Chiếm gần một nửa dân số, phụ nữ các dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn nỗ lực, góp sức vào sự phát triển chung của tỉnh nhà.
Nhớ lại đợt bùng dịch Covid-19, thấu hiểu được những khó khăn chung của đại dịch gây ra, chị em phụ nữ đã sẵn sàng tham gia vào trận tuyến chống dịch.
Ở các phường, xã cho đến thôn, làng, các chị sắp xếp may khẩu trang, làm tấm chống giọt bắn hỗ trợ đội ngũ ở tuyến đầu. Nhiều chị không ngại khó, không ngại khổ, hỗ trợ nấu ăn, dọn dẹp ở các khu cách ly. Với tinh thần đoàn kết, các cấp Hội Phụ nữ vận động được hàng tấn nhu yếu phẩm, tiếp sức cho các khu cách ly trên địa bàn tỉnh cũng như người dân ở miền Nam.
Trong gian khó, phụ nữ luôn đoàn kết, đồng hành, chia sẻ với chính quyền các cấp trong thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ: vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.
Ngoài những hoạt động khi cấp bách, triển khai phong trào thi đua và hoạt động hội, các cấp Hội đã xây dựng nhiều mô hình phù hợp với tình hình thực tiễn. Dễ nhận thấy, góp sức trong xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội đã thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam” gắn với “Làng phụ nữ DTTS nông thôn mới”.
Chị em phụ nữ có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Ảnh: H.T
Theo đó, trong giai đoạn 2017-2022, Hội Phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 27 Làng phụ nữ nông thôn mới và nhiều mô hình “Đường làng, nhà tôi xanh, sạch, đẹp”. “Từ việc trồng cây xanh, giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tích cực vươn lên trong phát triển kinh tế, chị em phụ nữ đã góp sức thiết thực vào việc thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới” – chị Y Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sa Thầy nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, chị em phụ nữ cũng đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Từ ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, nhiều chị bắt tay, sản xuất ra các sản phẩm sạch, hướng tới sức khỏe của cộng đồng và giới thiệu được lợi thế, tiềm năng của địa phương.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế, qua hàng năm, các cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp luôn nhận được sự quan tâm, tham gia của phụ nữ các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đơn cử như năm 2022, 23 chị đã tham gia cuộc thi. Qua đó, nhiều sản phẩm: thịt hun khói, các sản phẩm trái cây hữu cơ, các sản phẩm từ sâm dây… do các tổ liên kết, tổ hợp tác của chị em phụ nữ được nhiều người tin dùng.
Chị Phan Thị Hiệp – Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà cho biết, chị rất vui mừng khi sản phẩm của tổ liên kết trồng cây ăn trái của chị em phụ nữ trên địa bàn xã được nhiều người biết đến. Tham gia tổ liên kết, 14 thành viên có thu nhập ổn định, có nguồn vốn để đầu tư thêm các mô hình khác.
Luôn hưởng ứng, tích cực tham gia vào các phong trào thi đua, ngay từ khi tỉnh ta phát động Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, các cấp Hội đã tích cực triển khai đến từng nhà, từng ngõ của hội viên. Nhiều mô hình hỗ trợ nhau cùng phát triển kinh tế ra đời. Qua tuyên truyền, nhiều chị em phụ nữ biết cách tận dụng đất sản xuất; biết dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt; dần dần bỏ các hủ tục, chăm lo phát triển kinh tế trong gia đình.
Nhìn lại sự đóng góp của phụ nữ vào sự phát triển của tỉnh nhà, chị Y Phương – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Dưới sự chỉ đạo của cấp ủy cùng với sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ các cấp và các ngành, phụ nữ trên địa bàn tỉnh không chỉ làm tốt vai trò “xây tổ ấm” ở mỗi gia đình, bảo tồn và trao truyền văn hóa cho các thế hệ sau mà còn tham gia đóng góp tích cực vào các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng – an ninh của tỉnh. Phát huy những kết quả đạt được, các cấp Hội sẽ tiếp tục nỗ lực, triển khai các mô hình, phong trào thi đua hiệu quả, chung sức đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Hoài Tiến. Nguồn https://www.baokontum.com.vn/MT