1. Trong văn hoá Hồ Chí Minh có một đặc trưng mang dấu ấn riêng, rất Hồ Chí Minh đó là phong cách ứng xử của Người. Phong cách đó cho chúng ta thấy chân dung của một vị lãnh tụ đồng thời cũng là một công bộc của nhân dân, vừa có uy lực lại vừa có sức cuốn hút kỳ lạ. Người vừa là nhà chính trị sáng suốt, vừa là nhà thơ mẫn cảm; khẩn trương như một chiến sĩ, thanh thản như một triết gia, mềm dẻo mà cương nghị, cao cả mà thiết thực, vô cùng giản dị mà lại rất mực thanh tao, quan tâm cái lớn, không quên cái nhỏ, thấy rừng và thấy cả từng cây, như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Con người giản dị, vĩ đại ấy cũng là người cực kỳ lịch sự, thanh tao, cao quý trong cách ứng xử với bạn bè quốc tế, với cụ già, phụ nữ, thanh niên và nhi đồng”.
Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh là hệ thống ứng xử xuyên suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, thể hiện tầm vóc trí tuệ lớn lao cùng tình cảm sâu sắc của Người; đa dạng, phong phú và hấp dẫn, trong đó nổi bật là tính nhất quán về mục tiêu, nguyên tắc ứng xử. Tính nhất quán về mục tiêu, nguyên tắc ứng xử trong phong cách ứng xử của Hồ Chí Minh có nguồn cội từ lịch sử tư tưởng và thực tiễn của dân tộc, mang dấu ấn thời đại và phẩm chất cá nhân cùng với quá trình tự rèn luyện, học hỏi vươn lên không ngừng của Người. Đó là sự hài hoà giữa văn hoá ứng xử phương Đông, phương Tây, trong đó hạt nhân chủ yếu là mục đích vì nhân dân, vì dân tộc mình nói riêng và nhân loại tiến bộ nói chung.
Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước đau thương dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phong kiến, ngay từ tuổi ấu thơ, Hồ Chí Minh đã trực tiếp chứng kiến bao cảnh cơ hàn của người dân mất nước và sự tàn ác vô nhân đạo của thực dân phong kiến. Điều đó đã thôi thúc Người quyết ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân tộc khỏi cảnh lầm than. Ngày 5/6/1911, trên chuyến tàu Amiral Latouche Tréville, người thanh niên Nguyễn Tất Thành với tên gọi mới là Văn Ba cùng hành trang là ý chí và nghị lực phi thường đã rời bến cảng Nhà Rồng bắt đầu những ngày tháng bôn ba tìm đường cứu nước. Trên hành trình đó, Người đi khắp châu Âu, châu Phi, châu Mỹ. Ở bất cứ nơi đâu khi đặt chân đến, Người đều tìm hiểu, đánh giá, học tập, để mong tìm con đường đi đúng cho dân tộc. Người đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin (năm 1920), truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam và sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1930) và lãnh đạo nhân dân Việt Nam lật đổ chủ nghĩa thực dân và phong kiến tay sai, giành độc lập cho đất nước, tự do cho nhân dân (năm 1945)… Có thể khẳng định rằng, dù ở bất kỳ nơi đâu, trên bất kỳ cương vị nào, mục tiêu cuối cùng mà Người phấn đấu, hy sinh suốt cuộc đời luôn luôn là độc lập dân tộc và ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Đây cũng chính là mục tiêu trong văn hoá ứng xử Hồ Chí Minh.
Khi đã ở trên cương vị Chủ tịch nước, trả lời phỏng vấn các nhà báo nước ngoài năm 1946, Người nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[1]. Mục tiêu nhất quán đó đã chi phối nguyên tắc ứng xử của Hồ Chí Minh trong mọi hoàn cảnh, điều kiện. Nguyên tắc nổi bật nhất của Bác là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tức là lấy cái kiên định, vững vàng để ứng phó với mọi biến cố. Ngày 31/5/1946, trước khi đi Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với Cụ Huỳnh Thúc Kháng: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong Cụ dĩ bất biến, ứng vạn biến”[2]. Tinh thần dĩ bất biến, ứng vạn biến không chỉ được Hồ Chí Minh ứng dụng trong một thời gian, một hoàn cảnh nhất định, mà thực sự trở thành phong cách ứng xử khoa học mà Người vận dụng ở mọi hoàn cảnh. Cái bất biến của Người là độc lập, tự do, ấm no hạnh phúc cho đồng bào, sự giàu mạnh của đất nước; là việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh và cái bất biến đó còn là lẽ phải, là chân lý của nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới nói chung.
Hồ Chí Minh từng nói: “Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”[3], vì vậy không chỉ đấu tranh để thực hiện khát vọng ấy, mà khi thời cơ giành chính quyền đến, Người nhấn mạnh quyết tâm: “Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” [4]. Còn nhớ, năm 1946, trên đường từ Pháp về Việt Nam đến vùng biển Cam Ranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được bức điện của Đô đốc D’ Argenlieu xin gặp Người trong cảng, mục đích của chúng là diễu võ dương oai để uy hiếp tinh thần Người. Trong bộ quần áo giản dị, Người ngồi giữa một bên là Đô đốc hải quân Pháp, bên kia là Thống soái lục quân Pháp ở Viễn đông với những bộ quân phục sáng loáng các thứ bội tinh, quân hàm, quân hiệu. D’ Argenlieu mời Người giọng mỉa mai bóng gió: “Thưa Chủ tịch, ngài đang bị khung lại giữa lục quân và hải quân đó”. Ông ta cố nói theo kiểu nhát gừng, từng tiếng một và nhấn mạnh chỗ “đang bị đóng khung lại”. Cả bọn sĩ quan Pháp cùng cười ồ khoái chí vì cái tài “chơi chữ” của chỉ huy. Nhưng Bác Hồ thản nhiên cười, trả lời: “Nhưng như ngài biết đó, thưa Đô đốc, chính bức họa mới làm cho khung có chút giá trị”[5]. Bất ngờ và cay cú trước tài ứng xử thông minh của Người, cả hai không dám nói xách mé nữa mà tỏ ra rất lịch lãm và kính phục Người. Đây là bản lĩnh Hồ Chí Minh, cũng chính là phong cách ứng xử đầy trí tuệ của vị Chủ tịch nước Vệt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sau này, trước âm mưu chia cắt đất nước của kẻ thù, Hồ Chí Minh vẫn khẳng định: Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một và “sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó vẫn không bao giờ thay đổi” [6]. Độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, tự do hạnh phúc của nhân dân là mục đích và cũng là “ham muốn tột bậc”, là khát vọng lớn lao mà Hồ Chí Minh và cả dân tộc Việt Nam phấn đấu. Khi đế quốc Mỹ mở rộng phạm vi ném bom ra miền Bắc và Hà Nội nhằm “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”, Hồ Chí Minh đã khẳng định rõ quyết tâm của cả dân tộc ta: “Giônxơn và bè lũ phải biết rằng: chúng có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa… Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”[7]…
2. Trong thực tiễn hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh thực hành theo nguyên tắc “dĩ bất biến” nhưng phải “ứng vạn biến”; trong đó, “ứng vạn biến” nhưng không xa rời, vứt bỏ cái bất biến – đó chính là tinh thần biện chứng trong phong cách ứng xử Hồ Chí Minh. Độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, tự do hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu đấu tranh của mọi người Việt Nam yêu nước, của cả dân tộc Việt Nam và mục tiêu đó là bất biến. Nhận thức sâu sắc rằng, con đường đi đến độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc, phát triển bền vững còn đầy khó khăn gian khổ, hy sinh, Hồ Chí Minh đã luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; giành thắng lợi từng phần để tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Trong mỗi bước đi lên, cách mạng phải đối phó với muôn vàn sự biến đổi, đòi hỏi lý trí sáng suốt, tỉnh táo, nhạy bén, chủ động thay đổi cách thức đấu tranh phù hợp với những điều kiện lịch sử cụ thể theo phương châm “biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”. Nhưng mọi sự “ứng vạn biến” trong từng thời điểm và mỗi thời kỳ nhất định không được làm tổn hại đến “cái bất biến”, tức là mục tiêu lâu dài đã được xác định. Nguyên tắc ứng xử “dĩ bất biến, ứng vạn biến” này của Hồ Chí Minh là hoàn toàn phù hợp với quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong đấu tranh cách mạng phải giành cho được thắng lợi trong từng mục tiêu cụ thể của từng bước đi lên, nhưng lại không thể chỉ biết có mục tiêu trước mắt mà quên mục tiêu lâu dài, không thể hy sinh mục tiêu lâu dài chỉ vì mục tiêu trước mắt.
Trong đấu tranh cách mạng đôi khi có thể có những điều cần thoả hiệp, nhưng thoả hiệp phải có nguyên tắc và tuyệt đối không được từ bỏ nguyên tắc trong khi thương lượng với kẻ thù. Hồ Chí Minh khẳng định: Không có ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin thì cách mạng không có đường ra; không có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản với đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn thì cách mạng không thể đi đến thắng lợi. Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nòng cốt, có nghĩa là “phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác-Lênin; học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta… Không phải học thuộc lòng từng câu, từng chữ… Khi vận dụng thì bổ sung, làm phong phú thêm lý luận bằng những kết luận mới rút ra từ thực tiễn cách mạng nước ta” [8]. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh đã vận dụng nguyên tắc này như một phương châm xử thế. Người đã vượt qua mọi thử thách đối với bản thân cũng như chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những giai đoạn khó khăn. Có lúc Người kiên quyết giữ vững lập trường, có khi lại mềm mỏng lùi một bước, nhưng cuối cùng mục tiêu nhất quán mà trọn đời Người phấn đấu vẫn là độc lập thống nhất hoàn toàn cho Tổ quốc và tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Nhớ lại những ngày sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, nhà nước dân chủ nhân dân do Hồ Chí Minh đứng đầu đã phải đương đầu với bao thế lực thù trong giặc ngoài đang âm mưu bóp chết chính quyền cách mạng non trẻ. Đó là 20 vạn quân Tưởng tràn vào miền Bắc để giải giáp quân Nhật, là quân Anh vào tước vũ khí quân Nhật ở miền Nam và theo sau là quân Pháp muốn trở lại chiếm nước ta một lần nữa. Đó là bọn Việt quốc, Việt cách bám gót quân Tưởng về nước chống phá cách mạng, là bọn tay sai của thực dân, bọn địa chủ phong kiến phản cách mạng… Trong bối cảnh đất nước đang ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Hồ Chí Minh đã phân hoá và lần lượt gạt bỏ từng kẻ thù. Bác chủ trương hoà với Tưởng để đối phó với Pháp ở miền Nam, sau đó lại tạm hòa với Pháp để đuổi Tưởng ra khỏi miền Bắc, và như vậy là đuổi luôn bọn Việt quốc, Việt cách theo đuôi quân Tưởng. Còn lại kẻ thù chính là thực dân Pháp, Hồ Chủ tịch lại có sách lược “hoà để tiến” bằng Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 và sau đó là Tạm ước ngày 14/9/1946 nhằm tạo thời gian củng cố lực lượng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Hiệp định Sơ bộ là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo, một mẫu mực tuyệt vời của sách lược Lêninít về lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ địch và về nhân nhượng có nguyên tắc. Như vậy, với những sách lược ngoại giao tài tình, sáng suốt Hồ Chí Minh đã chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua được tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” trong những năm đầu của chính quyền cách mạng non trẻ, đưa cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên giành những thắng lợi mới. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng kể: “Lúc nào, Bác cũng ung dung, bình tĩnh, nhìn xa, thấy rộng. Trước ngày quân Tưởng sang, Bác nói: bọn ấy sang thì chẳng tử tế gì đâu. Chúng sẽ ăn bám, báo hại, đưa bọn phản động về phá ta, làm nhiều điều chướng tai, gai mắt. Phải có gan nhẫn nhục, phải khôn khéo và luôn luôn tỉnh táo. Cái gì cho, cái gì không cho, phải có đối sách thích hợp. Bác thường nói: – Chính sách của ta hiện nay phải là chính sách Câu Tiễn. Nhưng nhẫn nhục không phải là khuất phục… Nhưng không phải Bác chỉ có một mặt mềm dẻo. Khi cần, Bác lại rất kiên quyết. Một hôm Lư Hán hạch thêm gạo. Chúng ta vừa mới qua một nạn đói do Pháp – Nhật gây ra, nạn đói giết hơn hai triệu đồng bào. Việc tăng gia sản xuất chưa được đẩy mạnh, thóc lúa chưa được là bao, nhân dân còn chưa đủ ăn. Bác trả lời Lư Hán không có gạo. Một viên tướng của Lư Hán nói không có gạo thì sẽ dùng vũ lực. Bác bình tĩnh trả lời: – Ông muốn làm gì cũng được. Nhưng tôi không thể cho ông nhiều gạo hơn nữa để dân tôi chết đói. Trước thái độ kiên quyết ấy, Lư Hán phải đấu dịu…”[9]. Trong lời căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi đi chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thể hiện nguyên tắc “dĩ bất biến”: trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh, nhưng vẫn thống nhất trong tinh thần “ứng vạn biến”: Tổng Tư lệnh ra mặt trận, “Tướng quân tại ngoại”! Trao cho Chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau…
Về phong cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một phóng viên người Pháp nhận định: “Mềm dẻo hay kiên quyết khi cần thiết, nhưng bao giờ cũng tự chủ và vẫn giữ phong thái Việt Nam, Ông biết đương đầu với những biến động chính trị và lịch sử, đem cái sức toả sáng phi thường và vô vàn đức tính cao quý của Ông phục vụ sự nghiệp mà Ông là hiện thân”[10]. Như vậy, cái bất biến ở đây là tinh thần cách mạng, khoa học, phương pháp, quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, còn cái vạn biến là dùng tinh thần cũng như lập trường quan điểm, phương pháp đó để soi rọi vào thực tế, phân tích để nhận thức đúng thực tế, giải quyết những vấn đề mà thực tế đặt ra. Sự kết hợp hai vấn đề đó một cách hài hoà ở Hồ Chí Minh đã đưa nghệ thuật ứng xử của Người lên tầm cao của nhân loại, đồng thời tạo nên dấu ấn riêng biệt trong văn hoá ứng xử Hồ Chí Minh.
3. Suốt đời đấu tranh cho tự do, hạnh phúc của con người nhưng đối với bản thân, Hồ Chí Minh thực hành một triết lý sống thanh khiết, giản dị, gắn bó với nhân dân và yêu thương con người chi phối ứng xử của Người đối với mỗi đối tượng, mỗi hoàn cảnh. Khi đi chỉ đạo kháng chiến phải hành quân trong rừng sâu, Người sống hòa mình với nhân dân, chiến sĩ, mang cơm đùm, cơm nắm, trèo đèo lội suối cùng ăn, cùng ở, cùng hoạt động cách mạng với bộ đội. Khi về Thủ đô Hà Nội, Người làm việc trong căn nhà sàn đơn sơ, bộ quần áo ka ki, đôi dép cao su và những vật dụng sinh hoạt như của một người bình thường. Bởi theo Người, trong khi cuộc sống của nhân dân còn khó khăn, người lính ở chiến trường còn thiếu quần áo rét, người lao động còn thiếu ăn thì người lãnh đạo làm sao có thể tách mình ra, đặt mình lên thụ hưởng cuộc sống sung sướng, đủ đầy…
Trong công tác xây dựng Đảng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, bđảng viên, phong cách ứng xử của Người cũng thấm đẫm tinh thần nhân văn. Đó là khi tự phê bình và phê bình phải góp ý cho nhau một cách thẳng thắn, có tính xây dựng, vì mục đích, lợi ích chung chứ không vì quan điểm cá nhân mà trù dập, công kích, kéo bè, kéo cánh, nói xấu, hạ bệ lẫn nhau. Đối với cán bộ, đảng viên có lỗi, Hồ Chí Minh bao giờ cũng mong muốn và tạo điều kiện cho họ sửa chữa lỗi lầm vì theo Người: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, trừ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đạp cho tơi bời”…
Chân dung nhà văn hoá Hồ Chí Minh được thể hiện rất chân thực, sinh động, cụ thể qua phong cách ứng xử vừa bản lĩnh, trí tuệ, uyên bác vừa mềm dẻo, linh hoạt và tình cảm sâu sắc của Người. Phong cách ứng xử đạt đến tầm nghệ thuật của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống đạo lý tốt đẹp của gia đình, của quê hương, đất nước và văn hoá nhân loại mà đỉnh cao là chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp với tinh thần quốc tế vô sản trên nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Tính nhất quán về mục tiêu, nguyên tắc trong phong cách ứng xử của Hồ Chí Minh phản ánh nhân cách vĩ đại của người Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất luôn vì nhân dân phục vụ, gắn bó máu thịt với nhân dân. Tính nhất quán trong phong cách ứng xử Hồ Chí Minh là sự chân thành bình dị, tự nhiên, trong vắt như suối tận nguồn của một tâm hồn đại trí, đại nhân, đại dũng; không phải là “nghệ thuật xã giao” được gò theo những nguyên tắc định sẵn, càng không phải là những “xảo thuật xử thế” giả dối để mua chuộc lòng người, mà đó là sự “kết tinh của truyền thống văn hoá hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau của các dân tộc” [11]; hướng con người đến chân, thiện, mỹ.
Phong cách Hồ Chí Minh nói chung, phong cách ứng xử Hồ Chí Minh nói riêng là tài sản tinh thần vô giá của Đảng, dân tộc ta; là tấm gương sáng để mỗi người có thể học tập và noi theo. Vì vậy, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” chính là một giải pháp quan trọng, thiết thực góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Thông qua việc học tập và làm theo phong cách ứng xử của Người, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý khắc phục những hạn chế yếu kém khi ứng xử trong công tác và cuộc sống đời thường, thực hiện có hiệu quả lời nói đi đôi với làm, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống giản dị trong sáng, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân… để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó./.
Nguồn: www.tuyengiao.vn-HT
————-
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.12, tr.501
[2] Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.216
[3] T.Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb Sự thật, Hà Nội,1976, tr.15
[4] Đoàn Văn Chúc: Xã hội học văn hoá, Viện văn hoá và Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội, 1997, tr38
[5] Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.4, tr.246
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.12, tr.108
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.8, tr.497
[9] Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.1, tr.234
[10] Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh
[11] Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.5-6