Phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực trong suốt quá trình hoạt động, công tác của Người. Trong đó, phong cách tự phê bình và phê bình, đến nay còn nguyên giá trị để chúng ta học tập noi theo.
Có thể thấy rằng, ảnh hưởng to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng, với dân tộc Việt Nam và quốc tế được tạo nên bởi nhiều nhân tố, trong đó phong cách làm việc của Người là một trong những đặc điểm nổi bật, có sức ảnh hưởng to lớn trong công cuộc xây dựng Đảng, xây dựng đất nước của toàn Đảng, toàn dân tộc. Phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực trong suốt quá trình hoạt động, công tác của Người. Trong đó, phong cách tự phê bình và phê bình, đến nay còn nguyên giá trị để chúng ta học tập noi theo. Hiện tại đang là dịp cuối năm, tất cả các cơ quan, ban ngành, đoàn thể… đều đang tập trung cho công tác tổng kết, đánh giá, kiểm điểm cuối năm để nhận xét, phân loại cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức sau một năm thực hiện nhiệm vụ. Thiết nghĩ, trong quá trình tiến hành tự phê bình và phê bình, kiểm điểm đánh giá cuối năm, việc học tập, làm theo phong cách Hồ Chí Minh trong tự phê bình và phê bình là điều thực sự cần thiết và có ý nghĩa thiết thực trong việc đánh giá mỗi tập thể, cá nhân. Đặc biệt là trong điều kiện toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang tích cực thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tự phê bình là tự đánh giá những mặt mạnh, yếu của bản thân, từ đó để người khác tham gia đóng góp, giúp sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Phê bình là việc tham gia góp ý kiến với người khác, trong đó chỉ ra những ưu điểm, khuyết điểm để người được nhận xét có thể sửa chữa để tiến bộ. Theo Hồ Chí Minh, trong sinh hoạt và trong hoạt động thực tiễn, ai cũng có ưu điểm và khuyết điểm, cái hay và cái dở, cái thiện và cái ác, cái tiến bộ và cái lạc hậu. Mục đích phê bình là nhằm làm cho con người tốt hơn, việc tốt hơn và tổ chức mạnh lên. Cách phê bình phải thành thật, giàu lòng nhân ái, khách quan. Thái độ phê bình phải có văn hóa, mang tính xây dựng. Không lợi dụng nguyên tắc này để gây mất đoàn kết, hạ thấp uy tín của người khác, mưu lợi cho cá nhân. Theo Người, trong phê bình phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, phải luôn nhận rõ đối tượng của tự phê bình và phê bình là việc chứ không phải là người. Chính vì vậy, mỗi người đều phải bỏ qua sự yêu, ghét cá nhân để có cái nhìn khách quan về người, về việc, cùng giúp nhau tiến bộ.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những nét nổi bật trong phong cách làm việc của Người là nói đi đôi với làm. Người là tấm gương sáng về nói đi đôi với làm cho mọi người học tập và làm theo. Đối với công tác phê bình, kiểm điểm cũng vậy. Nét đặc sắc nhất trong phong cách tự phê bình và phê bình của Bác là thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm, đúng nguyên tắc và nêu gương trước cấp dưới, trước quần chúng. Bài báo “Tự phê bình” đăng trên báo Cứu quốc số ra ngày 28-01-1946 có thể coi như một bản tự kiểm điểm của Bác. Trong bài viết này, Người đã nêu lên nhiều việc lớn chưa làm được như: Các nước chưa công nhận quyền độc lập của ta; kháng chiến ở Nam bộ chưa thắng lợi; tệ tham nhũng chưa quét sạch; chính trị chưa vào nề nếp… Từ đó, Người kết luận: “Những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng, những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi”. Người cũng khiêm tốn tự nhận: Chỉ vì tôi tài hèn đức mọn, cho nên chưa làm đầy đủ những sự mong muốn của đồng bào. Thực tế thì vào thời điểm những ngày đầu sau khi ta giành chính quyền, đất nước gặp muôn vàn khó khăn. Thù trong, giặc ngoài và nạn đói hoành hành, đã đẩy vận mệnh dân tộc ta ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Tuy Chính phủ mới đã xây dựng nền độc lập của nước nhà; lãnh đạo cuộc kháng chiến miền Nam; ra sức kêu gọi tăng gia sản xuất và tìm mọi cách cứu nạn đói ở miền Bắc… nhưng bản thân là người đứng đầu Chính phủ lâm thời, Bác Hồ của chúng ta lại nhận hết những hạn chế về mình, còn thành tích thì người khẳng định là “nhờ đồng bào cố gắng”.
Chúng ta hẳn không ít lần phê bình và tự phê bình, nhưng thử hỏi có mấy ai nhận rằng khuyết điểm ấy “là lỗi tại tôi” hay “chỉ vì tôi tài hèn sức mọn”? Hiện nay, trong phê bình, kiểm điểm nói chung và việc phê bình, kiểm điểm cuối năm nói riêng, đâu đó vẫn còn có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm giữa cấp trên và cấp dưới, giữa người này với người kia. Việc lấy phong cách tự phê bình và phê bình của Bác để làm gương chính là một trong những biện pháp hữu hiệu để khắc phục hiện tượng này. Để làm được như Bác, đòi hỏi mỗi cá nhân cần có bản lĩnh, sự trung thực và cái tâm trong sáng.
Trong phong cách tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ta có thể thấy Người vừa khiêm tốn, nhã nhặn vừa chân thật, dân chủ mà lại có lý, có tình. Khi cần nhắc nhở, Người không quên chỉ vẽ tận tình. Khi cần phê bình, Người rất nghiêm khắc, không bao giờ bao che nhưng rất độ lượng, bao dung. Mục đích của Người là nhằm nâng con người lên chứ không phải hạ thấp, vùi dập họ xuống. Học theo phong cách phê bình của Bác, chúng ta sẽ xây dựng được một tập thể gần gũi, yêu thương nhau như các thành viên trong một gia đình; vừa mềm dẻo, vừa cương quyết, không bao che cho khuyết điểm, không thổi phồng ưu điểm. Phong cách phê bình, kiểm điểm như vậy sẽ tạo động lực cho mỗi người để đạt được mục đích cuối cùng của hoạt động phê bình, kiểm điểm là giúp nhau cùng tiến bộ.
Tiếp tục kế thừa, phát huy tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh trong tự phê bình và phê bình, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng khẳng định: tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Xây dựng quy định tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh; cấp trên gợi ý kiểm điểm và trực tiếp dự, chỉ đạo ở những nơi có vấn đề phức tạp, nơi có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Có thể khẳng định, là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, phong cách làm việc của Hồ Chí Minh đã có ảnh hưởng to lớn đến nâng cao chất lượng lãnh đạo và uy tín của Đảng; xây dựng, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Thực hiện theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn coi trọng công tác tự phê bình và phê bình. Với mỗi chúng ta, việc học tập, làm theo tấm gương về phong cách tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là việc cần tiến hành thường xuyên, liên tục. Trước mắt, ấy là tự phê bình và phê bình trung thực, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng và cầu thị trong đánh giá, kiểm điểm cuối năm của mỗi cá nhân. Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết XV Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết XII của Đảng, cũng là năm triển khai Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc học tập, làm theo phong cách của Bác trong đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên, các tổ chức cơ sở Đảng, các cơ quan, đơn vị là việc làm cần thiết, hệ trọng để nâng cao chất lượng đánh giá, kiểm điểm, thông qua đó góp phần đánh giá chính xác việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của tỉnh và Trung ương. Trong đó, điển hình là Nghị quyết XV Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết XII của Đảng.
Nguồn: www.tuyengiaokontum.org.vn-HT