Hội LHPN các cấp luôn nỗ lực tìm cách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, trở thành điểm tựa để các chị em phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ DTTS hợp sức phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Hợp sức làm kinh tế
Có mặt tại buổi đối thoại chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cho phụ nữ DTTS, chị Y Ró – Chủ tịch Hội LHPN xã Măng Cành, huyện Kon Plông không giấu được niềm vui mừng.
Không vui sao được khi những năm qua chị đã khởi nghiệp, vươn lên làm giàu chính đáng và hơn hết đồng hành, giúp 2 tổ thu mua nông sản và tổ liên kết trồng cà phê xứ lạnh của chị em phụ nữ trên địa bàn xã đạt hiệu quả cao.
“Tổ thu mua nông sản hoạt động ổn định với 21 thành viên, doanh thu hơn 500 triệu/năm. Tổ liên kết trồng cà phê xứ lạnh cũng hoạt động hiệu quả, giúp 15 hội viên phụ nữ thoát nghèo, 139 hội viên, phụ nữ có việc làm ổn định” – chị Y Ró chia sẻ.
Năm 2008, sau khi chuyển đổi sang trồng cà phê xứ lạnh, chị Y Ró cùng các chị em trong xã thành lập tổ liên kết trồng cà phê xứ lạnh và tổ thu mua nông sản để tránh bị tư thương ép giá cũng như tạo thêm cơ hội việc làm cho một số chị em. Thoạt đầu, vì các thành viên trong nhóm chưa có kinh nghiệm nên thị trường tiêu thụ bó hẹp, doanh thu còn hạn chế.
Ngay trong lúc khó khăn nhất, được sự khích lệ, định hướng của các cấp Hội Phụ nữ, các chị em trong 2 tổ mạnh dạn tham gia vào các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng để học hỏi kinh nghiệm.
Các sản phẩm khởi nghiệp của hội viên phụ nữ vươn ra thị trường. Ảnh: B.A
Vượt qua gian nan, tổ thu mua nông sản ngày càng phát triển ổn định, từng bước nâng cao doanh thu với thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm. Hơn thế, tổ đã kết nối, mở rộng thị trường, ký kết với 2 công ty thu mua nông sản tại 2 tỉnh Gia Lai và Lâm Đồng.
Cùng với tổ thu mua nông sản, đến nay, đã có 139 hội viên phụ nữ trên địa bàn xã đăng ký tham gia mô hình tổ liên kết trồng cà phê xứ lạnh, với thu nhập bình quân hơn 20 triệu đồng/hộ.
Từ bước đầu thành công của mô hình, hiện nay, UBND xã Măng Cành đã thống nhất chủ trương hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà kho chứa nông sản cho tổ thu mua. Đồng thời, phối hợp với các công ty phân bón, chủ trang trại cây giống cung cấp cây giống, phân bón cho hội viên phụ nữ.
“Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ mở rộng quy mô liên kết lên 200 thành viên, tạo việc làm ổn định cho 200 hội viên phụ nữ nghèo và tăng thu nhập từ 20 triệu/năm lên 30 triệu/năm/chị”- chị Y Ró chia sẻ.
Từ trước đến nay, các hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Măng Bút (huyện Kon Plông) chủ yếu tự làm kinh tế theo hộ gia đình. Thế nhưng, vừa qua, nhận thấy thành công từ một số mô hình liên kết, các chị em mạnh dạn học hỏi, thành lập mô hình trồng cây lúa gạo đỏ.
Từ kế hoạch đặt ra, 5 chị em trong tổ tham gia trồng 5 sào lúa đỏ. Ngoài 4 góp: góp đất, góp vốn, góp công, góp giống, các chị còn chia sẻ kinh nghiệm, cùng bàn bạc để hiệu quả sản xuất cao nhất. Hạn chế sử dụng phân hóa học, các chị dùng phân chuồng; áp dụng kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật để chăm bón đồng ruộng một cách tốt nhất.
Có kinh nghiệm, có sự cần cù, siêng năng nhưng bước đầu, các chị cũng gặp rất nhiều khó khăn. “Hiện tại chúng tôi đang tự xoay sở vốn để sản xuất. Vẫn còn khó khăn nhưng quan trọng là chúng tôi đã biết hợp lực, đoàn kết cùng tìm đầu ra cho sản phẩm. Nếu mô hình hiệu quả, chúng tôi sẽ nhân rộng để giải quyết công ăn việc làm” – chị Y Hình – Chủ tịch Hội LHPN xã Măng Bút nói.
Điểm tựa khởi nghiệp
Thực tế, không ít chị em vươn lên làm giàu từ kinh tế hộ gia đình. Tuy nhiên, với nhiều chị em phụ nữ DTTS, những khó khăn về nguồn vốn, về kinh nghiệm, về đầu ra cho sản phẩm… trở thành rào cản lớn. Chính vì vậy, để tháo gỡ khó khăn, họ lựa chọn tham gia vào các tổ liên kết, các mô hình, hợp tác xã để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Như tại xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, ngoài việc làm kinh tế trong gia đình, khi được các cấp Hội vận động, 24 hội viên phụ nữ đã tham gia vào tổ phụ nữ liên kết trồng mì cao sản.
“Qua tìm hiểu kỹ, nhận thấy cây mì cao sản thích hợp với điều kiện, khí hậu, đất đai… Hơn thế, nắm được thông tin chính quyền địa phương sẽ liên kết với Nhà máy tinh bột sắn ViNa tại xã Sa Nhơn thu mua sản phẩm nên chúng tôi vận động các chị thành lập mô hình. Đây là cơ hội tốt vừa giải quyết được nguồn vốn, vừa giúp các chị yên tâm về đầu ra cho sản phẩm” – chị Nguyễn Thị Tuyết – Chủ tịch Hội LHPN huyện Sa Thầy cho biết.
Với kế hoạch cụ thể, ngoài việc được nhận sự hỗ trợ, động viên của các cấp Hội, tổ phụ nữ liên kết trồng mì cao sản đã được Trung ương Hội LHPN hỗ trợ hơn 260 triệu đồng để đầu tư vào phân bón, giống.
“Trước hết, tổ đã được giải quyết khó khăn về vốn. Chúng tôi sẽ cố gắng hoạt động hiệu quả, tạo sinh kế cho chị em và trong vòng 3 năm sẽ phát triển thêm 32 thành viên mới, giúp các chị em thoát nghèo”- chị Tuyết cho biết.
Đến nay, các cấp Hội đã kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp đồng hành, hỗ trợ gần 400 triệu đồng cho chị em phụ nữ DTTS thực hiện các mô hình: tổ hợp tác phụ nữ DTTS trồng cây ăn quả tại thôn Plei Sar, xã Ia Chim (thành phố Kon Tum); tổ hợp tác nuôi heo sọc dưa tại xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi; tổ phụ nữ liên kết nuôi heo lai lấy thịt xã Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei); tổ hợp tác phụ nữ DTTS trồng hồng đảng sâm ở huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông cũng nhận được hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hồng đảng sâm.
Không chỉ giải quyết những khó khăn về vốn, các cấp Hội còn hỗ trợ, vận động chị em tham gia vào các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, các lớp nghiệp vụ quản lý vốn, kỹ năng quản lý, phát triển kinh tế tập thể để trau dồi kiến thức, áp dụng vào sản xuất.
Điều đáng mừng là để hỗ trợ cho phụ nữ khởi nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 524/KH-UBND về “Triển khai thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”. Theo đó, trong hai giai đoạn (giai đoạn 1: 2017-2020; giai đoạn 2 từ 2021-2025) sẽ hỗ trợ 300 dự án, ý tưởng của phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; hỗ trợ thành lập các hợp tác xã do phụ nữ quản lý; tư vấn hỗ trợ thành lập doanh nghiệp do nữ làm chủ; nhân rộng các mô hình tuyên truyền tại cộng đồng các huyện/thành phố.
Hành trình khởi nghiệp với chị em phụ nữ, đặc biệt với phụ nữ dân tộc thiểu số còn lắm gian nan, tuy nhiên, với sự đồng hành của các cấp Hội cũng như sự quan tâm của các cấp, các ngành, những nút thắt, rào cản đang dần được tháo mở. Những điểm tựa vững chắc ấy đã và đang tạo đà giúp chị em làm tốt việc “xây tổ ấm” đồng thời vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Bình An
Nguồn: http://baokontum.com.vn-HT