Thời gian qua, Hội LHPN huyện Đăk Tô đã chú trọng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế trong hội viên nhằm góp phần giúp cho hội viên tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Qua đó, nhiều mô hình đã phát huy được hiệu quả tích cực, góp phần thay đổi phương thức canh tác, nâng cao thu nhập cho hội viên ở cơ sở. Mô hình Tổ phụ nữ liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn ở khối phố 1 thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô là một trong những điển hình như thế.

Chị Trần Thị Khuyên là một trong những thành viên đầu tiên tham gia vào Tổ phụ nữ liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn ở khối phố 1, thị trấn Đăk Tô. Liên kết sản xuất với chị em phụ nữ trong chi hội, chị trồng duy nhất loại bí lấy ngọn và lấy quả. Khoảng 1 năm nay, sau khi trừ chi phí sản xuất và chi tiêu trong gia đình, bình quân mỗi tháng chị dư được khoảng 15 triệu đồng. Chị Khuyên chia sẻ: “Tham gia mô hình rau an toàn tôi thấy cũng có cái lợi, lợi là đi bán dễ dàng hơn ngày trước, bao tiêu sản phẩm thì Đăk Tô cũng dễ mà Ngọc Hồi cũng dễ, giá cả ổn định hơn ngày trước”.

Vợ của ông Nguyễn Duy Vui là hội viên chi hội Phụ nữ khối phố 1. Chính vì vậy gia đình ông đã tham gia vào Tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn. Từ khi tham gia vào tổ liên kết sản xuất, gia đình ông không còn lo ngại đầu ra của sản phẩm. Bình quân mỗi tháng vợ chồng ông thu được khoảng 15 triệu đồng từ công việc trồng ngò gai trên 2 sào đất canh tác. Ông Vui cho biết: “Mô hình của phụ nữ này làm có cái lợi là nó cơ cấu giống mỗi nhà một loại, từng nhà chuyên canh thì năng suất cao hơn. Khi tiêu thụ sản phẩm đưa ra thị trường cũng dễ dàng hơn bởi vì mỗi nhà một loại sản phẩm rồi”.

hieu-qua-mo-hinh-300x240

Tổ phụ nữ liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn ở khối phố 1, thị trấn Đăk Tô được thành lập năm 2017. Ban đầu tổ có 7 thành viên là hội viên phụ nữ trong chi hội tham gia liên kết sản xuất, với hơn 1,5 ha đất. Đến nay, Tổ đã có 10 thành viên liên kết sản xuất rau an toàn trên diện tích 2,5 ha đất. Tất cả các thành viên đảm bảo trồng rau theo quy trình rau an toàn nên đã tạo được thương hiệu, đầu ra sản phẩm được bao tiêu ổn định. Chính vì vậy, thu nhập trên diện tích đất canh tác của mỗi thành viên tăng cao hơn so với trước đây. Chị Bùi Thị Mai, Tổ trưởng nói: “Thành lập tổ rau an toàn như thế này chúng tôi rất là hài lòng, trước khi gieo trồng một đợt rau nào xuống chúng tôi họp lại, ví dụ như hộ này trồng loại rau này, hộ kia trồng rau kia, không trùng với nhau nên khi bán nó được giá hơn lúc trước chưa thành lập”.

“Trong hệ thống hội hiện nay có một mô hình rất hiệu quả và có tiếng vang trong 1 năm nay, đó là mô hình phụ nữ liên kết sản xuất rau an toàn ở khối 1 thị trấn Đăk Tô. Trong thời gian đến chúng tôi tiếp tục có chủ trương nhân rộng tiếp, hướng đến là xã Diên Bình và một số xã vùng đồng bào DTTS”. Bà Nguyễn Thị Như Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đăk Tô cho biết.

Đến thời điểm hiện nay, bình quân thu nhập của 10 thành viên tham gia Tổ liên kết sản xuất là trên 15 triệu đồng một tháng và đầu ra của nông sản luôn được bao tiêu với giá ổn định. Kết quả này đã góp phần nâng cao đời sống của gia đình thành viên tổ liên kết.

 Thanh Tùng – Công Luận

Nguồn: http://kontumtv.vn-HT