Đến với thôn Kon Jong, xã Ngọc Réo (huyện Đăk Hà), một trong những thứ khiến tôi không thể quên chính là hương rượu nếp cẩm men lá của bà con dân tộc Xơ Đăng nơi đây.
Trong lần dự Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo” do Hội LHPN tỉnh tổ chức vào năm 2022, tôi biết đến rượu nếp cẩm ở thôn Kon Jong, xã Ngọc Réo. Lần đó, sản phẩm rượu nếp cẩm men lá của chị Y Hoa ở thôn Kon Jong đã nhận được sự đánh giá cao từ ban giám khảo.
Để tìm hiểu sâu hơn về nếp cẩm, mới đây, tôi đến thôn Kon Jong, xã Ngọc Réo. Đến nhà chị lúc quá trưa, nhưng tôi thấy chị Y Hoa tất bật chuẩn bị nấu rượu, với củi, ghè, lá chuối và các nguyên vật liệu.
Đôi tay vẫn thoăn thoắt với công việc, chị Y Hoa tranh thủ trò chuyện: “Em thông cảm nhé, chị đang dở tay chuẩn bị gần chục ghè rượu cho đơn đặt hàng của khách. Vì thời gian khá gấp nên chị phải tranh thủ chế biến, để ủ rượu cho kịp. Bởi nếu thời gian lên men chưa đủ lâu, rượu sẽ trở nên không trọn vị, ảnh hưởng đến chất lượng ”.
Được biết, kể từ khi xã Ngọc Réo triển khai phát triển điểm du lịch tại suối Đăk Lôi, nhiều đoàn khách du lịch đã đến tham quan. Cũng từ đó, người dân ở đây từng bước được hưởng lợi. Đặc biệt là loại hình dịch vụ liên quan đến các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Rượu nếp cẩm men lá của chị Y Hoa cũng là một trong số đó.
Chị Y Hoa tâm sự: Trước kia chị chỉ xác định làm nông để kiếm sống. Tuy nhiên, sau khi thấy địa phương phát triển điểm du lịch, chị quyết định mang những sản phẩm bản sắc của bà con Xơ Đăng đến với mọi người. Đây là cái duyên để chị gắn bó hơn với rượu nếp cẩm men lá.
Đối với đồng bào dân tộc Xơ Đăng nơi đây, chẳng biết từ bao giờ, hương rượu ghè đã gắn bó với đời sống văn hóa của người dân. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, chị Y Hoa hiểu rất rõ quy trình chế biến rượu ghè. Chị thường xuyên cùng bà con ủ rượu, chuẩn bị cho các dịp lễ hội truyền thống, dịp cưới hỏi, mừng nhà rông. Những ghè rượu thơm nồng được chị Y Hoa làm ra luôn nhận được sự đánh giá cao của bà con trong làng và khách khi thưởng thức.
“Bà con mình thường uống rượu ghè được nấu từ gạo hoặc mì. Loại này thì mình đã chế biến khá nhiều và cũng khá tự tin. Tuy nhiên, sản phẩm mà mình muốn hướng tới lại là rượu nếp cẩm men lá. Khác với rượu ủ từ gạo và mì, rượu ủ từ nếp cẩm khó chế biến hơn. Bởi nguyên liệu làm từ nếp nên khi chế biến thường có nhớt dẫn đến rượu rất dễ bị hỏng và chua. Nhớ lại ngày đầu, khi mình chế biến 10 bình rượu nếp cẩm men lá đầu tiên, sau khi ủ lên men, tất cả đều bị chua và phải bỏ đi”.
Không nản lòng, chị Y Hoa luôn tự nhủ bản thân để cố gắng. Ròng rã gần 1 năm, sau nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng chị đã tìm ra được quy trình nấu rượu ổn định, thơm ngon với hương vị đậm đà, nồng say của nếp cẩm men lá.
Bắt đầu từ khâu nguyên liệu, lúa nếp cẩm được bà con người Xơ Đăng trồng trực tiếp tại địa phương. Rượu nếp sau khi mang về từ rẫy, được chị Y Hoa lựa chọn những hạt đầy đặn, mình mẩy, màu sắc bắt mắt. Sau khi máy hoặc giã lúa nếp, bóc sạch trấu, hạt nếp được nấu lên.
Chị Y Hoa lưu ý: “Trong quy trình nấu cơm nếp cẩm, không phải như cách nấu cơm gạo thông thường. Thay vào đó, người chế biến phải bắc lên bếp nồi nước. Đợi đến khi nước sôi sùng sục thì bỏ nếp vào. Khi nấu, người chế biến phải căn lượng nước và thời gian vừa phải, nếp không được chín quá, nhưng cũng không được sống quá. Sau đó, người chế biến vớt nếp ra, dàn trải ra nia, hoặc lá chuối chờ cho đến khi nếp nguội hẳn. Sau đó, trộn nếp với men ủ tầm 2 đêm. Tiếp đến cho hỗn hợp vào ghè rồi bít kín miệng, để ở nơi khô ráo. Sau ít nhất 2 tuần, rượu nếp cẩm men lá đã hoàn thành, có thể uống được”.
Đối với men để trộn nếp, chị Y Hoa không sử dụng loại men có sẵn bán trên thị trường. Thay vào đó, chị sử dụng các nguyên liệu đặc trưng của địa phương là lá cây rừng để ủ men. Men được giã bằng tay cho đến khi thành bột, rồi đem đi phơi nắng. Theo chị Y Hoa cảm nhận, với cách làm này, sẽ cho ra loại men đặc trưng với hương thơm và chuẩn vị rượu ghè hơn.
Với sản phẩm rượu nếp cẩm men lá, chị Y Hoa đã bán ra thị trường vào đầu năm 2022. Thời điểm ban đầu, rượu nếp cẩm men lá đa phần chỉ phục vụ bà con trong làng và khách du lịch đến với địa phương. Tuy nhiên, “tiếng lành đồn xa”, rượu nếp cẩm men lá của chị Y Hoa ngày càng được nhiều người biết đến. Hiện tại, chị Y Hoa đã xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là các tỉnh miền Tây. Vào những lúc cao điểm như dịp như dịp Tết, trung bình mỗi tháng chị bán trên 20 ghè rượu.
Chị Y Hoa chia sẻ: “Việc chế biến và bán rượu nếp cẩm men lá là một hướng đi có nhiều tiềm năng. Quy trình chế biến có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu và nhân lực, tạo việc làm tại địa phương. Nguyên liệu làm rượu nếp cẩm chị có thể tự trồng, chăm sóc, thu gặt lúa nếp và tìm cây lá từ núi rừng làm men. Sản phẩm làm ra, chị chủ động vận chuyển đến khách hàng theo yêu cầu. Đồng thời, sản phẩm rượu nếp cẩm men lá cũng luôn nhận được đánh giá khách quan, tốt từ khách hàng. Không chỉ về giá trị dinh dưỡng, mà còn về hương vị, vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Hiện tại, chị Y Hoa đang dự định mở rộng hơn nữa quy mô sản xuất rượu nếp cẩm men lá để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, chị cũng chủ động gắn kết sản phẩm với các hoạt động phát triển du lịch tại địa phương. Qua đó, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng một cách rộng rãi nhất, đưa hương vị rượu ghè truyền thống của người Xơ Đăng đến với đông đảo mọi người.
Thưởng thức hương vị rượu nếp cẩm men lá, tôi dường như cảm nhận được sự “bùng nổ” của một chuỗi các hương vị. Có vị đắng, vị cay nồng, vị chát nhẹ và cả vị ngọt hậu, thấm dần từ đầu lưỡi đến cuống họng. Có thể nói, với những công đoạn đặc biệt và nguồn nguyên liệu dân dã, đã tạo nên những ghè rượu nếp cẩm đậm đà hương sắc núi rừng, khiến người thưởng thức không thể nào quên, say mê đến giọt cuối cùng.
Tất Thành. https://www.baokontum.com.vn/