Tôi băn khoăn tự hỏi rằng, không biết “địa chỉ tin cậy” được mở tại nhà chị trưởng thôn có thể giúp chị H. tránh được mấy lần “thượng cẳng tay hạ cẳng chân” của người chồng vũ phu nữa?
Mỗi lần nghe tiếng chửi mắng, tiếng đồ đạc vỡ loảng xoảng vang lên từ nhà chị H., là mọi người trong xóm lại biết rằng chị sắp phải chạy ra khỏi nhà để tránh những cú tát của chồng.
Thời gian đầu dọn về xóm, tôi đã rất ngạc nhiên, và bất bình khi những gia đình khác tỏ ra dửng dưng trước cảnh ấy.
Nhưng rất nhanh sau đó, tôi hiểu ra, và không thể trách họ. Khi tôi, vì không chịu nổi, đã sang nhà can ngăn, thì hứng chịu những câu chửi thô lỗ, tục tằn của anh chồng. Chị H. thì năn nỉ tôi rời đi bằng được.
“Mọi người cũng có can ngăn, nhưng rồi thôi, vì không ai muốn “rước vạ vào thân”. Hơn nữa, chị H. cũng không muốn mọi người xen vào đâu, vì “xấu chàng hổ ai” ấy mà”- một hàng xóm cho tôi hay.
Lâu dần thì tôi hiểu rõ hoàn cảnh nhà chị hơn. Chị H. suốt ngày đầu tắt mặt tối đi làm, lo cho con cái, trong khi anh chồng hay la cà, nhậu nhẹt.
Cứ uống say về là mắng chửi vợ con; nhiều hôm không cho ăn, không cho ngủ, thức ăn đem đổ hết, quần áo đem vứt đi, thậm chí đuổi ra khỏi nhà.
Tôi đề xuất báo chính quyền xử lý. Mấy chị lắc đầu: Báo cả rồi. Cán bộ thôn, cán bộ phường cũng xuống rồi. Nhưng những lúc ấy, anh ta không say rượu nên hiền khô, xin lỗi rõ thành khẩn. Thế là quay ra khuyên nhủ, hòa giải, chị vợ cũng đồng ý. Xong việc!
Nhưng đó là xong với chính quyền, đoàn thể, còn chị H. thì không. Tần suất những cơn say tăng lên, khi anh chồng mất việc làm ở một nhà máy gạch. Đồng nghĩa với số lần chị H. phải vùng chạy khỏi nhà để tránh đòn cũng dày hơn.
Có thể thấy, bất chấp những nỗ lực trong việc phòng, chống bạo lực, thể hiện qua các hành lang pháp lý và sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội, thì bạo lực gia đình vẫn là một vấn nạn dai dẳng, cần nhiều nguồn lực để giải quyết.
Bạo lực giới có thể bao gồm bạo lực đối với phụ nữ trong gia đình; buôn bán phụ nữ, bóc lột tình dục, quấy rối tình dục, kết hôn sớm, cưỡng hôn. Có thể là bất bình đẳng trong tiếp cận thu nhập, tài sản và thừa kế của hộ gia đình.
Tất nhiên, với góc nhìn toàn diện hơn về bạo lực giới, tôi cho rằng phụ nữ có thể vừa là nạn nhân, vừa là người gây ra bạo lực giới, ví dụ, một bà mẹ cũng có hành vi bạo lực với con cái. Nam giới, thường được “mặc định” là đối tượng gây bạo lực, nhưng trên thực tế cũng có thể là nạn nhân.
Nhưng rõ ràng là, phụ nữ và trẻ em, bởi yếu thế trên nhiều mặt, nhất là định kiến “trọng nam khinh nữ” và sự phụ thuộc về tài chính, vẫn là nạn nhân chính của bạo lực giới.
May mắn sao, địa phương đã triển khai mô hình địa chỉ tin cậy để giúp đỡ phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình. Và địa chỉ tin cậy này được đặt ngay tại nhà trưởng thôn, nơi anh chồng không dám đến quậy.
Theo số liệu từ cơ quan chức năng, đến nay toàn tỉnh duy trì khoảng 151 mô hình địa chỉ tin cậy như vậy. Đồng thời, thành lập mới 30 địa chỉ tin cậy hỗ trợ bảo vệ phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình.
Nhưng đôi khi tôi băn khoăn tự hỏi rằng, không biết “địa chỉ tin cậy” được mở tại nhà chị trưởng thôn có thể giúp chị H. tránh được mấy lần “thượng cẳng tay hạ cẳng chân” của người chồng vũ phu?
Và các địa chỉ tin cậy khác nữa, liệu có thể giúp cho các nạn nhân “lánh nạn” cả đời không?
Tôi cũng từng hỏi chị H. câu này. Chị thẫn thờ lắc đầu: Em cũng không biết nữa. Thôi thì tránh được lần nào hay lần ấy.
Chị trưởng thôn thì nhìn ra cửa: Ít nhất cũng có một nơi tạm để những phụ nữ như chị H. biết phải chạy đến đâu để tạm lánh nạn, trốn cơn nóng giận của chồng.
Nhưng chắc cũng phải nghĩ cách khác thôi. chị H. không thể cứ trốn tránh thế này mãi được- chị trưởng thôn nói.
Đúng là địa chỉ tin cậy cũng chỉ là một giải pháp tạm thời. Chị H., và những nạn nhân bạo lực giới khác, cần được bảo vệ tốt nhất. Cũng như bạo lực giới nên được giải quyết từ gốc.
Cần kết hợp chặt chẽ việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ bền vững sau bạo lực, mạnh tay trong xử lý các hành vi bạo lực giới với tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ- chị trưởng thôn kiến nghị.
Kế hoạch số 640/KH-UBND ngày 23/2/2024 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh năm 2024 đã xác định một số chỉ tiêu cụ thể.
Trong đó bao gồm 100% cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Có 85% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; 50% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn.
Điều này đòi hỏi thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; nâng cao nhận thức của phụ nữ, thanh niên và các thành viên khác trong cộng đồng về quyền của họ.
Đào tạo kỹ năng truyền thông, tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý, kết nối dịch vụ và kỹ năng làm việc với người có hành vi gây bạo lực giới.
Duy trì nhân rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình tạo sinh kế cho phụ nữ tại địa phương. Thu hút sự tham gia của những người có uy tín trong cộng đồng về phòng ngừa bạo lực gia đình và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Đặc biệt là phải đảm bảo công lý cho nạn nhân. Nghĩa là cần hành động mạnh mẽ và quyết liệt của chính quyền và ngành chức năng để truyền tải các thông điệp rằng, bạo lực gia đình phải bị trừng phạt; không sử dụng hòa giải như là một giải pháp chủ chốt.
Hồng Lam/Nguồn: baokontum.com.vn