Sáng 9.11, thảo luận tại Hội trường về thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, nhiều ĐBQH cho rằng, để bảo đảm quyền lợi của lao động nữ cần có giải pháp điều chỉnh lương hưu.
Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương)
Để bảo đảm quyền lợi của nữ giới, nhiều đại biểu cho rằng cần hoàn thiện các chính sách để bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ ở các lĩnh vực, chính trị, kinh tế, văn hóa, trong đó cần giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực lao động việc làm.
ĐB Trương Thị Bích Hạnh cho biết, chỉ tiêu tạo việc làm mới cho phụ nữ theo báo cáo hàng năm đều đạt và vượt. Tuy nhiên, chất lượng việc làm của lao động nữ chưa ổn định, thiếu bền vững, phụ nữ thường làm việc trong các lĩnh vực có trình độ chuyên môn thấp, 70% số lao động nữ làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ, dệt may, da giầy, tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo thấp hơn nam… Tình trạng hạn chế sử dụng lao động nữ sau 35 tuổi trở lên đang là vấn đề nổi lên trong thị trường lao động hiện nay. Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân sâu xa nhất, theo ĐB Trương Thị Bích Hạnh, do năng lực của người lao động. Do vậy, cần có chính sách quan tâm đến công tác đào tạo, chỉ tiêu giải quyết việc làm hàng năm cho phụ nữ trong tạo việc làm mới, ít nhất bảo đảm 40%. Đồng thời, để bảo đảm quyền lợi của nữ giới, Chính phủ cần có giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm chấn chỉnh tình trạng vi phạm pháp luật đối với lao động nữ, ĐB Trương Thị Bích Hạnh đề nghị.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đề nghị: rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định đảm bảo quyền và cơ hội bình đẳng cho cả nam và nữ. Cần nghiên cứu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho phù hợp để tạo cơ hội cho cả hai giới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Quan tâm phát triển dịch vụ hỗ trợ gia đình, sớm ban hành các chính sách còn đang nợ chưa ban hành, ví dụ: như chính sách hỗ trợ cho phụ nữ mang theo con nhỏ dưới 36 tháng tuổi khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng; hoặc có giải pháp để bảo vệ quyền cho lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1 tháng 1 năm 2018 và một số các chính sách khác.
Đánh giá cao vai trò của phụ nữ trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ĐB Trương Minh Hoàng đề nghị, phải có chiến lược cụ thể để nâng cao vai trò phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ để có chất lượng lâu dài, nâng cao trình độ cao, tạo cơ hội đề bạt, cân nhắc xem xét, hoặc không nên tính đến tuổi thì người ta mới có cơ hội làm cán bộ chủ chốt ở độ tuổi như nam được.
Tiếp cận bình đẳng giới ở cách tính lương hưu, ĐB Trương Minh Hoàng cho rằng, nếu vẫn giữ độ tuổi nghỉ hưu của phụ nữ là 55 tuổi thì cách tính năm, tính hàm phải có sự thay đổi để khi nghỉ hưu thì hàm của nữ được như nam. Theo đó, có thể áp dụng theo hướng nam 3 năm nâng lương một lần, 3 năm nâng một cấp hàm đối với sĩ quan thì đối với nữ chỉ cần 2 năm rưỡi. Quy định như vậy mới bảo đảm được quyền lợi của nam và nữ.
Cho rằng, trong giai đoạn 2007 – 2015, bình đẳng giới của Việt Nam tụt 39 bậc, để khắc phục tình trạng này, ĐB Nguyễn Ngọc Phương đề nghị, UBTVQH cần có giám sát chuyên đề thực hiện bình đẳng giới để có giải pháp kiến nghị kịp thời. Các báo cáo của bộ, ngành, địa phương nên quan tâm đến bình đẳng giới, chỉ rõ cơ quan, đơn vị làm tốt, nhắc nhở những đơn vị làm chưa tốt vấn đề này. Đặc biệt, QH cần có giải pháp điều chỉnh cách tính lương hưu.
daibieunhandan.vn
Nguồn: http://hoilhpn.org.vn-HT