Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu đang là chủ trương chung của thành phố Kon Tum được nhân dân tích cực tham gia. Mô hình trồng rau an toàn được hội viên phụ nữ xã Đoàn Kết thực hiện thí điểm đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp chị em nâng cao thu nhập cho gia đình.

Những năm trước đây, 6 sào đất quanh nhà gia đình chị Trần Thị Kim Hảo – thôn 7, xã Đoàn Kết, TP. Kon Tum đều sử dụng trồng mỳ và bời lời. Tuy nhiên hiệu quả và thu nhập không cao bởi cây bời lời thường xuyên bị chết, còn cây mỳ  năng suất thấp, giá thành hạ nên thu nhập chẳng được là bao. Từ năm 2017 được Hội LHPN thành phố và xã Đoàn Kết vận động, chọn triển khai thí điểm mô hình trồng rau an toàn, chị đã chuyển sang trồng rau. Sau 3 lần xuống giống các loại như mướp, khổ qua, ớt, chanh dây, rau cải các loại chị nhận thấy thổ nhưỡng nơi đây khá phù hợp với trồng các loại rau, cho năng suất, hiệu quả cao. Chị Hảo cho biết: Trong tổng số 6 sào đất, chị dành 2/3 để trồng khổ qua và mướp, mỗi ngày chị thu được hơn 1 tạ khổ qua. Với giá bán sỉ hiện nay 7.000đ- 10.000đ/01 kg, mỗi ngày chị thu được khoảng 1 triệu đồng, còn mướp từ 300-400.000 đ/01 ngày, không chỉ giúp cho gia đình có rau ăn hàng ngày mà còn tạo công ăn việc làm cho các thành viên, nâng cao thu nhập cho gia đình.

hào

Chị Hảo chăm sóc vườn rau an toàn của gia đình

Xã Đoàn Kết hiện có trên 90% dân số sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Ngoài duy trì sản xuất lúa nước, hiện nay nhiều người dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng rau an toàn. Trong quá trình sản xuất, các hộ dân sử dụng phân hữu cơ để bón lót trước khi xuống giống. Đồng thời sử dụng các chế phẩm sinh học để diệt trừ sâu hại, đảm bảo rau an toàn. Chị Trần Thị Kim Hảo – thôn 7, xã Đoàn Kết chia sẻ: Trong quá trình trồng rau, quả để đảm bảo điều kiện an toàn gia đình không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để bơm mà sử dụng các phương pháp dân gian phòng trừ sâu, bệnh. Đối với sâu, rầy chị dùng ớt, tỏi giã nát rồi pha với nước đem xịt lên cây, còn chống ong chích chị treo nong não và mua thuốc nhử để nhử 2 đầu giàn, ong không hút chích cây trái nữa. Làm như vậy không chỉ giảm bớt chi phí cho người nông dân mà còn đảm bảo rau an toàn.

Thực hiện mô hình trồng rau an toàn, Hội LHPN xã Đoàn Kết có 8 hội viên tham gia thuộc các thôn 5,7 và Đăk Kia. Từ diện tích vài ba sào trồng để“cung cấp rau an toàn cho gia đình”, đến nay mô hình đã được chị em nhân rộng trên tổng diện tích 2,2ha, cung cấp cho thị trường các sản phẩm rau quả đảm bảo chất lượng an toàn. Cùng với việc tuyên truyền định hướng cho chị em chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Hội còn hỗ trợ vốn vay cho mỗi chị từ 20-30 triệu đồng và tổ chức tập huấn để trang bị kiến thức trồng, chăm sóc rau an toàn cho chị em phụ nữ. Đặc biệt chị em còn tương trợ góp vốn xoay vòng để hỗ trợ cho hội viên khó khăn mượn đầu tư sản xuất.

Mô hình tuy mới triển khai thực hiện nhưng với sự đoàn kết tương trợ lẫn nhau trong hội viên phụ nữ cùng sự quan tâm hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuất của Hội LHPN và các ngành chức năng mô hình đã khẳng định được bước đi đúng đắn giúp cho chị em nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa nước và các loại cây hàng năm sang trồng rau an toàn là bước đột phá giúp chị em có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho gia đình. Từ đó còn tạo tiền đề xã Đoàn Kết duy trì tiêu chí về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn./.

Minh Phượng

Nguồn: http://kontumcity.kontum.gov.vn-HT