Con số thống kê 11.678/60.883 phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn tỉnh vẫn còn bị bạo hành dưới các hình thức về bạo hành thể xác, tinh thần trong một năm (năm 2015) đã khiến cho không ít người cảm thấy quan ngại.

Vì sao lại vậy? Phải chăng vì tâm lý “xấu chàng, hổ ai”, “vạch áo cho người xem lưng” hay “mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”?

“Xấu chàng, hổ ai” nên không ít người phụ nữ dù bị chồng đánh cho sưng mặt tím mày lại nói bị ngã xe. Vì “xấu chàng, hổ ai” nên không ít gia đình “hiện đại” khi xảy ra bạo lực thường đóng cửa thật chặt, mở ti vi, mở nhạc thật to để át tiếng la hét, đánh đập. “Xấu chàng, hổ ai” nên bao phụ nữ dù có bị bạo hành cả về tinh thần lẫn thể xác, phải chịu bao tủi nhục vẫn im lặng…

Vậy nên, với con số 11.678/60.883 phụ nữ, trẻ em gái bị bạo hành dưới các hình thức, không ít người cho rằng mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Sẽ còn thêm nhiều phụ nữ khác nữa cũng bị chính người thân của mình bạo hành nhưng lại chọn cho mình sự im lặng.

Im lặng vì các chị sợ rằng, tố cáo hành vi của chồng hóa ra là vạch áo cho người xem lưng, để rồi xấu chàng thì hổ ai? Sợ rằng, phản kháng sẽ khiến cho bạo lực leo thang? Sợ rằng, các chị chia sẻ rồi, lên tiếng rồi nhưng mọi chuyện cũng không được giải quyết, hết đoàn này tới động viên, chính quyền kêu xử phạt hành chính rồi đâu cũng lại vào đấy chẳng phải là chuốc thêm phiền não?  Sợ rằng, chị em phụ nữ vẫn phải chịu cái nhìn khắt khe của xã hội nên mấy ai thấu hiểu, không khéo còn đàm tiếu, nghi hoặc, chắc cũng phải thế nào chồng mới cư xử vậy hoặc “tại anh, tại ả, tại cả đôi bên” mà thôi?

Nhưng, nếu nạn nhân cứ im lặng thì liệu mọi chuyện có được giải quyết, cuộc sống có được dung hòa?

Một chị bạn của tôi sau bao kìm nén, nhẫn nhịn đã lên tiếng phản ánh với cơ quan chức năng về việc thường xuyên bị chồng bạo hành. Chị kể rằng, chị đã suy nghĩ rất nhiều. Chị sợ xấu chàng thì hỗ ai. Nhưng, chị cũng nhận ra rằng vì sợ đó mà tình trạng bạo hành càng kéo dài, ngày càng trầm trọng, cuộc sống hôn nhân không được cải thiện. Sau lần cơ quan chức năng trực tiếp đến giải quyết, những tưởng không thể chung đường thì dường như chồng chị lại hồi tỉnh, cuộc sống chị thưa dần đi những trận đòn roi, bới móc.

Dĩ nhiên, không có một lời giải chung cho mọi bài toán và vì vậy cũng không có hướng đi chung cho cuộc sống thiên hình vạn trạng của mỗi gia đình. Cách làm này có thể đúng, có thể hiệu quả với trường hợp này nhưng lại phản tác dụng với trường hợp khác. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, một khi người phụ nữ không dám lên tiếng để bảo vệ chính mình thì chẳng ai bảo vệ được họ. Không chỉ vậy, hành động ấy của chính họ còn vô hình trung dung túng cho hành vi bạo lực.

Vẫn biết tế nhị, dịu hiền, thương chồng chăm con luôn là những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Nhưng, những phẩm chất ấy nếu không được đặt đúng chỗ lại trở nên nhu nhược, tạo đà cho sự gia trưởng, độc đoán và những cái xấu, cái ác lên ngôi.

Bạo lực gia đình có nhiều nguyên nhân nhưng căn bản và sâu xa nhất vẫn là sự hạn chế về nhận thức và sự bất bình đẳng giới trong gia đình cũng như của xã hội. “Xấu chàng, hổ ai” – một biểu hiện của sự hạn chế về nhận thức khiến cho Luật phòng, chống bạo lực gia đình dù đã có hiệu lực từ năm 2008 nhưng khi bạo lực gia đình xảy ra các cấp, các ngành vẫn không thể vào cuộc kịp thời.

Đẩy lùi tâm lý đã ăn sâu vào tiềm thức suy nghĩ của bao thế hệ phụ nữ  có lẽ không phải ngày một ngày hai và cũng không chỉ dừng lại trong một “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới”.

Để phá vỡ sự im lặng, để người phụ nữ bước qua được rào cản tâm lý “xấu chàng, hổ ai” ấy, cùng với việc nâng cao nhận thức về giới thì trong các trường hợp bạo hành gia đình cụ thể cũng cần được quan tâm giải quyết thấu tình đạt lý. Vì nếu động viên các chị đừng im lặng nhưng sự giúp đỡ từ cộng đồng vẫn chưa đủ mạnh, chưa đủ kịp thời; những thủ tục pháp lý còn phức tạp, chồng chéo… thì liệu mấy ai đủ tự tin để lên tiếng?

Nguồn: www.baokontum.com.vn-HT