Giữ trọng lượng cơ thể trong mức cho phép, tập thể dục hàng ngày, ăn thực phẩm nguồn gốc thực vật… giúp phòng tránh ung thư.
Ảnh: Health.
Các chuyên gia Trung tâm ung thư Parkway, Singapore, cho biết chế độ ăn uống là một trong những điều kiện quan trọng để phòng tránh ung thư. Nghiên cứu cho thấy tình trạng viêm nhiễm kéo dài hoặc ngoài tầm kiểm soát thường dẫn đến bệnh tật. Những loại thực phẩm đứng đầu danh sách thủ phạm gây viêm nhiễm và ung thư gồm:
– Các chất độc và nấm mốc sản sinh từ thực phẩm bị hư hỏng như ngũ cốc, hạt và các loại đậu, độc tố Fumonisin có trong bắp.
– Độc tố sản sinh từ quá trình sơ chế thức ăn, cụ thể là chất độc Heterocyclic amines được hình thành khi thịt ở nhiệt độ cao, chất độc Polycyclic aromatic hydrocarbons có trong thịt và cá khi nướng trực tiếp trên ngọn lửa, chất độc N-nitroso hình thành trong thức ăn chứa nitrat, nitrit, đặc biệt là thịt và cá được bảo quản bằng muối, chất bảo quản.
– Các độc chất trong khói thuốc cũng là nguyên nhân gây bệnh tật và ung thư.
Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế Giới và Học viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ đã rà soát hàng nghìn nghiên cứu và chỉ ra những yếu tố giúp ngăn ngừa ung thư tái phát như sau:
– Kiểm soát lượng mỡ của cơ thể, giữ cân nặng trong mức cho phép.
– Hoạt động thể chất, tập thể dục hàng ngày.
– Hạn chế tiêu thụ thức ăn nhiều năng lượng, tránh đồ uống có đường.
– Ăn thực phẩm có nguồn gốc thực vật.
– Hạn chế ăn thịt đỏ và thịt đã qua chế biến.
– Hạn chế dùng thức uống có cồn. Đàn ông không nên uống quá 2 ly rượu hoặc bia một ngày, còn phụ nữ không nên tiêu thụ quá một ly.
– Hạn chế đồ ăn mặn, khét, tránh ăn ngũ cốc, các loại hạt, đậu nhiễm nấm.
– Đáp ứng các nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể, sử dụng thực phẩm chức năng nếu cần thiết.