Tại xã Đăk Man (huyện Đăk Glei), một loại cây trồng mới đang được không ít bà con nông dân kỳ vọng sẽ giúp họ phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, đó chính là cây nghệ đỏ. Đây là một trong các loại cây nguyên liệu dược có chứa hoạt chất curcumin- chất có tác dụng tăng cường sức khỏe, hiện nhu cầu về loại cây nguyên liệu này khá lớn .
Vài tháng trở lại đây, trên địa bàn xã Đăk Man, đi đâu cũng nghe bà con nông dân bàn chuyện trồng cây nghệ đỏ, bởi hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Theo bà con, loại cây này dễ trồng, rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đất dốc nơi đây nên có thể giúp người nông dân xóa nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Cũng như đa số nông dân trên địa bàn huyện Đăk Glei, trước đây, diện tích đất đồi, đất rẫy của người dân Đăk Man thường trồng các loại cây truyền thống như: bắp, mỳ, lúa rẫy… hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao, trong khi đó công sức lao động lại bỏ ra nhiều.
Đầu năm 2016, một doanh nghiệp từ tỉnh Gia Lai lên cung cấp giống nghệ đỏ cho một vài bà con trồng thử nghiệm. Sau khoảng 9 tháng gieo trồng thử nghiệm, cây nghệ đỏ đã được người nông dân ưa chuộng, bởi loại cây này vừa dễ trồng, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, vừa mang mang lại giá trị kinh tế ngoài sự mong đợi của các bà con.
Ông A Tinh ở thôn Đông Nây là 1 trong 3 hộ dân tham gia trồng nghệ đỏ đầu tiên của xã Đăk Man cho biết: Năm vừa rồi, gia đình tôi trồng thử nghiệm trên hơn 2.000m2 đất. Từ khi xuống giống cho đến khi thu hoạch khoảng 9 tháng, gia đình tôi không cần phải phun hóa chất, bón phân nhưng cây nghệ đỏ vẫn phát triển khỏe mạnh, lá xanh tươi tốt. Sau khi cây nghệ đỏ già, bắt đầu héo lá là có thể thu hoạch được. Năm vừa rồi gia đình tôi thu hoạch được trên 60 bao, khoảng 2,7 tấn, bán với 7.000 đồng/kg nên thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với trồng các loại cây trồng ngắn ngày truyền thống khác như lúa, mỳ, bắp…
“Thấy hiệu quả kinh tế từ cây nghệ đỏ mang lại, năm nay gia đình tôi tiếp tục trồng cây nghệ đỏ. Mới xuống giống chỉ được khoảng 3 tháng nhưng đến giờ này hầu hết các diện tích trồng nghệ đỏ đều phát triển tươi tốt, thậm chí có nhiều cây đã cao gần cả mét, thân to, lá rộng. Sau khi thấy gia đình tôi trồng nghệ đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần trên cùng một diện tích so với các loại cây trồng truyền thống khác nên năm nay bà con trong và ngoài xã đã kéo nhau đến nhà tôi để mua giống nghệ đỏ với giá 10.000 đồng/kg để về trồng…” – ông A Tinh phấn khởi cho tôi biết thêm về việc gia đình ông chuyển sang trồng nghệ đỏ thay một số loại cây trồng truyền thống khác.
Dẫn chúng tôi đi thăm một số vườn nghệ đỏ của bà con trong xã vừa mới trồng trước mùa mưa năm nay, ông A Quang – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Man cho biết: Năm vừa rồi, tôi và 2 hộ dân khác tham gia trồng nghệ đỏ. Sau khi thu hoạch chúng tôi chỉ bán với giá 7.000 đồng/kg, trong khi giá bán bên ngoài từ 12.000 đến 14.000 đồng/kg. Nếu rửa sạch mang xuống trung tâm huyện Đăk Glei sẽ bán với giá 20.000 đồng/kg. Nguyên nhân bán giá chỉ bằng 50% giá thị thường là do bán lại cho chính người đã cung cấp giống cho bà con trồng. Họ giải thích rằng, do trừ tiền giống họ cung cấp và tiền vận chuyển nên chỉ bán với giá 7.000 đồng/kg.
Xã Đăk Man chỉ có 3 thôn, năm nay, bà con nông dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng truyền thống khác sang trồng cây nghệ đỏ. Điều đặc biệt là, cây nghệ đỏ có khả năng miễn dịch đối với các loại sâu bệnh, nên suốt trong quá trình sinh trưởng không cần phải sử dụng bất cứ loại hóa chất bảo vệ thực vật nào. Theo tính toán của người dân, với giá cả thị trường hiện nay, nếu trồng 1ha cây nghệ đỏ có thể cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Vì vậy, người dân ở đây ai nấy cũng đang kỳ vọng vào cây nghệ đỏ sẽ giúp họ xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
Ông A Quang cho biết thêm, tính đến thời điểm này trên địa bàn xã Đăk Man có khoảng 40 hộ gia đình trồng cây nghệ đỏ, cứ theo đà này chắc chắn số hộ trồng cây nghệ đỏ năm sau sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, phong trào chuyển sang trồng cây nghệ đỏ của bà con nông dân đang tự phát, hiện địa phương chưa có quy hoạch do chưa tìm được nhiều đầu ra ổn định. Người dân nơi đây mong muốn các cấp, các ngành cần giúp bà con tìm đầu ra ổn định, hoặc hướng dẫn bà con cách chế biến tinh bột nghệ để không phải chịu cảnh bị tư thương ép giá…
Hiệu quả kinh tế bước đầu từ mô hình trồng nghệ đỏ đã được khẳng định qua một năm trồng thử nghiệm trên địa bàn xã Đăk Man. Cây nghệ đỏ đang tạo ra một triển vọng mới trong việc góp phần đa dạng hoá cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho nông dân trên địa bàn huyện Đăk Glei. Không chỉ bà con trong xã Đăk Man mà nhiều bà con các xã khác của huyện Đăk Glei cũng tìm về xã Đăk Man để hỏi mua giống nghệ đỏ về trồng.
Thiết nghĩ, để cây nghệ đỏ trở thành cây làm giàu cho bà con, cần có sự định hướng cụ thể, sự liên kết chặt chẽ giữa 3 nhà: nhà nông, nhà doanh nghiệp và Nhà nước. Có như vậy, việc phát triển sản xuất của người dân mới bền vững, tránh sự bấp bênh khi họ phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm và chịu nhiều thiệt thòi khi thị trường “đỏng đảnh”. Đó cũng là giúp người nông dân nắm bắt cơ hội vương làm giàu ở huyện Đăk Glei – địa phương miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn của tỉnh.
Đắc Vinh
Nguồn: baokontum.com.vn-HT