Trường Sa, nơi ấy là máu thịt của Tổ quốc; là nơi tình yêu của đất liền, của triệu triệu người dân Việt Nam luôn hướng về; là sự đau đáu, trăn trở của các thế hệ đi trước; là quyết tâm, là niềm tin sẽ bảo vệ vững chắc chủ quyền của các thế hệ hôm nay và mai sau.

Xuất phát từ cảng Cát Lái – Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình đến với Trường Sa trên tàu KN290 của lực lượng Kiểm ngư Việt Nam trong những ngày đầu tháng 5 rực màu hoa phượng. Mặc dù đã chuẩn bị khá kỹ về tâm lý, sức khỏe, tham khảo kinh nghiệm của các anh, chị đã từng đến Trường Sa…, nhưng trong tôi vẫn có đôi chút hồi hộp, lo lắng do lần đầu tiên trong đời có chuyến công tác trên biển.

Sau 2 ngày đêm vượt qua gần 500 hải lý, tàu thả neo để làm lễ tưởng niệm các liệt sỹ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa. Trong tiếng nhạc trầm hùng của bài “Hồn tử sĩ”, với mùi hương trầm ngan ngát giữa mênh mang biển trời, chúng tôi lặng lẽ thả vào lòng biển khơi những nhành cúc trắng và những con hạc giấy (được gấp trong cơn say sóng từ tối hôm trước) để tri ân, tưởng nhớ các liệt sĩ đã nằm lại nơi đây vì sự bình yên và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

lan

Đoàn công tác số 10 chụp ảnh lưu niệm trên Đảo Trường Sa lớn

Đặt chân lên các đảo và Nhà giàn DK1, được trực tiếp nhìn thấy nơi ăn, nghỉ, sinh hoạt và làm việc của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên các đảo, chúng tôi càng vững tin hơn bởi sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước, quân đội, quân chủng hải quân và nhân dân cả nước dành cho Trường Sa.

Trong cái nắng oi nồng của mùa hạ, cái “bung biêng” của nhiều người “tiền đình yếu” khi di chuyển giữa tàu và xuồng, đảo và sóng, nhưng dường như ai cũng quên hết mệt mỏi, tranh thủ và trân trọng những phút giây quý giá để gặp gỡ, giao lưu với cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, để ghi lại những khoảnh khắc không bao giờ quên của mỗi người.

Dù chưa kịp biết tên nhau, dù chỉ là những cái nắm tay, lời thăm hỏi động viên vội vàng, bài hát tập vội nhưng như thể chúng tôi đã quen thân tự lúc nào. Các chiến sĩ hồ hởi với nụ cười rạng rỡ trên môi, đón chúng tôi như những người thân đi xa trở về. Chúng tôi thầm cảm phục các anh ở sự hi sinh thầm lặng, bản lĩnh kiên cường, chịu đựng gian khó và vượt qua mọi khó khăn để cầm chắc tay súng nơi đầu sóng, ngọn gió, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Do thời tiết xấu, chúng tôi không được lên đảo An Bang. Đứng trên tàu KN290, chúng tôi lặng ngắm đảo từ xa với sự tiếc nuối, bởi mỗi lần được đặt chân lên các đảo là mỗi lần thêm hạnh phúc và tự hào về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đứng chào cờ trên đảo Trường Sa lớn, giữa cái nắng chói chang, sự oi nồng khắc nghiệt của ngày hè, tôi lặng lẽ hát Quốc ca bằng con tim bởi trong lòng thổn thức, nghẹn ngào. Có lẽ, những trải nghiệm của hành trình về với Trường Sa những ngày qua đã đọng lại trong tôi quá nhiều cảm xúc không thể cất thành lời.

Sau 10 ngày trên biển, tàu Kiểm ngư KN290 đã đưa đoàn công tác số 10 trở về cảng Cầu tàu Bãi Trước, thành phố Vũng Tàu an toàn, kết thúc chuyến thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Tạm biệt nhé, Trường Sa, nơi ấy là máu thịt của Tổ quốc; là nơi tình yêu của đất liền, của triệu triệu người dân Việt Nam luôn hướng về; là sự đau đáu, trăn trở của các thế hệ đi trước; là quyết tâm, là niềm tin sẽ bảo vệ vững chắc chủ quyền của các thế hệ hôm nay và mai sau.

Bài và ảnh: Trần Thị Phong Lan-PL-HT