Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng đức tính tiết kiệm; đồng thời Người cũng chính là tấm gương điển hình trong việc thực hành tiết kiệm trong mọi công việc để hoàn thành các trọng trách mà Đảng và Nhân dân giao phó.

hình đong gạo

Hũ gạo tình thương – mô hình tiêu biểu về thực hành tiết kiệm của phụ nữ Đăk Hà trong thực hiện Chỉ thị 05. Ảnh: Tư liệu

Đức tính tiết kiệm và các câu chuyện về đức tính tiết kiệm của Bác thì cán bộ, đảng viên ai cũng biết, nhưng để thực hành, làm theo thì vẫn còn những hạn chế nhất định. Đâu đó, vẫn còn có những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn hời hợt trong thực hành tiết kiệm; còn lấy điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị ra bao biện cho những hạn chế, khuyết điểm của bản thân. Bài học thực hành về tính tiết kiệm, khắc phục mọi hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn để hoàn thành tốt công việc theo gương Bác không phải là mới nhưng vẫn còn nguyên giá trị và càng trở nên cấp thiết trong điều kiện nước ta còn nhiều khó khăn, một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống, vẫn còn tham nhũng, lãng phí.
Trong những năm tháng chiến đấu, mặc dù điều kiện vật chất vô cùng khó khăn, thiếu thốn nhưng Bác của chúng ta vẫn luôn lạc quan, tin tưởng và cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng. Những trang sử hào hùng của Đảng cũng được tô thắm từ những năm tháng khốn khó nhưng cũng vô cùng tươi đẹp đó. Sau này, việc coi “tiết kiệm là quốc sách” đã góp phần không nhỏ để xây dựng, phát triển kinh tế ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.
Ngày nay, tiếp tục thực hiện tư tưởng tiết kiệm của Bác, Đảng ta cũng luôn coi trọng chính sách tiết kiệm. Luật số 44/2013/QH13 thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và quy định của pháp luật trong các lĩnh vực đều khẳng định vai trò to lớn của chính sách tiết kiệm và chủ trương tiết kiệm của Đảng và Nhà nước trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều cán bộ, công chức chưa làm tốt việc tiết kiệm, còn lãng phí vật tư, văn phòng phẩm; sử dụng không hiệu quả trang thiết bị phục vụ công tác; dùng thời gian công để làm việc riêng… Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng đã khẳng định: “… tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng..” Thiết nghĩ, hơn lúc nào hết, để thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đưa các chủ trương, đường lối của Đảng đi vào cuộc sống, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra thì mỗi cán bộ, công chức cần nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò của việc tiết kiệm, nhất là tiết kiệm thời gian và của cải, công sức và trí tuệ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao theo gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ, công chức cần xác định rõ chức trách, nhiệm vụ của bản thân, có tinh thần tự giác tiết kiệm, tiết kiệm cả tiền bạc, thời gian, sức lao động để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao cho.
Để làm được đều đó, trước hết các cấp ủy đảng cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Kết luận số 10-KL/TW ngày 26-12-2016 của Bộ chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X)… sao cho mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần tư tưởng tiết kiệm trong cả suy nghĩ và hành động.
Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức – các “công bộc” của nhân dân cần nhận thức được rằng tất cả những thứ mình đang sử dụng đều là tiền của Nhà nước, của Nhân dân, do ngân sách nhà nước chi trả. Bởi thế, tiết kiệm là việc làm thiết thực nhất để nâng cao hiệu quả hoạt động của bản thân, của cơ quan. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần nâng niu quý trọng, bảo vệ và tiết kiệm những gì nhỏ nhất như tờ giấy, cây viết…
Mỗi cơ quan, đơn vị cần quy định rõ việc tiết kiệm trong nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; phải cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí của cơ quan, đơn vị mình; xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm cũng như những giải pháp, biện pháp cần thực hiện để đạt mục tiêu. Thủ trưởng các đơn vị cần coi việc quán triệt, giáo dục cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về thực hành đức tính tiết kiệm là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Tiết kiệm không dừng lại ở mặt vật chất, mà còn phải tiết kiệm cả thời gian, làm việc khoa học để tiết kiệm sức lao động, nâng cao số lượng và chất lượng công việc. Thực hành tiết kiệm phải đi vào chất lượng, tránh mang tính hình thức. Tiết kiệm là không hoang phí, không xa xỉ, không bừa bãi để đem lại hiệu quả thực sự chứ tiết kiệm không phải là bủn xỉn, tiết kiệm cho có.
Và một điều hết sức quan trọng để thực hiện thành công chính sách tiết kiệm chính là cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05- CT/TW về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Người đứng đầu, thủ trưởng đơn vị cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá để biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hành tốt việc tiết kiệm; đồng thời phê bình, có cơ chế xử lý đối với những hành vi lãng phí thời gian, tiền của của Nhà nước và Nhân dân.
Những đức tính mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi là cái gốc của đạo đức cách mạng đó là “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Trong đó tiết kiệm là một trong những nội dung luôn được Bác rất mực coi trọng. Bác tự hào về cuộc sống đầy ý nghĩa của người cách mạng. Và chúng ta ngày nay tự hào vì được làm việc trong một môi trường hòa bình, đất nước độc lập và được góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Để làm theo tấm gương tiết kiệm mà vẫn hoàn thành xuất sắc công việc được giao theo gương Bác đòi hỏi chúng ta phải học tập và rèn luyện từng ngày, trong từng công việc của mỗi người. Luật thực hành chống tiết kiệm, chống lãng phí thì đã có song dù luật có chặt chẽ đến mấy vẫn phải phụ thuộc vào ý thức của mỗi người. Chính vì vậy, mỗi cán bộ, công chức, nhất là mỗi lãnh đạo đơn vị cần tích cực thực hành tiết kiệm, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, trong khi Đảng và Nhà nước đang từng bước hiện đại hóa nền hành chính thì mỗi người luôn phải nêu cao tinh thần tiết kiệm từ vật chất cho tới thời gian, trí tuệ.. và luôn coi “tiết kiệm là quốc sách”.
Đào Thị Hiền
Nguồn: http://www.tuyengiaokontum.org.vn-HT