Thông qua các hoạt động, các cấp hội đã góp phần hỗ trợ cho phụ nữ được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; giúp chị em biết sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay và thực hành tiết kiệm để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, Kế hoạch (số 86-KH/TU ngày 12/3/2015) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, Hội LHPN tỉnh đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác và Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh ký kết văn bản liên tịch về việc thực hiện ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng thời tập trung chỉ đạo các cấp hội nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác và đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ được tiếp cận các chính sách tín dụng để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Trong công tác phối hợp với Ngân hàng CSXH, các cấp hội đã tham gia đầy đủ các phiên giao dịch, giao ban định kỳ; chủ động phối hợp với Ngân hàng CSXH tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội phụ trách hoạt động ủy thác và ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) về kiến thức, kỹ năng quản lý tín dụng, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn vay đúng mục đích, áp dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để đạt hiệu quả và bảo toàn nguồn vốn; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng, quản lý vốn vay nhằm phát hiện và phối hợp xử lý kịp thời các trường hợp sử dụng vốn không đúng mục đích, xâm tiêu, chiếm dụng vốn.

Hiện nay, các cấp hội đều có hoạt động ủy thác tại 102/102 xã, phường, thị trấn, quản lý 659 tổ TK&VV. Từ ủy thác 12/12 chương trình tín dụng hộ nghèo năm 2014 với hơn 672 tỷ đồng, đến nay, các cấp hội đã nhận ủy thác 15/15 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ trên 1.000 tỷ đồng, chiếm trên 40% tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH tỉnh, tăng gần 360 tỷ đồng so với năm 2014; tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 0,53% (năm 2014) xuống còn 0,22%; tỷ lệ thu lãi qua từng năm tăng từ 96% (năm 2014) lên 98%; huy động tiết kiệm từ 23.533 thành viên tại 659 tổ TK&VV với số dư tiết kiệm đạt trên 40 tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách đã đến với hơn 54 ngàn lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác, tạo việc làm cho hơn 3 ngàn lao động, hơn 2.500 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 34 ngàn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; trên 18 ngàn lượt hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách và 2.500 hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn được vay vốn để sản xuất, kinh doanh.

qqqqqqqqqqqqqqqqqqqq

 Hội nghị đánh giá công tác phối hợp ủy thác giữa Hội LHPN và Ngân hàng CSXH tỉnh. Ảnh: TTPL

Thông qua các hoạt động trên, các cấp hội đã góp phần hỗ trợ cho phụ nữ, nhất là hộ gia đình phụ nữ nghèo, DTTS, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; giúp chị em biết sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay và thực hành tiết kiệm để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ đầu nhiệm kỳ XIII Đại hội Phụ nữ tỉnh (2016-2021) đến nay, đã có 676 hộ phụ nữ thoát nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều; có 167 gương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi được các cấp, các ngành và Hội tuyên truyền, biểu dương; có 30 mô hình phát triển kinh tế tập thể với hơn 1.000 hội viên, phụ nữ tham gia tại các huyện/thành phố hoạt động hiệu quả, nổi bật.

Thời gian tới, để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các cấp hội tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy và phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp và Ngân hàng CSXH trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội, coi đó là công việc thường xuyên, lâu dài, quyết định hiệu quả đối với hoạt động ủy thác của các cấp hội. Chú trọng công tác kiểm tra, đánh giá năng lực thực tế của đội ngũ cán bộ hội làm công tác ủy thác để kịp thời củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tập trung thành lập các mô hình phát triển kinh tế tập thể gắn với vay vốn tín dụng chính sách theo mô hình nhóm hộ và lồng ghép với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm nhằm giúp người vay sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Tích cực xây dựng và biểu dương, tuyên truyền các điển hình tập thể, cá nhân phụ nữ làm kinh tế giỏi; nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả, những cách làm hay của các cấp Hội tại các địa bàn có điều kiện tương đồng.

Đặc biệt, để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững, vấn đề căn bản là phải tuyên truyền làm thay đổi nếp nghĩ trông chờ, ỷ lại của chính bản thân người nghèo, khơi dậy ý chí tự vươn lên, nỗ lực tự thoát nghèo của họ, từ đó các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước sẽ được tiếp nhận, sử dụng có hiệu quả. Do đó, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội cần tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng cũng như toàn thể xã hội; trong đó cần chú trọng tuyên truyền đến các đối tượng là hộ nghèo đang còn có tư tưởng không muốn thoát nghèo, ỷ lại, trông trờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước… Qua đó, góp phần giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có cơ hội vươn lên trong cuộc sống, để không bị ở lại phía sau trong quá trình phát triển.

Bài, ảnh: Trần Thị Phong Lan-HT