Cũng như nhiều thiếu niên miền Nam được học tập ở miền Bắc trước ngày đất nước thống nhất, hơn 50 năm đã trôi qua, nhưng bà Y Đai-Cán bộ hưu trí ở thị trấn Đăk Rve (Huyện Kon Rẫy) vẫn còn nhớ mãi kỷ niệm những lần được gặp Bác Hồ. Với bà, tôn kính và nhớ ơn Bác là tâm niệm làm theo tấm gương đạo đức của Người từ những điều giản dị, bình thường nhất .

y dai

Bà Y Đai 5 lần vinh dự được gặp Bác Hồ

Bà Y Đai sinh ra một gia đình có truyền thống cách mạng ở làng nước Pét xã Ngọc Tem ( Huyện Kon Plông). 9 tuổi, bà Y Đai đã được các cô chú cán bộ  ở vùng căn cứ cho ra Bắc học tập. Trong thời gian học tập tại Trường Dân tộc Trung ương, từ năm 1962 đến 1965, bà đã vinh dự 5 lần được gặp Bác Hồ. Năm 1962, lần đầu tiên, cô bé Y Đai đang học lớp 3 cùng bạn bè và thầy cô được gặp  Bác, nhân một lần Bác đến thăm trường. Lần thứ hai, gặp Bác nhân sự kiện Bác đón tiếp đoàn đại biểu cấp cao của Liên Xô sang thăm Việt Nam tại Quảng Trường Ba Đình – Hà Nội. Lần thứ ba, bà Y Đai vinh dự được chọn vào đoàn thiếu nhi tiêu biểu đến chúc mừng Hội nghị Năm Châu đoàn kết với Việt Nam, do Bác chủ trì, tại hội trường Ba Đình. Lần thứ 4, gặp Bác tại Phủ Chủ tịch nhân kỷ niệm sinh nhật Người vào 19/5/1965. Lần thứ năm, gặp Bác tại phủ Chủ tịch, nhân tham dự buổi gặp mặt đoàn đại biểu Cu Ba và các dũng sĩ diệt Mỹ của miền Nam, năm 1965.

Mỗi lần gặp Bác, trong khoảng thời gian ngắn ngủi, với từng bối cảnh, nội dung sự kiện khác nhau, nhưng ấn tượng để lại trong lòng người con của núi rừng Ngọc Tem về vị lãnh tụ kính yêu đều rất gần gũi, thân thiết.

Bà Y Đai nhớ nhất là lần gặp Bác Hồ tại Quảng trường Ba Đình, nhân dịp Bác đón đoàn đại biểu cấp cao của Liên Xô (Cũ). Lần ấy, nhờ thành tích học tập xuất sắc và rèn luyện tốt, Y Đai cùng bạn Keng (Dân tộc Vân Kiều) được Ban Giám hiệu Trường Dân tộc Trung ương chọn đại diện cho các cháu  học sinh miền Nam đến  tặng hoa, chúc mừng đoàn đại biểu cấp cao của Liên Xô. Đó là một buổi sáng tháng 3 năm 1963, sau tết nguyên đán. Các cháu ăn mặc chỉnh tề, trên tay mỗi người đều cầm một bó hoa tươi thắm. Khoảng 15 phút sau khi tập trung ở Quảng trường Ba Đình thì Bác và các đại biểu nước bạn đến. Được phân công tặng hoa Bác nhưng vì nhút nhát, lại bỡ ngỡ khi lần đầu tiên đến chỗ đông người, nên sau khi các bạn đã nhanh nhẹn  tặng hoa  cho các  đại biểu, thì bó hoa của Y Đai mới đến tay Bác. Bác nhận bó hoa, đặt trên bàn, rồi kéo Y Đai  vào lòng. Bác hỏi cháu ở tỉnh nào, học ở đâu, nhà cháu có mấy chị em…Y Đai lễ phép trả lời Bác, rồi cứ thế, đứng yên, nắm chặt tay Bác. Bà Y Đai bảo rằng, hơn 50 năm kể từ giờ phút thiêng liêng ấy, bà vẫn không quên cảm xúc được gần lãnh tụ đến thế. Cô bé Y Đai ngày ấy trông rất rõ bàn tay gầy guộc của Bác mẩn lên lớp da vảy sần  sùi,  mà sau này, khi được tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, bà mới hay đó là hậu quả của những năm tháng sống kham khổ, “chỉ biết quên mình cho hết thảy…”một lòng lo cho nước cho dân của Người. Vì bé nhỏ, đứng khép nép nên  lần ấy, Y Đai cũng được Bác Hồ nhắc vị lãnh đạo cấp cao của Liên Xô tặng chiếc huy hiệu của Liên bang Xô Viết làm kỷ niệm.

y dai 1

Bà Y Đai và những người cao tuổi gương mẫu làm theo Bác

Ấn tượng vô cùng đặc biệt khi được gặp Bác của  bà Y Đai, là tại Hội nghị Năm châu đoàn kết với Nhân dân Việt Nam vào năm 1964. Không chỉ được tặng hoa cho đoàn chủ tịch hội nghị, Y Đai còn vinh dự đọc lời chào mừng của thiếu nhi Việt Nam gửi đến đại biểu các nước tham dự hội nghị.Lúc cùng các bạn bước lên sân khấu, tặng hoa đoàn chủ tịch, dừng ở chỗ Bác đứng, rất nhanh, Y Đai vẫn kịp nghe Bác dặn hãy cố gắng thể hiện lời chào mừng bằng tình cảm của chính mình. Lời chào mừng khá dài, thể hiện niềm trân trọng, biết ơn  đại biểu các nước đã  kề vai, sát cánh, ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống lại Mỹ Ngụy; kể lại tội ác của Mỹ Ngụy đã gây cho đồng bào miền Nam trong cuộc chiến đấu anh dũng, ý chí kiên cường của đồng bào miền Bắc trong cuộc chiến đấu ác liệt chống lại cuộc chiến tranh phá hoại bằng B52 của kẻ thù; thiết tha kêu gọi nhân dân các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới tiếp tục ủng hộ Việt Nam  giành độc lập dân tộc thống nhất đất nước.Đã cố kìm chế sự xúc động để đọc lời chào mừng, nhưng đến đoạn kể  tội  Mỹ Ngụy châm rơm đốt em bé miền Nam và tiếng kêu thảng thốt của em “Má ơi cứu con với”, Y Đai đã nghẹn ngào, không cầm được nước mắt. Lúc đọc xong lời chào mừng, xuống phía sau hội trường, Y Đai cũng biết rằng, đó chính là lúc khiến cả hội trường, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu lặng người xúc động, rơi nước mắt.

Những lần gặp Bác tuy ngắn ngủi nhưng ấn tượng về lãnh tụ thì vô cùng sâu sắc. Bà Y Đai và các học sinh miền Nam đã được nuôi nấng, dạy dỗ trong tình thương yêu của Bác Hồ và đồng bào miền Bắc. Tốt nghiệp Trường Sư phạm Mầm non Trung ương, sau ngày đất nước thống nhất, bà  trở về miền Nam. Bà công tác tại Ty Giáo dục tỉnh  Gia Lai- KonTum đến năm 1978, được điều động công tác tại Phòng giáo dục huyện Kon Plông(cũ). Sau 10 năm làm lãnh đạo ngành giáo dục huyện, bà Y Đai có  gần 15 năm trong cương vị Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện. Năm 2001, bà là ủy viên Ban Thường Vụ Huyện ủy Kon Plông(cũ), trưởng Ban dân vận huyện ủy Kon Rẫy cho đến tháng 10/2004, nghỉ hưu theo chế độ.

Tôn kính, ngưỡng mộ  Bác Hồ, bà Y Đai càng nỗ lực học tập và làm theo tấm gương đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và “cả cuộc đời vì nước vì dân” của Người. Đảm nhận công việc liên quan đến sự nghiệp trồng người, công tác dân vận và phong trào quần chúng, nên trong suốt quá trình công tác, điều bà tâm đắc nhất và luôn có ý thức trau dồi, học tập, làm theo gương Bác là nuôi dưỡng tình thương yêu mọi người, rèn luyện đạo đức, chẩm chất của người Đảng viên, người cán bộ, hết lòng hết sức hoàn thành nhiệm vụ được Đảng giao phó, dân tín nhiệm.

Đã nghỉ hưu, bà Y Đai vẫn nhiệt tình tham gia công tác địa phương. Bà hiện là thường trực Hội Giáo chức Huyện Kon Rẫy, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn 4, Ủy viên BCH Hội Người cao tuổi thị trấn Đăk Rờ Ve. Bà Y Đai chia sẻ, sau gần 10 năm đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhận thức và hành động của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, nhất là đảng viên và CBCC là được nâng lên rõ rệt, tạo chuyển biến tích cực  làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ. Tuy vậy, để phong trào này ngày càng phát huy hiệu quả, đi vào thực chất, mỗi cán bộ lãnh đạo, mỗi đảng viên phải thực sự gương mẫu, “nói đi đôi với làm”, làm theo Bác từ những điều bình thường, giản dị nhất./.

Nguồn: konray.kontum.gov.vn-HT