Thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, thời gian qua, Hội Phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã triển khai thực hiện tốt các mô hình, câu lạc bộ. Qua đó giúp chị em nâng cao nhận thức và hành động trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Hướng đến mục tiêu bình đẳng giới và tiến bộ xã hội, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kon Tum đã thành lập được nhiều CLB phòng, chống bạo lực gia đình. Đặc biệt, 127 địa chỉ tin cậy đã đi vào hoạt động hiệu quả, tư vấn giúp đỡ hàng trăm nạn nhân bị bạo lực gia đình. Tiêu biểu trong số đó là các địa chỉ tin cậy tại xã Đăk La (huyện Đăk Hà) đã giúp đỡ và tư vấn cho hàng chục hộ gia đình về các vấn đề mâu thuẫn phát sinh trong đời sống vợ chồng. Bà Nguyễn Thị Nhàn, địa chỉ tin cậy xã Đăk La nói: “Địa chỉ tin cậy tôi làm đến nay đã được 6 năm rồi. Đối với bạo lực gia đình ở địa phương đây nói chung thì đi hòa giải được 4 – 5 vụ đã thành công. Hiện nay trong các buổi họp, chúng tôi vẫn tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình. Các cặp vợ chồng mới xây dựng, chưa hiểu biết nhiều về hạnh phúc gia đình, chúng tôi tuyên truyền, động viên thường xuyên”.

PHU-NU-KON-TUM-300x240

Sinh hoạt Chi hội Phụ nữ

Những buổi sinh hoạt của Chi hội Phụ nữ thôn 1 (xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà) luôn thu hút rất đông chị em tham gia. Với hình thức sân khấu hóa, những nội dung tuyên truyền của Câu lạc bộ Không sinh con thứ ba trở lên trong Chi hội được chị em nắm bắt, thực hiện tốt. Chị Y Bét, Nhóm trưởng thôn 1, xã Đăk Hring nói: “Trong buổi sinh hoạt, đầu tiên tuyên truyền bằng miệng, thứ hai tuyên truyền bằng hát vè, thứ ba là tuyên truyền bằng diễn kịch để chị em hiểu những vấn đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, nuôi dạy con tốt”.

Là một trong số 80 hội viên phụ nữ của thôn Măng Rương (Văn Lem, Đăk Tô) tham gia mô hình không có con bỏ học giữa chừng, chị Y Đam vui mừng cho biết: Thông qua công tác tư vấn, trao đổi giữa các thành viên trong mô hình, gia đình chị luôn chủ động trong việc chăm sóc, dạy dỗ và giáo dục con cái, tạo điều kiện để các cháu đến trường học tập. Cả hai con của chị hiện nay đều là học sinh giỏi nhiều năm liền. Chị Y Đam cho biết: “Chị em phụ nữ vận động gia đình tôi buổi sáng cho con dậy sớm, rửa mặt, đánh răng, ăn cơm rồi đi học cho đúng giờ. Buổi tối bố trí cho con em học bài, tới giờ đi ngủ sớm. Chị em còn vận động cho con em mình ăn uống đầy đủ cho nó học tập”.

“Mô hình không có trẻ em suy dinh dưỡng và trẻ em bỏ học giữa chừng thành lập từ năm 2013, bắt đầu thành lập có 50 thành viên tham gia, qua 3 năm đã vận động, kết nạp thêm 30 chị nữa là thành 80 thành viên tham gia. Trong thời gian tới, Hội tiếp tục vận động chị em nhân rộng thêm mô hình này để chị em có thể học hỏi lẫn nhau và để không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học”. Chị Y Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Văn Lem cho biết.

Xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi là xã có đường biên giới giáp với nước bạn Lào, đa phần hội viên phụ nữ là người đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, dễ bị các đối tượng xấu lừa gạt. Xuất phát từ việc giúp chị em nâng cao nhận thức để tự bảo vệ bản thân, mô hình phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em trên địa bàn đã đươc thành lập với sự tham gia của 50 hội viên. Thông qua những buổi sinh hoạt thường kỳ, các thành viên của mô hình đã nắm bắt được các thủ đoạn, âm mưu của các đối tượng xấu; hiểu rõ và chấp hành tốt việc phòng chống tội phạm buôn bán người, bạo lực gia đình… Chị Y Trúc, Chủ nhiệm CLB Không buôn bán phụ nữ và trẻ em xã Đăk Dục nói: “Để thu hút hội viên trong mô hình, chúng tôi đã huy động tiết kiệm, mỗi hội viên 20.000 đồng/ người/ năm, chúng tôi giúp 2 hội viên khó khăn trong năm vay không tính lãi. Mô hình đã quản lý 10 trẻ em hư, trong đó có 8/ 10 trẻ em tiến bộ, ngoài ra phối hợp với công an xã lập 6 hồ sơ trẻ em hư để giáo dục tại địa phương”.

Các mô hình, câu lạc bộ phát huy hiệu quả đang được các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Kon Tum tiếp tục duy trì, nhân rộng. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phong trào, công tác Hội giai đoạn 2016- 2020.

Tấn Thành

Nguồn: http://kontumtv.vn-HT