Chính phủ cho biết sẽ nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi cách tính lương hưu theo quy định tại điều 56 và điều 74 Luật BHXH để hài hòa khoảng cách về giới trong thụ hưởng chính sách BHXH

“Tôi nghĩ rằng các nhà làm luật đang nợ người lao động (NLĐ) một lời giải thích và khi chưa đưa ra được lời giải thích thuyết phục thì cần xem xét lại quy định của luật nhằm tránh những phản ứng tiêu cực từ phía NLĐ”. Ông Nguyễn Văn Dễ – Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM – đã bày tỏ quan điểm xung quanh quy định giảm tỉ lệ hưởng lương hưu của lao động nữ từ ngày 1-1-2018 của Luật BHXH năm 2014.

az7

Chính sách an sinh chưa tạo an tâm

Ông Dễ khẳng định: “Với chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ, hơn ai hết những người làm công tác Công đoàn (CĐ) như chúng tôi luôn mong muốn họ được hưởng lương hưu để ổn định cuộc sống khi về già. Do vậy, công tác tuyên truyền, giải thích, vận động NLĐ hạn chế hưởng BHXH một lần, tham gia BHXH cho đủ 20 năm để được hưởng chế độ hưu trí rất được chú trọng. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động NLĐ của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn bởi có nhiều câu hỏi mà họ đặt ra chúng tôi không giải thích được, đơn cử như câu hỏi tại sao từ ngày 1-1-2018, quyền lợi của lao động nữ (LĐN) bị cắt giảm và thời gian đóng BHXH để được hưởng mức lương hưu tối đa (75%) phải kéo dài đến 30 năm?”.

Là người trong cuộc, bà Lưu Thị Xuân Hương, Chủ tịch CĐ Bệnh viện Triều An (quận Bình Tân, TP HCM), không giấu được lo lắng. Bà cho biết đối với LĐN làm việc ở khu vực ngoài nhà nước, sự ổn định trong công việc thấp dẫn đến việc tham gia BHXH cho đủ 25 năm để hưởng mức lương hưu tối đa 75% như luật cũ đã là rất khó khăn. Trong khi đó, theo quy định của Luật BHXH năm 2014, kể từ ngày 1-1-2018, nếu đóng BHXH 25 năm chỉ được hưởng 65% lương hưu thì việc đóng BHXH để hưởng lương hưu đối với LĐN càng xa vời.

Bà Hương chỉ ra một thực tế là hiện nay doanh nghiệp thường chỉ đóng BHXH cho NLĐ trên mức lương cơ bản nên nếu được hưởng mức lương hưu tối đa, cuộc sống của họ đã rất chật vật, huống hồ nay còn bị giảm. “Mức hưởng theo quy định mới, NLĐ lo cho bản thân còn khó, trong khi nhiều người trong số họ còn phải lo cho gia đình, con cái (nhiều LĐN lập gia đình muộn, khi nghỉ hưu con vẫn còn nhỏ). Tôi nghĩ rằng việc khuyến khích NLĐ tham gia BHXH để được hưởng lương hưu khi về già là chính sách đúng đắn của nhà nước nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Song một khi chính sách an sinh chưa tạo được sự an tâm cho NLĐ thì phải xem lại” – bà Hương nhấn mạnh.

Đừng để người lao động sốc và thất vọng

Theo quy định tại điều 56 Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1-1-2018, tỉ lệ hưởng lương hưu của LĐN sẽ giảm xuống còn 2% cho năm đóng BHXH thứ 16 trở đi, thay vì 3% như trước đây. Như vậy, LĐN đóng BHXH 20 năm sẽ chỉ được hưởng 55% lương hưu, LĐN đóng đủ BHXH 25 năm chỉ còn được hưởng 65% lương hưu (trước đây, tương ứng là 60% và 75%). Đồng thời, LĐN phải tăng thêm 5 năm tham gia BHXH nữa mới được hưởng lương hưu mức 75%.

“Sốc” và rất thất vọng là tâm trạng của bà Nguyễn Thị Lan, giáo viên Trường Tiểu học Bình Trị Đông. Bà Lan cho biết: “Tôi năm nay 47 tuổi, đã tham gia BHXH được 17 năm. Đến khi 55 tuổi (tuổi nghỉ hưu), nếu theo cách tính mới, tôi chỉ được hưởng lương hưu với tỉ lệ 65% thay vì được hưởng mức tối đa 75%. Với mức lương đóng BHXH hơn 5 triệu đồng/tháng như hiện nay, đến khi nghỉ hưu chắc chắn khoản tiền tôi nhận được sẽ thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, đồng nghĩa tôi phải sống dưới mức tối thiểu. Điều này quá vô lý”.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2017, cả nước có hơn 536.000 lượt người hưởng trợ cấp BHXH một lần. Ông Đinh Tuấn Kiệt, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Vĩ Châu (quận 7, TP HCM), cho rằng có tình trạng xin nghỉ “hưu non” tăng bất thường như vậy chắc chắn có nguyên nhân do bất cập trong chính sách BHXH, đặc biệt là việc giảm tỉ lệ hưởng lương hưu đối với nữ và tăng thời gian đóng BHXH đối với nam. Ông Kiệt thẳng thắn: “Việc thay đổi cách tính lương hưu đối với lao động nam có lộ trình nhưng với LĐN lại không có. Điều này sẽ ảnh hưởng đến LĐN nhiều hơn, nhất là đối với LĐN có dưới 30 năm đóng BHXH. Như vậy là chưa sòng phẳng, nếu không nói là phân biệt đối xử, bất bình đẳng”.

Chưa phù hợp thì phải sửa

Bà Phan Thị Minh Thu, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Giày da Vĩnh Phong (quận Bình Tân, TP HCM), cho biết công nhân, nhất là nữ, rất lo lắng và cảm thấy bị đối xử bất công. LĐN ngày càng đóng vai trò quan trọng, tham gia hiệu quả vào mọi hoạt động của xã hội bên cạnh thiên chức làm vợ, làm mẹ. Thế nhưng, việc giảm lương hưu của LĐN cho thấy có sự đánh giá chưa thật phù hợp, gây tác động lớn và làm thiệt thòi quyền lợi LĐN. “Chỉ còn hơn 2 tháng nữa chính sách có hiệu lực, anh chị em công nhân mong cơ quan chức năng hãy lắng nghe và thấu hiểu để đưa ra những chính sách phù hợp hơn, gắn với quyền và nghĩa vụ của LĐN. Luật xây dựng chưa phù hợp thì phải sửa, điều này là bình thường”.

Đồng tình với ý kiến này, ông Đinh Tuấn Kiệt kiến nghị Quốc hội nên xem xét sửa đổi sớm quy định này, tránh gây thiệt thòi cho LĐN vốn chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong lực lượng lao động cả nước. Việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng; tiếp thu ý kiến của người thụ hưởng chính sách còn là cách để động viên, khuyến khích NLĐ tham gia BHXH, giúp phát huy những điều tốt đẹp vốn có của một chính sách an sinh xã hội.

Là người có thời gian dài hoạt động trong ngành BHXH, ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP HCM, cũng cho rằng việc giảm tỉ lệ hưởng lương hưu của nữ cũng nên có lộ trình như với nam giới. “Nếu như năm 2017, LĐN đóng BHXH 25 năm thì được hưởng mức lương hưu tối đa là 75% thì sang năm 2018 số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu khi đủ tuổi đời của LĐN là 26 năm. Và cứ thế lần lượt từng năm cho đến khi đạt đủ 30 năm đóng BHXH sẽ được hưởng mức lương hưu tối đa là 75%” – ông Sang đề xuất.

Xem xét để trình sửa đổi các quy định của Luật BHXH

Theo dự thảo “Báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới” của Chính phủ gửi tới các thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, quy định của Luật BHXH năm 2014 vẫn còn sự khác biệt về giới trong cách tính lương hưu đối với lao động nam và nữ nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018, khi tỉ lệ hưởng lương hưu của lao động nam chỉ giảm 2% trong khi LĐN giảm tới 10% so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017. “Để giải quyết tình trạng này, các cơ quan chức năng đang nghiên cứu, xem xét để trình sửa đổi các quy định của Luật BHXH nhằm bảo đảm quyền lợi của LĐN sau khi nghỉ hưu” – báo cáo của Chính phủ nêu.

Trong phần tồn tại, hạn chế, báo cáo cũng cho rằng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn tồn tại một số quy định tạo ra sự khác biệt trong thụ hưởng chính sách giữa nam và nữ, trong đó phần lớn phụ nữ là người chịu thiệt thòi hơn so với nam giới, như quy định về cách tính lương hưu sau năm 2018. Về giải pháp, Chính phủ cho biết sẽ nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi cách tính lương hưu theo quy định tại điều 56 và điều 74 Luật BHXH để hài hòa khoảng cách về giới trong thụ hưởng chính sách BHXH.

UBND TP HCM lên tiếng

UBND TP HCM đã có văn bản gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam về việc kiến nghị chính sách BHXH có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Văn bản nêu rõ: “Để bảo đảm tính khả thi, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về BHXH, UBND TP kiến nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam xem xét, hướng dẫn theo thẩm quyền, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, điều chỉnh để chính sách về BHXH đồng bộ với chính sách về lao động trong Bộ Luật Lao động, không làm xáo trộn đột ngột và ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ, đặc biệt là LĐN. Cụ thể:

– Quy định về tăng thời gian đóng BHXH bắt buộc chỉ nên thực hiện khi tuổi lao động đã được kéo dài, hoặc chỉ áp dụng đối với những trường hợp người lao động tham gia lực lượng lao động và đóng BHXH bắt buộc từ ngày Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực.

– Quy định lộ trình tăng thời gian đóng BHXH bắt buộc đối với nữ, không tăng ngay từ 25 năm lên 30 năm”.

Ông ĐÀO NGỌC DUNG, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội:

Nghiên cứu, đánh giá tác động của quy định

Chính phủ đã có chỉ đạo tập trung nghiên cứu, đánh giá tác động của quy định này. Còn trong đề án tổng thể để trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công thì chế độ nghỉ hưu của LĐN cũng là một nội dung liên quan. Hôm nay (26-10), Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công sẽ họp và nghe báo cáo về các vấn đề liên quan đến tiền lương, BHXH, trong đó có nội dung liên quan đến chính sách hưởng lương hưu của LĐN.

Bà HUỲNH THỊ NGỌC LIÊN, Trưởng Ban Nữ công LĐLĐ TP HCM:

Chưa bình đẳng đối với lao động nữ

Hiện nay, ngoài thời gian làm việc ở cơ quan, phụ nữ còn làm rất nhiều việc không tên như chăm lo cho gia đình, con cái. So với lao động nam, LĐN chịu nhiều thiệt thòi hơn. Cùng một vị trí, năng lực như nhau nhưng khi tuyển dụng, doanh nghiệp lại chọn nam. Khi doanh nghiệp cần cắt giảm nhân lực thì lại “ưu tiên” LĐN. Cùng đi học, cùng độ tuổi như nhau nhưng LĐN lại nghỉ hưu trước nam 5 năm. Như vậy, tuổi nghỉ hưu đã không bình đẳng, nay LĐN lại chịu thiệt thòi khi từ ngày 1-1-2018, tỉ lệ lương hưu bị kéo giảm từ 3% xuống còn 2% kể từ năm đóng BHXH thứ 16. Đây là chính sách vô cùng thiệt thòi cho LĐN. Chị em đã cố gắng rất nhiều để đóng BHXH, mong muốn khi về hưu có được khoản tiền sinh sống nhưng lại bị cắt giảm. Tôi đề nghị Quốc hội, các cơ quan chức năng có thẩm quyền nên xem xét lại cách tính tỉ lệ lương hưu, đừng để lao động nữ phải gánh chịu quá nhiều bất công, thiệt thòi.

Nguồn: http://hoilhpn.org.vn-HT