Chị Nguyễn Thị Lý – Chủ tịch Hội LHPN xã Sa Bình, huyện Sa Thầy vinh dự là một trong số 85 cá nhân điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được Tỉnh ủy Kon Tum biểu dương, khen thưởng ngày 18/5/2015, nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh nhật Bác.

thom

Chị Nguyễn Thị Lý (phải) luôn gần gũi hội viên, sát phong trào

Phát huy kết quả đạt được, người cán bộ hội nhiệt tình, tâm huyết với công tác hội và phong trào phụ nữ không ngừng phát huy tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, tiếp tục đưa phong trào phụ nữ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ vào thực tiễn bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Trưởng thành từ phong trào ở cơ sở, năm 2011,chị Nguyễn Thị Lý được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội phụ nữ xã Sa Bình. Quán triệt, triển khai các cuộc vận động, phong trào trọng tâm của Hội gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, chị Lý trăn trở phải làm thế nào để đưa các hoạt động vào thực tế một cách cụ thể, thiết thực. Chị nhận thức, cán bộ hội như người “làm dâu trăm họ”, không nhiệt tình, gương mẫu, không thể lôi cuốn, thu hút chị em; không tạo được tín nhiệm, công tác hội cũng khó thành công.
Hội phụ nữ xã Sa Bình gồm 680 hội viên, sinh hoạt tại 9 chi hội thôn, làng; trong đó, có 320 hội viên người dân tộc thiểu số ở các thôn Khúc Na, Cà Bầy, Lung Leng, Bình Loong. Đa số hội viên đều cần cù, chịu khó; song nhìn chung, do xuất phát điểm thấp, năng lực sản xuất và trình độ dân trí còn hạn chế, nên nhiều gia đình chị em còn nghèo, ý thức tự giác tham gia phong trào của chị em chưa cao.
Xuất phát từ thực tế địa phương, ban đầu chị Nguyễn Thị Lý chủ trì, cùng với Ban Thường vụ, Ban chấp hành Hội phụ nữ xã xây dựng chương trình, kế hoạch, đề xuất với Đảng ủy, UBND xã và Hội LHPN huyện thống nhất triển khai trọng tâm nhiệm vụ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của hội viên về phong trào, gắn với tổ chức các mô hình cụ thể để tập hợp, thu hút chị em vào những hoạt động thiết thực.
Đẩy mạnh triển khai trọng tâm cuộc vận động “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, 100% hội viên của các chi hội đã đăng ký phấn đấu thực hiện các nội dung: Chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước;  thực hành “Cần, kiệm, liêm, chính” theo những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của Bác; ra sức lao động sản xuất, công tác, học tập tốt để giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình; nuôi con khỏe, dạy con ngoan; vợ chồng bình đẳng, cùng tiến bộ; phát huy tinh thần “ lá lành đùm lá rách” để giúp nhau vượt khó, ổn định cuộc sống; tích cực tham gia công tác hội và các phong trào quần chúng ở địa phương…
Bám sát cơ sở, gần gũi chị em và căn cứ vào điều kiện thực tế, trong vai trò chủ tịch Hội Phụ nữ xã, ban đầu chị Nguyễn Thị Lý đã phát động và được sự đồng thuận cao trong việc lồng ghép, gắn kết triển khai mô hình “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” và xây dựng mô hình “ Đoạn đường phụ nữ tự quản”. Mô hình phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình được hình thành trên cơ sở tiếp tục duy trì phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương, đẩy mạnh hỗ trợ phụ nữ vay vốn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ vay vốn-tiết kiệm.
Đến nay, Hội phụ nữ xã nhận ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội cho hội viên vay gần 8 tỷ đồng, chủ yếu tập trung trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh nhỏ; không để xảy ra tình trạng xâm tiêu, chiếm dụng vốn. Các chi hội hình thành và duy trì hoạt động của 14 tổ vay vốn- tiết kiệm với 470 thành viên  với tổng số tiền hơn 144 triệu đồng. Tính chung, tham gia cả 4 loại hình tiết kiệm do trung ương Hội phát động, chị em đã đóng góp hơn 190 triệu đồng, giúp 27 hội viên mượn vốn sản xuất.
Từ cơ sở được chọn làm điểm mô hình phụ nữ tiết kiệm với hơn 10 chị em tham gia, đến nay, chi hội thôn Bình Trung đã thu hút 50 hội viên hưởng ứng, mỗi tháng, mỗi hội viên tiết kiệm, góp 300.000 đồng; mỗi kỳ, được 15 triệu đồng cho một hội viên mượn vốn, sử dụng vào những công việc cần thiết của gia đình. Hiện nay, mô hình được đưa vào triển khai tại thôn Khúc Na, với 25 thành viên tham gia, mỗi thành viên tiết kiệm, đóng góp 100.000 đồng/ tháng. Không chỉ giúp nhau có khoản tiền mua sắm cho gia đình, hay chăm sóc cây trồng, vật nuôi; mô hình còn giúp chị em đồng bào dân tộc thiểu số biết cách chi tiêu hợp lý, cần thiết dành dụm.
Năm 2014, mô hình “Đoạn đường phụ nữ tự quản” do chị Lý khởi xướng đã được chi hội phụ nữ thôn Bình Trung tích cực hưởng ứng. Toàn bộ các tuyến liên thôn đều được chị em quét dọn, làm cỏ sạch sẽ. Gia đình nào lơ là, chểnh mảng, lập tức được nhắc nhở, kịp thời khắc phục.
Trên cơ sở kết quả thực hiện các mô hình đầu tiên, từ năm 2015 đến nay, chủ tịch Hội LHPN xã Sa Bình Nguyễn Thị Lý tiếp tục chỉ đạo tổ chức, duy trì thêm một số mô hình thiết thực. Tháng 10/2015, chị vận động xây dựng mô hình trồng cây xanh ở thôn Bình Sơn, thu hút hơn 30 hội viên tham gia trồng và chăm sóc 90 cây xanh trong khuôn viên trước hội trường thôn, gần sân tập luyện thể thao ở khu dân cư. Năm 2016, tiếp tục vận động chị em phụ nữ thôn Cà Bầy trồng hàng chục cây xanh ở khu vực nhà rông của thôn.
Bên cạnh đó, Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật, cuối năm 2015, đã ra đời, cũng tại Chi hội phụ nữ thôn Bình Sơn. Hàng tháng, kết hợp với sinh hoạt định kỳ của chi hội,  hơn 30 chị em hội viên được giới thiệu, phổ biến, nắm bắt nội dung các văn bản quy phạm, nâng cao nhận thức pháp luật để tự giác thực hiện; đồng thời tuyên truyền,vận động con em, người thân trong gia đình nghiêm túc chấp hành. Sau hơn 1 năm triển khai, câu lạc bộ đã góp phần cơ bản giải quyết tình trạng đánh nhau, gây gổ, trộm cắp, vi phạm trật tự an toàn giao thông… tại địa bàn.
 Đầu tàu phát triển công tác hội và phong trào phụ nữ ở địa phương, chị Nguyễn Thị Lý đã góp phần đưa Hội phụ nữ xã Sa Bình nhiều năm liền là đơn vị dẫn đầu phong trào công tác hội và phong trào phụ nữ của huyện Sa Thầy và tỉnh Kon Tum./.
Nguồn: www.kontum.gov.vn-HT