Về thăm làng Đăk Răng, được đắm mình trong không gian lễ hội của người Giẻ Triêng, ấn tượng thật khó phai. Cùng với tiếng cồng chiêng âm vang, tiếng đàn, tiếng sáo hòa quyện thành những giai điệu đẹp, là những khúc dân ca dịu ngọt làm say đắm lòng người. Trong đó, “Dệt vải” là bài dân ca được yêu thích nhất, bởi gắn liền với nghề dệt thổ cẩm của các bà, các mẹ từ thuở xa xưa được gìn giữ, trao truyền cho con cháu hôm nay.
Khúc dân ca “Dệt vải” qua tiếng hát ngọt ngào của chị Siêng Thị Nhiên và Y Loan trong Đội nghệ nhân làng Đăk Răng, làm say đắm lòng người. Lời ca mộc mạc tạm dịch : “ Chị em mình ơi!/ Chúng ta dệt kơtu phải dệt cho đẹp để lại cho mình/ Chị em mình dệt tấm dồ để dành cho người lớn/ Chị em mình ơi! /Mẹ sinh ra ta mẹ rất vất vả/ Bố sinh ra ta mong chúng ta lớn nhanh chúng ta thông minh, chúng ta xinh đẹp/ Để không phụ lòng cha mẹ, ông bà…”
Chị Siêng Thị Nhiên năm nay ngoài 40 tuổi kể, chị không phải người làng, nhưng về làm dâu Đăk Răng, nên hơn 20 năm nay, đã thông thạo dệt vải và biết hát những bài dân ca đặc sắc của người Giẻ Triêng. Cùng với dàn đệm bằng các nhạc cụ truyền thống, bài dân ca “Dệt vải” đã được biểu diễn, giới thiệu ở nhiều nơi trong tỉnh, trong nước. Bà Y Ngân, một trong số nghệ nhân dệt vải nổi tiếng ở Đăk Răng bảo, đó là khúc dân ca mà ngày xưa, người phụ nữ Giẻ Triêng vừa giỏi dệt vải, vừa thích ngâm nga. Chính bà đã cùng với một số nghệ nhân tham gia giới thiệu về nét đẹp nghề dệt truyền thống của người Giẻ Triêng vùng Bắc Tây Nguyên đến mọi người gần xa, nhân các sự kiện văn hóa lớn tại Bảo tàng tỉnh Kon Tum và làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Hà Nội. Ở đó, không gian văn hóa và hoạt động dệt vải của người Giẻ Triêng đã được tái hiện một cách sinh động, gần gũi, giúp mọi người hình dung một cách chân thực về công việc của những người phụ nữ Giẻ Triêng đảm đang, khéo léo.
Cũng như các dân tộc thiểu số anh em ở Tây Nguyên, trang phục truyền thống của người Giẻ – Triêng được may từ những tấm thổ cẩm. Váy, áo, khố, khăn choàng, tấm đắp… phổ biến là nền màu đen có sọc ngang, hoặc hoa văn màu trắng, đỏ, vàng…; nền màu đỏ, đỏ cam… với sọc ngang, hoa văn màu đen, trắng, vàng, xanh … Trong gia đình, phụ nữ đảm nhận công việc đòi hỏi sự nhẫn nại, kiên trì, tỉ mỉ và khéo léo này. Nghệ nhân Y Ngân bảo, theo phong tục, đến tuổi lấy chồng, người phụ nữ Giẻ Triêng không chỉ có “ củi hứa hôn” mà cần thêm những tấm thổ cẩm làm lễ vật cho nhà trai. Lễ vật phổ biến là những tấm đắp (tấm dồ), thể hiện sự siêng năng, cần mẫn và khéo léo của người dệt ra nó. Cũng như các cô bé cùng lứa, chừng hơn 10 tuổi, bà Y Ngân đã được mẹ chỉ dạy làm quen với khung cửi. Giờ đã hơn 60 tuổi, chưa khi nào, bà lãng quên công việc tưởng đơn giản, nhưng chính là tình cảm sâu nặng của mình.
Ngày trước, thổ cẩm của phụ nữ Giẻ – Triêng được làm bằng nguyên liệu tự tạo từ cây, cỏ, lá, hoa của rừng núi. Sợi bông tự nhiên màu trắng. Để tạo màu, họ lấy màu xanh của lá, màu vàng nghệ, màu đỏ thẫm từ bồ kết… và đặc biệt là còn kỳ công ngâm, giã, phối trộn một số vỏ cây, rễ, củ, tro bếp… để thành màu nâu, màu đen…
Sống tự cấp, tự túc, nên ngày trước, những bé gái người Giẻ – Triêng độ 13-14 tuổi đã biết dệt vải. Song, từ những tấm vải bình thường để may áo, khố, váy đến những tấm dồ đôi dài,rộng 2-3 mét, dày, đẹp là cả quá trình đòi hỏi sự nhẫn nại, chịu khó, tỉ mỉ, khéo léo của người phụ nữ. Chị Y Bế – Nghệ nhân dệt thổ cẩm cho hay, theo truyền thống, những tấm dồ là lễ vật được chính tay người con gái dệt nên và trao cho gia đình chàng trai mà họ chọn lựa nên duyên. Số lượng lễ vật này nhiều hay ít tùy thuộc vào khả năng của nhà trai, khi mang quà cưới sang nhà gái, theo kiểu “môn đăng hộ đối” như người Kinh. Thông thường, lễ vật của nhà trai gồm một con trâu, hoặc một con bò và nhiều ghè rượu cần, thì cô dâu cũng có 20-30 tấm dồ đôi để tặng những người trong gia đình chồng. Lễ vật của nhà trai khiêm tốn với heo, dê và vài ghè rượu, thì quà cưới của cô dâu cũng chừng 5-10 tầm dồ đôi. Để chuẩn bị cho ngày về nhà chồng, người con gái Giẻ – Triêng có khi mất 3-4 năm miệt mài bên khung cửi để dệt nên những tấm thổ cẩm “hồi môn”.
Theo quan niệm, “củi hứa hôn” tượng trưng cho ngọn lửa soi sáng, ấm áp; còn thổ cẩm biểu thị sự ấp ủ, nương náu. Cùng với “củi hứa hôn”, tấm thổ cẩm thể hiện đức tính chịu thương chịu khó, khéo léo, giỏi giang của người con gái; đem đến sự ấm áp, sung túc cho mái ấm gia đình.
Theo thời gian và sự phát triển của cuộc sống, ngày nay nguyên liệu dệt nên những tấm thổ cẩm đã là các loại sợi chỉ đủ màu sắc được làm sẵn, nhưng công đoạn dệt thì vẫn thế, với khung dệt thủ công bằng mấy đoạn gỗ, tre. Váy áo, khăn khố không còn là trang phục thường ngày, cũng không còn được xem là “hồi môn” của thiếu nữ khi lấy chồng, nhưng những người gắn bó với khung cửi vẫn miệt mài, say sưa trong những lúc rảnh rỗi, những khi nông nhàn, để lại có những bộ trang phục đẹp đẽ, những tấm dồ đắp trong mùa lạnh, những tấm khăn ấm choàng kín người…cho những người thân yêu và dùng trong lễ hội đông vui.
Những sản phẩm thổ cẩm bây giờ cũng trở thành hàng hóa, thỉnh thoảng được bán làm hàng lưu niệm cho du khách đến thăm mảnh đất mang đậm bản sắc văn hóa của một tộc người sống gần khu vực biên giới Việt – Lào trên dải Trường Sơn. Những người phụ nữ Giẻ Triêng làng Đăk Răng vui và tự hào vì đã góp phần giới thiệu nét đẹp truyền thống của dân tộc đến với mọi người.
Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền cũng như ngành Văn hóa- thể thao và Du lịch tỉnh, những lớp dạy dệt thổ cẩm đã được mở về tận làng, giúp bà Y Ngân và những nghệ nhân cao tuổi, giàu kinh nghiệm ở Đăk Răng có thêm điều kiện truyền nghề cho con cháu. Trong làng, cả già, trẻ, đã có hơn 20 người thường xuyên dệt vải. Họ góp mặt trong đội nghệ nhân do già BRôl Vẻ đứng đầu. Tiếp bước bà Y Ngân, chị Y Bế, con gái của họ và những cô gái Giẻ -Triêng siêng năng, khéo léo vẫn miệt mài bên khung cửi, giữ cho sắc màu thổ cẩm mãi thắm tươi./.
Nguồn: www.kontum.gov.vn-HT