1. Ứng xử văn minh nơi công cộng giống như làm điều thiện/việc nghĩa, bao giờ cũng đòi hỏi con người phải nỗ lực và đầy ý thức, khác với làm việc xấu/điều ác thường thuận theo quán tính hay bản năng.
Và có khi để nỗ lực ứng xử cho văn minh trên lĩnh vực này, không khéo lại vô tình ứng xử thiếu văn minh ở lĩnh vực khác. Chẳng hạn muốn đi họp đúng giờ – tức ứng xử cho văn minh trong hội họp, nhưng nếu không tính toán kỹ giờ giấc đi lại trên đường và thậm chí trừ hao cả thời gian chẳng may gặp sự cố/bất trắc ngoài ý muốn, rất có thể dẫn đến khả năng người đi họp sẽ phải phóng nhanh/giành đường/vượt ẩu cốt để kịp giờ – tức ứng xử thiếu văn minh trong giao thông…
Hay chẳng hạn phép lịch sự tối thiểu đòi hỏi phải bắt máy và trả lời khi có ai đó gọi vào điện thoại di động của mình – tức ứng xử cho văn minh trong giao tiếp, nhưng nếu sơ ý không điều chỉnh chế độ chuông điện thoại di động hoặc không nhớ mình đang ở một nơi công cộng cần tĩnh lặng để chủ động rời phòng họp hay để tự giảm âm lượng đến mức tối thiểu lúc điện đàm, người dự họp rất có thể sẽ mang tiếng là ứng xử thiếu văn minh trong hội họp, vì đã không giữ được yên lặng nhằm thể hiện sự tôn trọng diễn giả đang phát biểu và những người cùng họp.
Nhân đây xin nói thêm là có lần tôi được tham dự một hội thảo quốc tế ở thành phố Nha Trang và rất ấn tượng khi người điều hành hội thảo nhẹ nhàng thông báo: “Xin các anh các chị nhớ mở lại điện thoại di động sau 12 giờ trưa nay để có việc gì chúng tôi tiện liên lạc”. Có thể thấy lời nhắc nhở này là ứng-xử-văn-minh-trong-ứng-xử-văn-minh, bởi người điều hành đang giả định thậm chí đang mặc nhiên thừa nhận rằng hầu hết những người dự hội thảo đều biết mình cần phải làm gì với điện thoại di động khi bước chân vào phòng họp và nhất là khi hội thảo bắt đầu khai mạc. Nói hầu hết là vì cũng không loại trừ vài trường hợp có thể do đãng trí mà vô tình hóa ra người có lỗi – chứ nếu quy định ngặt nghèo như ở phần lớn đại sứ quán/tổng lãnh sự quán buộc người đến xin thị thực nhập cảnh phải gửi điện thoại di động bên ngoài thì chắc cũng chẳng cần nhắc nhở…
2. Không chỉ trong phòng họp mới cần sự tĩnh lặng mà ngay trong cuộc sống thường nhật, con người có lúc cũng cần yên tĩnh, dị ứng với ô-nhiễm-âm-thanh, nhất là vào những thời điểm liên quan đến nhịp sinh học như đêm khuya, mờ sáng và giữa trưa. Chính vì thế ứng xử văn minh nơi công cộng đòi hỏi phải biết tôn trọng nhu cầu được tĩnh lặng hết sức chính đáng ấy của cộng đồng. Đô thị mà không có tiếng động tiếng ồn thì không ra một đô thị và càng không ra một đô thị phát triển. Cho nên con người đô thị lắm khi buộc phải thích nghi với tình trạng bội-thực-âm-thanh không mong đợi, với không ít tiếng động tiếng ồn chẳng mấy dễ chịu cả khi cần yên tĩnh.
Hồi cuối năm 2012, tôi được tháp tùng Cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đi tàu lửa lên Lào Cai. Tàu xuất phát từ ga Hàng Cỏ vào khoảng mười giờ đêm và bắt đầu chạy qua con phố hẹp ven đường tàu ở ngay nội thành Hà Nội, nhà cửa san sát hai bên tưởng chừng có thể đưa tay với tới. Nghe tiếng còi hú và tiếng bánh xe nghiến trên đường ray, là người hay nghĩ ngợi về những gì liên quan đến đời sống người dân, anh Thanh bảo tôi rằng đêm nào cũng ầm ào thế này sao người ta ngủ được. Tôi trả lời rằng còn biết làm gì được ngoài việc phải thích nghi và không chừng đêm nào không ầm ào như vậy họ lại… không ngủ được, rồi nói thêm: đây cũng là tình cảnh của người dân sống dưới đường máy bay cất cánh/hạ cánh, chẳng lẽ buộc máy bay… tắt máy từ xa!
Cho nên ngoài những trường hợp chẳng đặng đừng như vậy, nỗ lực hạn chế tiếng ồn/tiếng động vào các thời điểm nhạy cảm như giữa trưa, mờ sáng, đêm khuya là hết sức cần thiết trên hành trình tiến đến một đô thị văn minh hiện đại. Cũng có người cho rằng cất cao giọng để hát một ca khúc yêu thích với mức khuếch âm cực đại ở nhà mình – bất kể thời gian nào trong ngày – là quyền riêng tư của mỗi cá nhân. Thực ra ở đời không có cái gì riêng tư mà không ảnh hưởng tới người chung quanh, đơn cử như việc tưởng như riêng tư nhất là uống thuốc kháng sinh khi nhiễm khuẩn. Đúng là uống thuốc kháng sinh là việc riêng của từng người, nhưng nếu ai đó vì thấy bệnh có vẻ đỡ mà ngưng dùng thuốc – tức uống thuốc không đủ liều lượng theo chỉ định của thầy thuốc – thì sẽ làm cho vi khuẩn không bị tiêu diệt hoàn toàn, thậm chí một số vi khuẩn còn sống sót có khả năng trỗi dậy đề kháng lại kháng sinh đã sử dụng, do đó kháng sinh đã sử dụng sẽ không còn tác dụng ở những lần điều trị sau, không chỉ gây hại cho chính bản thân người uống thuốc mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng vì vô tình làm gia tăng tình trạng đề kháng kháng sinh…
Có một trường hợp gây tiếng động tiếng ồn vào các thời điểm cần sự yên tĩnh như giữa trưa, mờ sáng, đêm khuya mà cộng đồng dễ thông cảm nhất là… lễ tang. Với người quá cố, ai nấy đều thành tâm nghĩ rằng nghĩa tử là nghĩa tận, còn với tang quyến, mọi người sẵn sàng chia sẻ nỗi mất mát lớn lao không gì bù đắp cả nhà đang hứng chịu, vì thế có khi suốt mấy ngày trời phải nghe tiếng kèn tiếng đàn tiếng trống đám ma thường được khuếch âm vượt ngưỡng chịu đựng bình thường, mọi người cũng thấy có thể chấp nhận được, có thể bỏ qua được. Thế nhưng bản thân tang quyến thì không nên quá lạm dụng sự rộng lượng này và hoàn toàn có thể điều tiết về âm lượng/ về thời lượng đúng theo đòi hỏi của ứng xử văn minh nơi công cộng. Vả chăng với người vừa mới từ trần sắp về yên nghỉ đời đời trong cõi vô cùng, thì tiếng kèn tiếng đàn tiếng trống đám ma hay tiếng tụng kinh cầu siêu thoát với âm thanh huyền hồ như sương khói và trầm buồn nhỏ nhẹ vừa đủ nghe, có lẽ… phù hợp hơn.
3. Ứng xử văn minh nơi công cộng còn liên quan đến hành vi mà con người cần thể hiện cho đúng mực ở những chốn trang nghiêm như cơ sở thờ tự của các tôn giáo, của các làng quê hay các dòng tộc, những nghĩa trang/nghĩa trủng, thậm chí những bảo tàng mang màu sắc tín ngưỡng linh thiêng như Bảo tàng Điêu khắc Chăm… Câu chuyện đáng buồn hồi năm 2012 về một số nam sinh/nữ sinh trèo lên lưng rùa và lên cả đầu rùa ở Văn Miếu để tạo dáng chụp hình đăng trên Facebook bất chấp phản ứng của cộng đồng mạng, thật quá phản cảm và được xem là ứng xử thiếu văn minh nơi công cộng.
Rồi không chỉ có nhiều du khách nước ngoài hồn nhiên quần đùi áo cánh mà còn có không ít thiếu nữ Việt cũng ăn vận mỏng mảnh hở hang lên chùa lễ Phật, hoàn toàn không phù hợp với một không gian tâm linh như cửa Thiền. Ở chùa Bái Đính còn có chuyện một phụ nữ vừa bất kính cười cợt vừa bắt tay tượng Phật để chụp ảnh lưu niệm rất chi là phản cảm và thiếu văn minh. Càng phản cảm và thiếu văn minh hơn khi các tượng Phật/tượng La Hán vô cùng thân thuộc với đời sống văn hóa tinh thần người Việt thường xuyên bị những kẻ đi chùa mê tín và thực dụng giắt tiền lẻ đầy tay để mong xin được cái mà nhà Phật không bao giờ có và vì thế chẳng thể nào cho, như là giàu sang/quyền chức…
Được xem là hành vi không đúng mực ở những chốn trang nghiêm còn có việc người đến tham quan tùy tiện lưu danh tính của mình lên tường/lên tượng. Năm 2013, một học sinh người Trung Quốc đã vẽ chằng chịt bằng tiếng Trung và ghi rõ họ tên mình lên tác phẩm cổ đại ở khu đền Luxor 3.500 tuổi trong chuyến du lịch sang Ai Cập. Còn ở chùa Bái Đính, bức tranh khổ lớn vẽ những hình ảnh tượng trưng cho Phật giáo đã bị hàng ngàn người đi chùa viết/vẽ/ký tên bằng mực, thậm chí còn ký tên lên cả mặt Đức Phật Thích Ca mà không chùn tay. Khi hành vi phản văn hóa của em học sinh người Trung Quốc nêu trên bị cộng đồng mạng nước này phẫn nộ thì mẹ ruột em phải lên tiếng xin lỗi cả người dân Trung Quốc lẫn người dân Ai Cập. Liệu đã có bậc phụ huynh người Việt nào có con tham gia viết/vẽ/ký tên lên bức tranh chùa Bái Đính làm được cái việc cần làm như bà mẹ Trung Quốc ấy hay chưa?
Nguồn: phunudanang.org.vn-HT