Ngày 10-5-1968, Chủ tịch Hồ Chí Mình đã viết trong Di chúc của mình: “Trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cân nhắc và giúp đỡ để ngày có thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng cho phụ nữ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc lại nhiều lần và yêu cầu Đảng, Nhà nước và cán bộ thực hiện câu nói của Mác: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nữa”. Người cho rằng: thực hiện quyền bình đẳng cho phụ nữ là một cuộc cách mạng to, khó và đòi hỏi quá trình lâu dài. Đây là cuộc cách mạng tư tưởng gay go và phức tạp, đòi hỏi phải có sự quan tâm, vào cuộc của toàn xã hội. Bởi vì, nguồn gốc của sự bất công đối với phụ nữ chính là quan niệm xã hội phong kiến lỗi thời, tư tưởng trọng nam khinh nữ đã kéo dài hàng ngàn năm ở Việt Nam, nó tồn tại, ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi giai tầng trong xã hội. Tuy nhiên, cũng giống như sự nghiệp cách mạng dân tộc, Bác khẳng định rằng: thực hiện quyền bình đẳng cho phụ nữ dù to, dù khó khăn đến mấy nhưng nhất định sẽ thành công.
Sinh hoạt văn hóa dân gian – Ảnh: VP
Theo Hồ Chí Minh, bình đẳng nam nữ phải được thực hiện đồng thời trên mọi lĩnh vực. Thứ nhất, phải cho phụ nữ có quyền tham gia vào mọi hoạt động chính trị một cách bình đẳng như nam giới, có quyền bầu cử, ứng cử, quyền tự do ngôn luận, đi lại, cư trú, quyền bình đẳng trước pháp luật. Quyền bình đẳng nam nữ ở Việt Nam lần đầu tiên đực công nhận tại Hiến pháp năm 1946, quyền bình đẳng đó được tiếp tục mở rộng và phát triển trong các bản Hiến pháp sửa đổi về sau. Quyền bình đẳng nam nữ trong Hiến pháp đã được Hồ Chí Minh triệt để thực hiện. Người luôn nhắc nhở các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương phải chú ý chăm lo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ để chị em tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động chính trị. Thứ hai, phải thực hiện sự bình đảng trong lĩnh vực kinh tế. Theo Hồ Chí Minh, cần phải tạo điều kiện, đưa phụ nữ tham gia vào nhiều ngành nghề khác nhau để vừa giải phóng sức lao động, vừa phát huy được đức tính cần cù, chịu khó và sự dẻo dai, khéo léo của người phụ nữ Việt Nam; xây dựng, phát triển mạng lưới nuôi giữ trẻ để chị em có đủ thời gian, điều kiện thuận lợi khi tham gia lao động sản xuất, loại bỏ sự lệ thuộc vào kinh tế của phụ nữ. Thứ ba, cần nâng cao trình độ, nhận thức và dân trí cho phụ nữ, tạo mọi điều kiện để người phụ nữ được phát huy tài năng, tham gia vào các chương trình học tập, đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn phục vụ trong các lĩnh vực công tác; nâng cao nhận thức, dân trí, giúp chị em thoát ra khỏi ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến lạc hậu, những thành kiến hà khắc mà chính họ là nạn nhân phải gánh chịu hàng ngàn năm, trải qua biết bao thế hệ. Thứ tư, cần phải thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong gia đình. Hồ Chí Minh thường xuyên theo dõi và nhắc nhỡ việc thực hiện nghiêm chỉnh Luật Hôn nhân và Gia đình được ban hành từ năm 1959. Người đặc biệt lên án đối với hiện tượng phân biệt đối xử, nạn bạo lực gia đình…và cho đó là một điều đáng xấu hổ. Theo Hồ Chí Minh, vai trò của người phụ nữa trong gia đình và ngoài xã hội là thống nhất. Vai trò của người phụ nữa trong xã hội được thể hiện chính từ vai trò của họ trong gia đình. Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có tốt thì xã hội mới tốt, phát triển. Người phụ nữ trong gia đình cũng đóng vai trò rất quan trọng, cần được sự bình đẳng về mọi mặt. Thêm một điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn căn dặn Đảng và Nhà nước cần phải quan tâm, đi sâu đi sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em phụ nữ để có những chính sách cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ, xóa bỏ những bất công đối với phụ nữ, tạo mọi điều kiện để phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.