Doanh nghiệp Nhà nước mua xe cũng phải qua đấu thầu; Người bán hàng đa cấp được trả lại hàng trong 30 ngày; Định giá tài sản trong tố tụng hình sự phải dựa vào giá thị trường… là những chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 05/2018.

bao

1. Không có nợ xấu trong 3 năm được cấp tín dụng vượt hạn mức

Theo Quyết định số 13/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để được xem xét khoản cấp tín dụng vượt giới hạn, ngoài việc đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng thì khách hàng phải không có nợ xấu trong 03 năm gần nhất liền trước năm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, có hệ số nợ phải trả không quá 03 lần vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm…

Mức cấp tín dụng tối đa vượt quá giới hạn đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan bằng tổng của: Tổng mức dư nợ cấp tín dụng tại thời điểm báo cáo; Số tiền còn được cấp theo hợp đồng tín dụng đã ký; Số tiền đề nghị cấp tín dụng mới được chấp thuận.

Một số lĩnh vực như điện, than, dầu khí, xăng dầu, giao thông, vận tải công cộng sẽ được xem xét cấp tín dụng vượt giới hạn.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 01/05/2018.

2. Doanh nghiệp Nhà nước mua xe cũng phải qua đấu thầu

Khi đầu tư, mua sắm tài sản cố định bên ngoài đưa về sử dụng (kể cả mua xe), doanh nghiệp Nhà nước cũng phải thực hiện đấu thầu là nội dung quy định tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp, có hiệu lực từ 01/5/2018.

Cũng theo Nghị định, doanh nghiệp Nhà nước không được sử dụng tài sản, tiền vốn, quyền sử dụng đất thuê để góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản; không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm…Đối với các dự án doanh nghiệp Nhà nước là chủ đầu tư đang triển khai hoặc xây dựng dang dở được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án.

Đối với doanh nghiệp sản xuất thuốc lá điếu, phân phối điện, bán buôn xăng dầu, vận tải đường sắt… sẽ không được Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp kể từ thời điểm 01/05/2018.

3. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi tính thuế TNDN

Theo Thông tư số 25/2018/TT-BTC, doanh nghiệp không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN đối với phần chi vượt mức 03 triệu đồng/tháng/người để: Trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động; phần vượt mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế để trích nộp các quỹ có tính chất an sinh xã hội, quỹ bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động;

Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN đối với: Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau… Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/05/2018.

4. Người bán hàng đa cấp được trả lại hàng trong 30 ngày

Theo quy định mới về hoạt động bán hàng đa cấp được quy định tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ, người tham gia bán hàng đa cấp có quyền trả lại hàng hóa đã mua từ doanh nghiệp bán hàng đa cấp, bao gồm cả hàng hóa được mua theo chương trình khuyến mại, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng.

Cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thu tiền đặt cọc của người tham gia, cho người tham gia nhận tiền từ việc giới thiệu khách hàng mới. Doanh nghiệp đa cấp không được trả hoa hồng, tiền thưởng cho người tham gia bán hàng đa cấp quá 40% doanh thu trong năm

Về điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải có website; hệ thống công nghệ thông tin quản lý người tham gia; hệ thống thông tin tiếp nhận, giải quyết khiếu nại; có trách nhiệm mở tài khoản ký quỹ tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 10 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại. Khoản tiền ký quỹ được ngân hàng phong tỏa trong suốt thời gian hoạt động của doanh nghiệp.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 02/05/2018.

5. Được công nhận hạng khách sạn 3 sao, phải nộp 2 triệu tiền phí

Theo Thông tư 34/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính, mức thu phí thẩm định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch đối với hạng 1 sao, 2 sao là 1,5 triệu đồng/hồ sơ; đối với hạng 3 sao là 02 triệu đồng/hồ sơ và đối với hạng 4 sao, 5 sao mức phí này là 3,5 triệu đồng/hồ sơ.

Mức phí thẩm định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch là 01 triệu đồng/hồ sơ.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 14/05/2018.

6. Phí cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch là 650.000 đồng

Mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế/nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đã được Bộ Tài chính đưa ra tại Thông tư 33/2018/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 14/05/2018.

Đối với thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch (bao gồm cả cấp mới, cấp đổi và cấp lại), mức phí là 650.000 đồng/thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế và nội địa; 200.000 đồng/thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm.

Phí thẩm định cấp mới, cấp đổi, và cấp lại Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và nội địa lần lượt là 03 triệu, 02 triệu và 1,5 triệu đồng/Giấy phép.

Riêng Giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài, lệ phí cấp mới là 03 triệu đồng và cấp lại, điều chỉnh, gia hạn là 1,5 triệu/Giấy phép.

7. Định giá tài sản trong tố tụng hình sự phải dựa vào giá thị trường

Định giá tài sản trong tố tụng hình sự phải dựa vào giá thị trường là nội dung được quy định tại Nghị định số 30/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Đối với tài sản không phải là hàng cấm còn phải dựa vào: Giá do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định; Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp; Giá trong tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá (nếu có); Các căn cứ khác về giá hoặc giá trị của tài sản cần định giá.

Với tài sản là hàng cấm, phải dựa trên ít nhất một trong các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau: Giá mua bán thu thập được trên thị trường không chính thức tại thời điểm và tại nơi tài sản là hàng cấm được yêu cầu định giá hoặc tại địa phương khác; Giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu hàng cấm; Giá thị trường trong khu vực và thế giới của tài sản tương tự được phép kinh doanh, lưu hành, sử dụng tại các thị trường này…

Nghị định có hiệu lực ngày 01/05/2018.

8. Tự gây thiệt hại để nhận tiền bảo hiểm bị phạt đến 100 triệu

Một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số tại Nghị định 98/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi ngày 21/03/2018 bởi Nghị định 48/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Nghị định 48 chỉ rõ: Phạt tiền từ 90 triệu – 100 triệu đồng đối với hành vi thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, trừ trường hợp luật quy định khác; Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm… mà số tiền chiếm đoạt dưới 20 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại dưới 50 triệu đồng hoặc chưa đến mức bị truy cứu hình sự.

Đặc biệt, hành vi ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức sẽ bị phạt tiền từ 40 triệu – 50 triệu đồng. Riêng với hành vi triển khai các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe trước khi được Bộ Tài chính phê chuẩn sẽ chịu mức phạt cao hơn trước rất nhiều, là 60 triệu – 70 triệu đồng, thay vì chỉ từ 10 triệu – 20 triệu đồng như trước.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/05/2018.

9. Tẩy xóa chứng từ kế toán bị phạt đến 5 triệu đồng

Từ 1/5, tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kế toán từ 30 triệu lên 50 triệu đồng đối với cá nhân, 60 triệu lên 100 triệu với tổ chức. Hành vi tẩy xóa, sửa chữa chứng từ kế toán; Ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ, mực phai màu; Ký chứng từ kế toán bằng đóng dấu chữ ký khắc sẵn… bị phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng là nội dung nổi bật được quy định tại Nghị định số 41/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi như: Lập chứng từ kế toán không đủ số liên theo quy định của mỗi loại chứng từ kế toán; Ký chứng từ kế toán không đúng thẩm quyền; Chữ ký của một người không thống nhất…

Với hành vi không tổ chức bàn giao công tác khi thay đổi kế toán, kế toán trưởng, phụ trách kế toán bị phạt đến 10 triệu đồng.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/05/2018.

10. 6 tiêu chuẩn của kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Nghị định 49/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định 6 tiêu chuẩn của kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp bao gồm: Kiểm định viên phải là có phẩm chất đạo đức và sức khỏe tốt; Tốt nghiệp đại học trở lên; Có ít nhất 05 năm kinh nghiệm về quản lý, giảng dạy, nghiên cứu lĩnh vực giáo dục; Hoàn thành khóa đào tạo kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp; Có trình độ ngoại ngữ từ bậc 2; Đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản.

Tính đến ngày 31/12/2018, người được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo kiểm định viên chất lượng cơ sở dạy nghề trước ngày 15/05/2018 và là thành viên Đoàn kiểm định chất lượng dạy nghề do Tổng cục Dạy nghề thành lập thì:

+ Được xem như hoàn thành khóa đào tạo kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp;

+ Được tham gia đoàn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp;

+ Được xem là kiểm định viên khi đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp đề nghị cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/05/2018.

(http://baonghean.vn/10-chinh-sach-moi-co-hieu-luc-tu-thang-5-2018-195431.html)

Nguồn: baonghean.vn-HT