Khởi nghiệp là con đường để phụ nữ vươn lên, phát huy khả năng, trí tuệ, khẳng định bản thân. Đây cũng là phương thức thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội.
Cha ông xưa có câu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” như mặc định vai trò của người phụ nữ là chăm sóc chồng con, quán xuyến mọi việc trong nhà.
Với quan niệm đó mà nhiều thế hệ phụ nữ thường chỉ quanh quẩn với việc bếp núc, nhà cửa, làm những điều nhỏ nhặt, còn những việc bươn chải bên ngoài, làm kinh tế thuộc về đàn ông. Cho nên, trước đây, hầu hết phụ nữ cũng đều mặc nhiên chấp nhận việc đứng sau người đàn ông của mình.
Thế nhưng, hiện nay, trong thời kỳ hội nhập và phát triển, nhiều phụ nữ không chỉ dừng lại ở vai trò là “hậu phương” trong gia đình mà còn tự tin theo đuổi đam mê, độc lập tài chính, tự chủ kinh tế. Họ đã mạnh dạn vượt qua những quan niệm, định kiến xã hội và cả sự thiên vị giới tính để khẳng định vai trò, vị thế của mình trong việc tham gia phát triển kinh tế và khởi nghiệp thành công.
Trên thực tế, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, quản lý, điều hành. Nhiều phụ nữ đã khẳng định bản lĩnh, trí tuệ trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xây dựng doanh nghiệp, hợp tác xã lớn mạnh, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa phương và đất nước.
Để hỗ trợ phụ nữ tự tin khởi nghiệp, thời gian qua, Chính phủ, các cấp, ngành và Hội Liên hiệp phụ nữ từ Trung ương đến địa phương đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Các chương trình, đề án được triển khai với nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, thiết thực, phù hợp với điều kiện, đặc thù của phụ nữ ở từng địa phương, cơ sở.
Đặc biệt, triển khai Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Thủ tướng Chính phủ, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã thực hiện đa dạng các hoạt động hỗ trợ phụ nữ vay vốn, tư vấn nghề nghiệp, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp cho các hội viên phụ nữ có điều kiện thuận lợi và mạnh dạn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gia đình, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, việc tổ chức các cuộc thi “Phụ nữ sáng tạo, khởi sự kinh doanh” đã giúp cho phụ nữ ngày càng tự tin phát huy nội lực, tính chủ động, tiềm năng, sức sáng tạo trong việc tham gia phong trào khởi nghiệp, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình và xã hội. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 138 mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã của phụ nữ.
Nhằm tiếp tục lan tỏa phong trào phụ nữ khởi nghiệp, mới đây, tại Chương trình “Đêm hội Áo dài” (tối 3/3) Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ đã phát động Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2024 với chủ đề “Phụ nữ Kon Tum khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa và chuyển đổi xanh”. Qua đó, lựa chọn, tôn vinh những ý tưởng, sáng kiến xuất sắc trong việc cải thiện sản xuất trên mọi lĩnh vực, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, phát huy được các sản phẩm đặc trưng của địa phương để nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế. Từ đó, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Phụ nữ khởi nghiệp để làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Tất nhiên, việc khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng ngay cả với nam giới nên với “phái yếu” càng nhiều khó khăn, thách thức hơn. Thế nên, để có thể khởi nghiệp thành công, cùng với nỗ lực, quyết tâm, bản lĩnh của mỗi người phụ nữ, cần sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp, ngành và đặc biệt là sự đồng thuận, cổ vũ, hậu thuẫn từ phía gia đình, người thân. Từ đó, giúp phụ nữ có thêm niềm tin, sức mạnh và động lực để khởi nghiệp, vươn lên khẳng định vai trò, vị trí trong xã hội.
Thiên Hương. nguồn: ttps://www.baokontum.com.vn/