Xem dệt thổ cẩm là một phần tất yếu của cuộc sống, dù các sản phẩm làm ra không nhiều người mua, song bà Y Ngân (64 tuổi) và bà Y Dỏ (54 tuổi) người Giẻ- Triêng ở làng Đăk Răng, xã Đăk Dục ngày ngày vẫn giữ nghề truyền thống này.
Biết dệt từ thuở còn thơ
Có dịp tìm về xã Đăk Dục, tìm gặp và nói chuyện với bà Ngân, bà Dỏ, chúng tôi mới biết rằng, hàng ngày các bà vẫn duy trì làm nghề dệt này với tất cả sự đam mê và lòng yêu nghề. Trong căn nhà nhỏ nằm bên con đường làng thân thuộc đã được trải nhựa, bà Ngân đang bận một vài việc sau bếp. Khi biết chúng tôi đến tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm trong làng, không hề ngần ngại, bà liền gác công việc lại, dẫn chúng tôi cùng lên nhà bà Dỏ để tìm hiểu về cách dệt thổ cẩm của người Giẻ – Triêng.
Theo lời kể của bà Ngân, khi lên 10 tuổi, bà đã thích ngồi xem mẹ mình dệt thổ cẩm. Rồi không ngại nắng mưa, mỗi ngày bà đều đi theo mẹ lên tận những đám rẫy, vào tận trong rừng để tìm cây bông về kéo sợi; tìm các loại rễ cây về để chế biến, nhuộm màu sợi. “Ngày xưa vất vả lắm, không phải có sợi, có màu được làm sẵn như bây giờ đâu. Từ công đoạn kéo sợi cho đến lúc hoàn thành một tấm choàng đơn giản, ít hoạ tiết phải mất mấy tháng trời” – bà Y Ngân vui vẻ nói.
Cũng như bà Ngân, với sở thích dệt thổ cẩm, khi chưa tròn 13 tuổi, bà Y Dỏ đã chăm chú, xem mẹ dệt và ghi nhớ các cách chế biến màu. Bà nói, ngày đó sau khi kéo sợi, để sợi vải có màu xanh, mọi người thường đốt vỏ ốc lấy tro rồi bỏ vào chum đất nấu cùng rễ Cầm, rễ Trum, Chà Tâng, nước Tro, rễ cây nếp than, chắt lấy nước màu xanh. “Để tạo thành màu đen, phải nhúng sợi vào trong chum nước màu xanh rồi đun nóng lên. Sợi vải từ màu xanh, chỉ cần hấp lên là chuyển thành màu đen ngay” – bà Dỏ giải thích. Bà cũng cho biết, để tạo màu vàng, mọi người thường nhúng sợi vải vào nước củ nghệ hoặc nấu nước rễ cây Chchoong; còn nước bồ kết sẽ giúp sợi vải có màu đỏ.
Dụng cụ dệt vải được làm bằng gỗ rất đơn giản. Tuy nhiên, khi người phụ nữ ngồi vào đó, họ giống như một nghệ nhân thực thụ vì luôn phải vận dụng cả chân lẫn tay để thêu dệt. Nắm được cách dệt sợi, làm màu, dù còn nhỏ, song mỗi ngày bà Ngân và bà Dỏ đều phụ mẹ dệt những tấm choàng, những tấm vải để may trang phục truyền thống của người Giẻ – Triêng. “Nhìn làm thì đơn giản nhưng thực chất thì chẳng hề giản đơn đâu. Hồi đó theo lời chỉ dạy của mẹ, mình cũng chỉ biết dệt thành tấm thổ cẩm bình thường thôi chứ chưa biết cách làm căng, chưa biết cách phối màu. Mãi sau này, khi làm nhiều, học nhiều thì mình mới làm đẹp hơn” – bà Ngân chia sẻ.
Theo lời của nhiều người lớn tuổi trong làng, không chỉ riêng 2 cô, thời đó cứ đến độ tuổi trăng tròn, thiếu nữ trong làng, trong xã hầu như ai cũng phải biết dệt thổ cẩm. Bởi người Giẻ – Triêng quan niệm rằng dệt thổ cẩm thể hiện sự khéo léo, nết na, ai dệt càng đẹp thì sẽ được nhiều chàng trai để ý, chọn bắt làm vợ. Ai mà không biết dệt thì khó bắt được chồng.
Vì muốn có nhiều người để ý, theo đuổi, nhiều thiếu nữ trong làng theo bà, theo mẹ học cách dệt, cách nhuộm màu. Cũng với mong muốn ấy, song với bà Dỏ và bà Ngân, học dệt phần lớn là do sở thích, do đam mê. Chia sẻ với chúng tôi, bà Ngân nhớ lại: “Hồi đó khổ sở lắm, đi làm về chỉ muốn nghỉ thôi nhưng rồi vì thích quá nên vẫn lôi đồ ra dệt. Cứ làm mãi, khi nào xong được một tấm vải là mừng lắm, không còn cảm giác mỏi mệt, đau lưng nữa đâu”.
Học dệt thổ cẩm từ nhỏ hơn nữa lại học với sở thích nên bà Dỏ và bà Ngân học rất nhanh. Nhiều người trong làng thừa nhận, bà Ngân và bà Dỏ đứng nhất, nhì so với các thiếu nữ trong làng về dệt vải nên có nhiều chàng trai để ý, muốn bắt làm vợ. Khi bắt được chồng, hai bà vẫn tiếp tục đi hái cây bông làm sợi, đi lấy rễ cây rừng làm màu dệt vải.
Thổ cẩm là cuộc sống
Hôm chúng tôi đến cũng là lúc Bà Y Dỏ đang dệt dở tấm thổ cẩm rộng chừng 40 cm, dài gần 1 mét. Mặc kệ cái nắng, cái gió, trong ngôi nhà, bà cứ miệt mài dệt, mãi đến khi chúng tôi lên tiếng, bà mới nhận ra. Theo bà, vì những loại rễ cây để làm màu ngày càng khan hiếm, có nhiều cây không còn tìm thấy nên không thể làm ra màu nhuộm. Hơn nữa, nhiều cây lại mọc ở trong rừng sâu, mất nhiều thời gian đi kiếm nên nhiều năm nay, cũng như mọi người, bà chỉ mua sợi bán sẵn ngoài chợ để dệt chứ không còn tự làm sợi, làm màu như trước nữa. “Mình tự làm sợi, làm màu sẽ an toàn hơn, bền hơn nhưng khó lắm, có lần mình đi kiếm cây để làm màu không mà mất hơn 10 ngày lại nguy hiểm nên mình không đi nữa”- bà Dỏ kể.
Một tấm choàng tuỳ kích cỡ phải mất từ 7-10 ngày dệt, các sản phẩm làm ra phần lớn chỉ để trong gia đình sử dụng chứ rất ít người tìm mua. Dẫu vậy, như một phần tất yếu của cuộc sống, cứ khi nào rảnh rỗi, bà Dỏ và bà Ngân lại cặm cụi dệt vải. “Không dệt không chịu nỗi đâu, cảm giác cứ thấy thiếu thiếu cái gì đó, nhớ lắm!” – bà Ngân cười hiền. Còn bà Dỏ thì nói rằng, hôm nào rảnh thì dệt ban ngày, hôm nào bận thì dệt ban đêm. Dù mắt mờ, lưng mỏi nhưng khi dệt, chú tâm vào từng sợi chỉ, từng đường nét hoa văn nên mọi mệt mỏi theo đó cũng tan biến.
Không chỉ dệt tấm choàng, dệt cơ tu, các bà còn dệt và làm thành những chiếc giỏ xách, mũ…; bà Dỏ nói rằng, trong nhà bà dù nhiều hay ít, lúc nào cũng có vải thổ cẩm. Bà cứ làm rồi để dành, khi gia đình nào có con gái chuẩn bị bắt chồng, cô sẽ mang sang tặng để làm “Của hứa hôn” cho nhà trai (Theo phong tục của người Giẻ – Triêng, khi cưới chồng, ngoài củi hứa hôn, nhà gái bắt buộc phải chuẩn bị ít nhất một tấm vải thổ cẩm cho nhà trai – pv). Mặc dù nhiều người trong làng biết dệt thổ cẩm nhưng không mấy ai mặn mà. Chính vì vậy, cả hai bà làm ra tặng mọi người với hi vọng sẽ lưu giữ được nét văn hoá trong trang phục nói riêng, trong nghề dệt của người Giẻ- Triêng nói chung.
Ngoài việc làm bằng đam mê, cả bà Dỏ và bà Ngân đều hướng dẫn các con mình dệt vải. Bà Ngân có 2 người con gái thì cả hai đều biết dệt và dệt rất đẹp. Bà Dỏ cũng vậy, ngoài một người con gái học ở xa thì người con gái đầu của bà đã lấy chồng nhưng thỉnh thoảng vẫn dệt vải. “Vối tôi đấy là một niềm vui và một niềm tự hào lớn. Sau này có cháu gái, tôi nhất định sẽ dạy cháu mình dệt vải” – bà Dỏ chia sẻ.
Cùng với việc truyền dạy cho các con về nghề truyền thống của dân tộc mình, năm 2009 – 2010 bà Ngân được Sở VHTT&DL mời đi Hà Nội để trình diễn, tái hiện lại cách làm nghề dệt đặc trưng của người Giẻ – Triêng. Nhớ lại quãng thời gian ấy, bà Ngân rất hạnh phúc vì nghề dệt thổ cẩm của người Giẻ – Triêng không chỉ được mọi người trong cộng đồng làng, trong tỉnh biết mà có cơ hội được nhiều nơi, các du khách nước ngoài biết đến.
Sau khoảng thời gian đó, khi trở về, bà Ngân và bà Dỏ được mời dạy thổ cẩm cho chị em trong làng, cả hai bà đều rất vui mừng. Mới đây, lại được mời xuống Bảo tàng tỉnh trình diễn, thể hiện, giúp mọi người hiểu hơn về cách dệt vải, cả hai bà đều rất hạnh phúc. Trò chuyện với chúng tôi, bà Y Ngân không giấu được niềm xúc động: “Đó là niềm vinh dự của mình. Khi thấy mọi người nhất là các cháu học sinh trải nghiệm dệt, mình rất hạnh phúc. Chỉ cần ai muốn học là mình dạy ngay”. Bà Ngân cũng vui mừng kể rằng, sắp đến theo lời mời của sở VHTT&DL, bà sẽ tham gia dạy các lớp dệt thổ cẩm cho các thiếu nữ trong làng. “Thổ cẩm dù không dễ làm, tốn nhiều thời gian nhưng nó rất hay. Tôi chỉ mong muốn các cháu cố gắng học, giữ lại nghề của dân tộc mình là tôi vui mừng lắm rồi. Về phần tôi, dù mọi người không dệt tôi vẫn sẽ cố gắng sáng tạo, học cách pha màu để có những tấm vải đặc sắc hơn” – bà Ngân chia sẻ.
Chia tay những người đã gìn giữ hồn làng qua bao thế hệ với những đam mê đến vô bờ, tôi cảm nhận ở họ đã thấu hiểu được những giá trị văn hóa được kết tinh từ bao đời của cộng đồng làng, của dân tộc…Mong rằng, các cấp, ngành tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để các nghề truyền thống của bà con dân tộc nơi đây không bị mai một, là sản phẩm đặc trưng cho du khách tham quan.
Nguồn: ngochoi.kontum.gov.vn-HT