“Quyết định 157/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên đã “chắp cánh” ước mơ cho rất nhiều sinh viên nghèo được bước chân vào giảng đường Đại học – em đã từng là một trong những sinh viên may mắn đó”. Nguyễn Dương Nữ Qúy Vi, trú tại tổ 4, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum đã mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng những lời bộc bạch, rưng rưng như thế !

tín dụng chính sách nâng đỡ ước mơ

Em Quý Vi (áo dài trắng) là 1 trong những đối tượng vay vốn tín dụng sử dụng nguồn vốn hiệu quả vừa được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Tuổi thơ của Vi và em trai kém 1 tuổi không được may mắn như bao đứa trẻ khác. Lên 5 tuổi, mẹ bị bệnh nặng qua đời. 7 năm sau cha cũng ra đi theo mẹ. Vi và em trai trở thành trẻ mồ côi khi mới 11, 12 tuổi đời. Thương 2 cháu bơ vơ, dù hoàn cảnh khó khăn nhưng cô ruột của Vi ở thành phố Kon Tum đã đưa 2 chị em lên Kon Tum cưu mang, đùm bọc.
Với đồng lương hưu ít ỏi, cô và dượng nuôi hai con của mình đã chật vật, giờ lại thêm hai đứa cháu nên cuộc sống càng khó khăn hơn, làm thêm đủ nghề để có tiền nuôi con, nuôi cháu ăn học.
Vi nhớ lại: Em thi đỗ 2 trường Đại học trong kỳ thi năm 2012. Em vừa mừng, vừa lo. Lo vì không biết lấy tiền ở đâu ra để đi học. Và rồi, được sự động viên của cô và dượng cùng bạn bè, thầy cô, em quyết định nhập học tại trường Đại học Đà Nẵng, Phân hiệu tại Kon Tum cho gần nhà, đỡ chi phí ăn, ở, đi lại. Được vào Đại học là mơ ước cháy bỏng, khát khao của hai chị em vì chúng em xác định không học, không có kiến thức thì không biết tương lai sau này thế nào. Đây là mục tiêu để cả hai chị em cùng phấn đấu.
Và ngày nhập trường cũng đến trong niềm háo hức lẫn lo toan của Vi. Những khoản tiền phải trang trải phục vụ cho việc học năm nhất của Vi được viết kín trên mặt giấy sau ngày khai trường. Vi đã tìm hiểu và được biết đến chính sách tín dụng cho sinh viên nghèo vay vốn theo Quyết định số 157/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Vi và cô đã tìm đến nhà cô Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại tổ dân phố 4, phường Thống Nhất – nơi Vi sinh sống trình bày nguyện vọng và đề nghị được vay vốn chương trình học sinh – sinh viên để trang trải chi phí học tập.
Vài ngày sau, Vi được Tổ TK&VV bình xét cho vay 11 triệu đồng. Số tiền này Vi dùng để đóng học phí của gần 2 năm học đầu tiên. Để có thêm tiền chi phí cho việc học tập và sinh hoạt, phụ tiền học cho em trai là sinh viên trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Phân hiệu tại tỉnh Gia Lai, vào mỗi buổi tối, thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, Vi đều tranh thủ đi làm thêm tại các quán cà phê, quán ăn.
Bước vào năm học thứ 3, thời gian lúc đó để đi làm thêm không còn, chi phí cho việc học tập cuối khóa lại nhiều hơn, lại một lần nữa Vi đến gõ cửa cô Tổ trưởng Tổ TK&VV và được xét cho vay 50 triệu đồng từ chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo để chăn nuôi 3 con bò sinh sản.
Do ở thành thị không có nơi làm chuồng trại và không được chính quyền địa phương cho phép nuôi tại khu dân cư đông người, Vi đã gửi bò tại nhà bà con tại huyện Đăk Hà (cách thành phố Kon Tum 20 cây số) chăm sóc hộ, cứ rảnh rỗi là Vi lại đạp xe  lên để phụ giúp chăm sóc. Nhờ được chăm sóc tốt, chẳng bao lâu sau 2 chú bê mạnh khỏe đã ra đời, giải quyết được phần chi phí khá lớn cho việc học tập của 2 chị em.
Vi đã tốt nghiệp Đại học năm 2016, hiện đang làm kế toán cho một Công ty tư nhân ở thành phố Kon Tum. Em trai Vi cũng tốt nghiệp Đại học tháng 7 vừa qua với tấm bằng loại khá.
“Em cảm ơn chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho con em hộ nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn như gia đình em, có điều kiện học tập, để có cơ hội tìm việc làm, ổn định đời sống. Tuy nhiên, em cũng mong thời gian tới Đảng và Nhà nước, Ngân hàng chính sách xã hội nâng mức cho vay lên theo mức tăng học phí, để tạo điều kiện hỗ trợ cho các bạn học sinh, sinh viên an tâm học tập, để không có bạn nào vì hoàn cảnh gia đình khó khăn phải bỏ học” – Vi chia sẻ.
Bài, ảnh: Dương Nương
Hiện tại tỉnh Kon Tum có 15 chương trình tín dụng chính sách được triển khai với tổng doanh số cho vay trong 15 năm qua đạt 4.164 tỷ đồng, với 250.074 lượt hộ vay vốn, trong đó có 19.356 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập. Đến hết tháng 7, tổng dư nợ đạt 2.064 tỷ đồng, tăng 28,6 lần so với năm 2002, với 63.901 hộ còn dư nợ, tương đương 51% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Thông qua hoạt động tín dụng chính sách đã giúp người dân bám đất, bám làng, phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu và giúp các em học sinh, sinh viên nghèo có thể theo đuổi ước mơ học hành thành tài của mình.

Nguồn: http://www.kontum.gov.vn-HT