẫn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công tác dân vận.
Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của công tác dân vận, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác dân vận. Quán triệt tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh; kế thừa các quan điểm, đường lối công tác dân vận của Ðảng và từ yêu cầu thực tiễn của sự nghiệp đổi mới, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5 (Khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3-6-2013 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” đã tạo sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí, nhiệm vụ công tác dân vận.
Trên cơ sở của Nghị quyết số 25-NQ/TW, các cấp, các ngành đã cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách, chương trình hành động cụ thể, phù hợp với thực tiễn và gắn với yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Tập trung vào nhiệm vụ tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức cán bộ; giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân, làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước được quan tâm và đổi mới hơn, đã tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, từng bước xây dựng và thực hành phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, các hội quần chúng chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tập trung hướng về cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Công tác dân vận của Quân đội và lực lượng Công an được tăng cường. Cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân đội, Công an đã ban hành nghị quyết, quy chế lãnh đạo, thực hiện công tác dân vận; đẩy mạnh thực hiện Quy chế Dân chủ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong toàn quân. Triển khai sáng tạo, có hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; chú trọng vận động Nhân dân ở các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nâng cao nhận thức về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phòng ngừa và tham gia đấu tranh với các loại tội phạm buôn bán ma túy, vũ khí, buôn bán người, gian lận thương mại, khai thác tài nguyên trái phép… góp phần củng cố vững chắc “thế trận lòng dân”, cảnh giác với âm mưu thủ đoạn của thế lực thù địch. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các tổ chức, cá nhân thực hiện hiệu quả trên các lĩnh vực, gắn kết chặt chẽ với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đóng góp tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, trước những thay đổi, tác động của cơ chế kinh tế thị trường, cùng với những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, phản động, công tác dân vận một số nơi, có lúc không đáp ứng được nhu cầu cách mạng, nhất là công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tình trạng đường lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước không đến được với đồng bào dân tộc thiểu số; một số cán bộ không hiểu, không nắm được tâm tư nguyện vọng của dân. Tình trạng nói nhiều làm ít, miệng nói mà tay không làm, thậm chí cán bộ nghĩ, nói và làm khác nhau không phải là hiếm. Hiện tượng quan liêu, xa dân, dẫn đến báo cáo sai sự thật, bệnh thành tích đã gây tác hại không ít. Điều đặc biệt nguy hại ở một số nơi là cán bộ, đảng viên sống với dân nhưng không hiểu dân, chưa làm cho dân tin, dân yêu.
Sự yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân rất quan trọng là do công tác dân vận yếu kém. Nếu như công tác dân vận làm được thường xuyên, đều đặn như những điều Hồ Chí Minh nói trong bài báo “Dân vận” thì tình hình sẽ tốt hơn nhiều.  Chúng ta hoàn toàn có thể vận dụng những điều Người đã nói trong bài báo vào công tác dân vận hiện nay; tất cả cán bộ, đảng viên đều thực hiện tốt như điều Người dạy đó là phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng, nói, tay làm” thì công tác dân vận chắc chắn đạt hiệu quả cao.
Vừa qua, Đảng ta đã phát triển, bổ sung một số nội dung về phong cách của cán bộ theo tinh thần bài báo “Dân vận” của Người, góp phần khắc phục bệnh hình thức, đối phó của cán bộ, đảng viên trong công tác dân vận, trong đó có việc vận động đồng bào dân tộc thiểu số. Nghị quyết Trung ương 7 (khoá IX) đã đề ra phương châm giáo dục cán bộ, công chức, đảng viên xây dựng và thực hành phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trong đó nội dung học tập chuyên đề năm 2019 là “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế hiện nay có những thuận lợi là cơ bản, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, cần xác định phải tăng cường hơn nữa công tác dân vận, thực hiện có hiệu quả công tác vận động quần chúng; xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân. Thiết nghĩ, để làm tốt công tác dân vận, phải xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trước hết là của cấp ủy, chính quyền, của đội ngũ cán bộ chủ chốt; phải nắm vững chủ trương, đường lối, quan điểm; phải tận tâm, tận lực, tận tình, tận tụy với nhân dân, phải gương mẫu đi đầu; phải đẩy mạnh việc xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống cho Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên, nhằm tạo động lực to lớn trong công cuộc đổi mới, góp phần đẩy mạnh xây dựng một Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.
Võ Thanh Bình. Nguồn: http://www.tuyengiaokontum.org.vn-HT


(1), (2), (3)  – Hồ Chí Minh – Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tập 5, tr. 410, 698, 699