Ngôi nhà sàn trong ngõ nhỏ, cách xa nhịp sống ồn ào, náo nhiệt phố phường là một trong số ít nhà sàn truyền thống đẹp nhất còn được lưu giữ ở thành phố bên dòng Đăk Bla cổ xưa. Bằng tình cảm và tâm huyết với văn hóa truyền thống của dân tộc, chủ nhân của nó còn giữ lại cho mai này những hiện vật đáng quý.

kt

Ngôi nhà còn lưu giữ những hiện vật quý

Nằm trên khuôn đất rộng, thoáng đãng, ngăn nắp và sạch, không hề có vẻ phô trương, bề thế, nhưng ngôi nhà trông vẫn thật kiêu hãnh. Ngày trước, khi còn bận rộn công việc ở Bệnh viện đa khoa Kon Tum, chẳng mấy dễ gặp chị  Y H’Nhem ở nhà; bây giờ, đến hồi nghỉ hưu, chốn bình yên cho chị thời gian rộng dài, thảnh thơi chăm sóc mẹ. Đã hơn 100 mùa rẫy rồi, lưng đã còng lắm, đi lại khó khăn, nhưng mẹ chị vẫn còn nghe, nói rõ ràng. Thương yêu lặng lòng trong dáng ngồi khom khom nhặt rau, bóc đậu…

“Của cải của người ta là kim cương, vàng bạc. Còn chị, ngoài mẹ, chỉ có mấy thứ này là đáng quý nhất thôi em!..”- Chị Nhem cười hiền hậu.
Có cảm giác đến với một bảo tàng thu nhỏ, khi  bước vào ngôi  nhà sàn xinh xắn  với “mấy thứ” được xếp đặt gọn gàng, ngăn nắp và đẹp mắt của chị. Một thời đã xa trên những vật dụng, đồ dùng ở đây, nhưng dấu ấn tháng năm thì vẫn còn đó, gắn với  mỗi kỷ niệm và từng mốc thời gian mà hai người phụ nữ, hai thế hệ  ruột rà chính là chứng nhân nhớ rõ.
Không giàu tiền giàu bạc, thì con đàn cháu đống mới vui cửa vui nhà. Người Ba Na xưa đã quan niệm như vậy. Nhưng nhà chị  lại neo người. Cha mất sớm, anh chị ra riêng, nhà chỉ hai mẹ con quấn quýt. Mấy năm chị đi học xa, mình mẹ tảo tần. Những trang sách và cuộc sống từ những ngày ở trường cho chị nhận thức thêm  một điều, cho dù hoàn cảnh nào, cũng ráng giữ gìn vốn  quý của ông cha để lại.
Cùng với cồng chiêng linh thiêng, quý giá, người Ba Na xưa còn không ít đồ dùng, vật dụng được xem là của cải trong nhà. Nhiều hơn cả tuổi mẹ chị, bộ thau đồng được xếp chồng ngay ngắn, nối giữ  với nhau bằng sợi dây thừng chắc chắn mà chị vẫn thấy hàng ngày dưới mái nhà sàn thân yêu là một thứ thiêng liêng như thế. Ngày trước, cùng với sự du nhập của cồng chiêng đồng từ đất Lào, những chiếc thau đồng cũng được theo vào vùng bắc Tây Nguyên. Không khác cồng chiêng, thau đồng tính bằng nhiều, nhiều con trâu to trâu mập. Thau đồng cổ được đúc theo kiểu đáy hơi cong, phình ra nơi thân giữa và xuôi thắt lại ở hai  phần miệng và đáy thau. Ngày trước, những chiếc thau đồng được dùng đựng nước lấy từ mạch nguồn trong mát, để đổ vào ghè rượu. Chỉ có nước trong thau đồng mới chính là nước thiêng, nước lành, mang lại điều may mắn, tốt lành cho bà con, cộng đồng trong những ngày lễ, ngày hội. Ngoài đựng nước bỏ vào ghè rượu, thau đồng không được dùng làm bất cứ thứ gì khác. Thau đồng được xem là vật linh thiêng và quý giá là vì vậy.Cả làng, hiếm hoi lắm, chỉ một đôi nhà sắm được bộ thau đồng. Mỗi khi làng có lễ, hội, đám vui, đám buồn, những chiếc thau đồng lại được đưa ra dùng chung.
Quý giá không kém bộ thau đồng đựng nước ghè, là những chiếc ghè rượu. Cùng với cồng chiêng, ghè rượu không chỉ là tài sản của mỗi gia đình, mà còn chứa đựng niềm tự hào của cả cộng đồng. Từ thời ông bà ngoại đến đời mẹ chị và chị, những chiếc ghè cổ luôn được giữ gìn cẩn thận, lên men sáng đẹp. Những chiếc bình gốm từ hơn 100 năm trước được du nhập từ nước ngoài cũng như từ những làng nghề thủ công trong nước nổi tiếng, theo đường thương lái từ đồng bằng đưa lên miền Thượng. Sau này, ghè rượu còn được chị bổ sung thêm, làm thành bộ sưu tập nhỏ, mang dấu ấn nhiều thế hệ. Những chiếc bình gốm đa dạng màu sắc, kiểu dáng. Riêng hình thù, họa tiết trên mặt bình thì có cái vô cùng độc đáo, tinh xảo, thể hiện sinh động nét tài hoa của người thợ gốm. Những chiếc bình gốm quý, ngày trước chỉ được dùng để làm rượu ghè những khi có “việc lớn”.
Trong không gian văn hóa thu nhỏ của căn nhà sàn ấm áp, không kém phần ấn tượng còn là những đồ dùng, vật dụng truyền thống phục vụ sinh hoạt hàng ngày được chị tìm kiếm, lưu giữ rất tỷ mẩn. Đó, là những chiếc gùi nhiều kiểu loại, công dụng, dành cho các lứa tuổi sử dụng … Chiếc gùi cỡ lớn nan đan tinh tế, bền chắc, hoa văn độc đáo. Gùi là chiếc rương chính của người phụ nữ trong gia đình, đựng tất cả những đồ dùng quý; đặc biệt, không thể thiếu  các loại khăn, khố, váy, áo thổ cẩm dành cho lễ hội, các loại vòng cổ vòng tay, vật kỷ niệm … Đó, là mô hình chiếc khung cửi kiểu cổ, những chiếc ná, cái nỏ bằng tre bằng cây thách thức thời gian, những cái tổ chim xinh xắn lạ lùng …được chị sưu tầm trong những chuyến đi, đến nhiều vùng miền trong tỉnh.
Chị Y H’Nhem bảo, bộn bề công việc, đi đó đi đây, trở về nhà, thả mình trong không gian yên tĩnh, bao nhiêu toan lo vơi hết, thảnh thơi, thanh thản diệu kỳ. Lặng ngắm những đồ dùng, vật dụng của ngày xưa, nghe như tiếng của thời gian vọng về xao xuyến. Quá khứ vẫn song hành với hôm nay, cho mỗi dấu ấn đã xa không bị lãng quên…./.
Nguồn: www.kontum.gov.vn-HT