Mỗi năm Việt Nam có khoảng 114/100.000 phụ nữ mắc ung thư, trong đó nhiều nhất là ung thư cổ tử cung và ung thư vú.

Ngày 17/1, bác sĩ Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, cho biết, theo kết quả ghi nhận ung thư của cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) mới công bố năm 2016 thì tỉ lệ mắc ung thư ở Việt Nam thuộc nhóm trung bình thấp của thế giới.

Theo đó, tỉ lệ mới mắc mới hàng năm của Việt Nam là 140/100.000 dân và của thế giới là 182/100.000. Cụ thể, trên thế giới, mỗi năm ở nam giới có 205/100.000 ca mắc bệnh ung thư mới, nhưng tỷ lệ này ở Việt Nam là 173.

Tương tự ở nữ giới, mỗi năm Việt Nam có khoảng 114/100.000 trường hợp mới mắc ung thư, trong khi tỷ lệ này ở thế giới là 165. Như vậy, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia đứng hàng thứ 4 về ung thư ở nữ giới, có tỉ lệ từ 112 đến 140 trường hợp mới mắc/100.000 người.
mot-so-tac-dung-phu-co-the-gap-khi-tiem-ngua-ung-thu-co-tu-cung
Chị em nên thường xuyên thăm khám để phát hiện các bệnh, trong đó có ung thư
Cũng liên quan đến bệnh ung thư ở nữ giới, các nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy, xu hướng mắc ung thư vú ở người trẻ có dấu hiệu tăng lên và ung thư vú ở Viêt Nam trẻ hơn so với các nước khác. Trung bình, mỗi năm Việt Nam có khoảng 14.000 người được phát hiện mắc mới ung thư vú. Ngoài ra, loại ung thư mà nữ giới thường mắc là ung thư cổ tử cung. Hiện mỗi năm, cả nước có trên 5.000 trường hợp mắc mới và hơn 2.000 trường hợp tử vong vì bệnh này.
Cũng theo TS Thuấn, trong 172 nước có khảo sát về ung thư thì tỷ lệ ung thư của Việt Nam xếp thứ 78. Theo đánh giá của IARC, các nước có tỷ lệ ung thư cao từ 1 đến thứ 50 được xếp vào nhóm 1; các nước có tỷ lệ ung thư từ thứ 51 đến 100 được xếp vào nhóm 2. Như vậy, Việt Nam nằm trong nhóm 2 chứ không phải là quốc gia có tỷ lệ ung thư cao thứ 2 trên thế giới.
5 bước tự kiểm tra dấu hiệu ung thư vú:
Bước 1: Đầu tiên hãy đứng thẳng người, chống hai tay vào hông và nhìn vào ngực của bạn trong gương.
Bạn nên kiểm tra:
– Kích thước, hình dạng và màu sắc bầu ngực; bầu ngực tròn đều hay không, có những chỗ sưng nào bất thường không.
– Có nếp nhăn hoặc phồng da trên ngực hay không, cần lưu ý nếu một núm vú tụt ngược vào trong.
– Da bị đỏ, đau nhức, nổi mẩn hoặc sưng bất thường tại khu vực bầu ngực. Nếu bạn thấy bất kỳ dấu hiệu nào trên đây thì nên đi khám để có những hướng kiểm tra và chẩn đoán chính xác hơn.
Bước 2: Nâng hai cánh tay của bạn lên cao và nhìn từ nhiều hướng khác nhau để kiểm tra xem ngực có sự thay đổi so với trước đó không.
Bước 3: Hãy kiểm tra xem có dịch rỉ ra từ núm vú hay không, bao gồm cả nước, sữa, dịch vàng và máu.
Bước 4: Nằm ngửa trên giường, kê 1 chiếc gối mỏng hay 1 chiếc chăn vào vai trái. Đưa tay trái ra sau gáy. Dùng tay phải kiểm tra vú trái.
– Chị em hãy day tròn tay phải trên ngực để cảm nhận tất cả mô từ phía trước đến phía sau ngực.
– Ấn nhẹ nhàng nhưng dứt khoát để tìm kiếm khối u hay mảng dày hoặc bất cứ khác thường nào.
– Dùng ngón tay cái và ngón trỏ bóp nhẹ đầu vú xem có rỉ dịch hay không?
– Dùng ngón tay để tìm các u hạch dưới nách. Sau đó, tiếp tục kiểm tra các phần còn lại trên ngực và làm tương tự với phần ngực bên phải.
Bước 5: Cuối cùng, hãy kiểm tra ngực của bạn trong khi tắm.
Cách dễ nhất để cảm nhận rõ rệt về ngực là khi làn da của mình bị ướt. Do đó, hãy thực hiện bước này trong khi tắm. Kiểm tra toàn bộ vú của bạn bằng cách sử dụng các động tác tay cùng với mô tả trong bước 4.
Để phòng ung thư cổ tử cung (UTCTC), chị em nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục; quan hệ tình dục an toàn. Tuy nhiên, bao cao su cũng không ngăn chặn hoàn toàn việc lây nhiễm HPV vì lại virus này có thể được lan truyền qua vùng da bị nhiễm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, nên tiêm vaccine ngừa UTCTC cho các em gái từ 9 đến 13 tuổi, người chưa quan hệ tình dục. Ngoài ra, phụ nữ nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để tầm soát và phát hiện sớm UTCTC. Nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng, UTCTC có thể chữa khỏi.
Nguồn: phunuvietnam.vn-HT