Trong khi nhiều bạn trẻ thích chơi piano, organ, violon thì cô bé Y Thiên An lại có đam mê mãnh liệt với nhạc cụ dân tộc truyền thống và ngày càng chứng tỏ tài năng thiên bẩm của mình.

Tôi biết cô bé Y Thiên An (9 tuổi) ở làng Plei Đôn, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum khi xem bé biểu diễn đàn t’rưng trong chương trình Tuần Văn hóa – Du lịch Măng Đen vào cuối năm 2022. Không những tôi mà còn rất nhiều du khách bị thu hút bởi tiếng đàn trong trẻo, thánh thót, vang vọng giữa đại ngàn của cô bé nhỏ nhắn, đáng yêu.

Hôm nay, tình cờ nghe được tiếng đàn t’rưng vang vọng khi đang đi trên đường Hai Bà Trưng, đoạn qua làng Plei Đôn, phường Quang Trung. Lần mò theo hướng âm thanh phát ra, tôi lại bắt gặp cô bé Y Thiên An đang tập đàn trong ngôi nhà của mình cùng với những người bạn trong xóm.

Chị Y Jưng (33 tuổi), mẹ của cô bé Y Thiên An cho biết: “Ở nhà bé An được mẹ và mọi người gọi bằng một cái tên dễ thương, gần gũi là Cà Rốt. Bé hiện đang là học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ, thành phố Kon Tum. Bé rất đam mê với nhạc cụ truyền thống và có thể chơi các loại nhạc cụ dân tộc như cồng chiêng, đàn t’rưng, đàn đá, đàn tre và đàn k’lông pút”.

162458H5-2-min

Y Thiên An tập luyện đàn t’rưng tại nhà

Y Thiên An bén duyên với các loại nhạc cụ dân tộc theo cách không giống ai. Chị Y Jưng tâm sự, bản thân chị đam mê nhạc cụ dân tộc truyền thống từ khi còn bé, nhưng do nhiều khó khăn mà chị không thực hiện được ước mơ của mình. Cách đây 4 năm, chị quyết định dành dụm tiền mua cây đàn t’rưng về tập cho thỏa thích. Và tình cờ nghe được Y Thiên An (lúc đó mới 5 tuổi) nghịch đàn phát ra những âm thanh trong trẻo như người từng chơi đàn. Từ đó, chị quyết định cho bé theo học loại nhạc cụ này.

Thời gian đầu, chị Y Jưng gửi gắm Y Thiên An theo học lớp đàn t’rưng của cô giáo Y Rum ở thôn Kon Rờ Bàng, xã Vinh Quang. Sau một thời gian, Y Thiên An chuyển qua học lớp đàn t’rưng của cô giáo Y Huyền ở Plei Tơ Nghia, phường Quyết Thắng. Nhờ có năng khiếu và thường xuyên tập luyện, Y Thiên An nhanh chóng hiểu rõ về tiết tấu và cảm âm tốt hơn. Từ đó, cô bé thường xuyên mở các clip hướng dẫn, những bài hát yêu thích và tự tập luyện tại nhà.

Nhận thấy niềm đam mê đàn t’rưng của con gái, chị Y Jưng tiếp tục nhờ một người bạn am hiểu nhạc cụ dân tộc hướng dẫn thêm. Vài tháng sau đó, Y Thiên An có thể đánh được nhiều bài hát bằng đàn t’rưng và tự tin thể hiện nhiều bài hòa tấu hoàn chỉnh.

Không dừng lại ở đó, vợ chồng chị Y Jưng quyết định mua bộ đàn đá, đàn tre, k’lông pút để con gái có điều kiện tốt nhất thực hiện đam mê. Tranh thủ thời gian trong những tháng nghỉ hè, Y Thiên An miệt mài tập luyện, vấn đề nào chưa biết thì mở những clip trên mạng xem hoặc nhờ người hướng dẫn. Đến nay, cô bé có thể chơi được 5 loại nhạc cụ truyền thống khác nhau.

162531Y Thiên An thường xuyên tY Thiên An thường xuyên tập luyện nhạc cụ truyền thống cùng các bạn.

Để Y Thiên An có thể học hỏi, mạnh dạn và tự tin hơn, chị Y Jưng cũng tạo điều kiện cho con gái đi biểu diễn ở nhiều chương trình khác nhau khi có lời đề nghị. Ấn tượng trong những lần biểu diễn nhạc cụ dân tộc truyền thống của cô bé, nhiều du khách đã quay lại clip, đăng tải lên một số trang mạng xã hội và đạt mức tương tác rất cao.

đầu tháng 4/2023, Y Thiên An được chương trình Siêu tài năng nhí biết đến và mời tham gia cuộc thi. Cô bé đã được ban tổ chức thử thách đánh đàn t’rưng với các thể loại độc tấu, hòa tấu với các loại nhạc khí khác và đệm cho hát tân cổ giao duyên, dân ca. Mặc dù kết quả chung cuộc dừng ở top 30 thí sinh xuất sắc nhất chương trình Siêu tài năng nhí mùa 4, nhưng cô bé đã để lại cho Ban tổ chức chương trình cùng khán giả nhiều ấn tượng, cảm xúc.

Có thể thấy, thành công bước đầu của cô bé Y Thiên An có bóng dáng của  người mẹ luôn bên cạnh, động viên, chia sẻ và tạo mọi điều kiện cho cô bé phát triển tài năng, thỏa mãn đam mê.

Cô giáo Y Rum nhận xét, mặc dù thời gian tập luyện của Y Thiên An với cô không nhiều, nhưng Y Thiên An có những tố chất, năng khiếu vượt trội để chơi nhạc. Cô bé có thể chơi tốt những bài cô hướng dẫn chỉ qua vài lần tập.

Cô Y Rum cho rằng, qua những gì Y Thiên An thể hiện trong thời gian qua, khơi dậy niềm đam mê nhạc cụ dân tộc cho nhiều bạn trẻ. Qua đó, góp phần bảo tồn, kế thừa và phát huy âm nhạc của người Ba Na nói riêng và gìn giữ bản sắc, văn hóa truyền thống trong đời sống cộng đồng các DTTS ở Kon Tum nói chung.

Nguồn: baokontum.com.vn