Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2017-2022), từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh đã chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nắm bắt dư luận xã hội nhằm tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ trong tỉnh phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Liên cho biết: Nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ trong việc phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc, từ đầu nhiệm kỳ 2017-2022 đến nay, Hội đã phối hợp với Trường Chính trị tỉnh, Sở Nội vụ tổ chức 19 lớp tập huấn (có 1.135 chị tham gia); phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai bồi dưỡng kỹ năng cho phụ nữ 5 xã biên giới theo Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; thiết lập nhóm công tác trên zalo, sử dụng tin nhắn viễn thông, email… phục vụ công tác chỉ đạo, định hướng nắm bắt tư tưởng và dư luận xã hội, đồng thời cung cấp thông tin 2 chiều từ tỉnh đến cơ sở.
Thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, Hội đã gắn việc triển khai 2 mô hình: “5 hộ trong 1 xã” và “Làng phụ nữ dân tộc thiểu số nông thôn mới” với mô hình ‘‘Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch”. Qua đó, hàng năm, toàn tỉnh đã có 523 hộ được giúp đỡ đạt vững chắc 8 tiêu chí và 549 hộ được hỗ trợ thoát nghèo theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều.
Thực hiện Cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ: Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang” và Chỉ thị số 05/CT-TW của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, toàn tỉnh đã có 100% huyện hội, thành hội, hội đơn vị trực thuộc và 102 cơ sở hội với trên 300 cán bộ hội chuyên trách và 98.627 hội viên, phụ nữ được tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng. Hàng loạt mô hình mới được triển khai, như: “Treo ảnh Bác Hồ” ở các huyện Đăk Hà, Kon Plông, Kon Rẫy; “Chi hội trưởng nói lời hay, làm việc tốt” ở huyện Kon Rẫy; “Gia đình học tập, dòng họ học tập”, “Tổ phụ nữ tương thân, tương ái” ở thành phố Kon Tum; “Biến rác thành tiền” ở huyện Ngọc Hồi; “Tiết kiệm xoay vòng” ở huyện Kon Plông…
Gian hàng của phụ nữ huyện Ngọc Hồi khởi nghiệp. Ảnh: TVP
Về vấn đề “Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm”, các cấp hội toàn tỉnh đã tổ chức 369 buổi tuyên truyền với 24.755 lượt người tham dự; 306 buổi sinh hoạt chi hội/tổ phụ nữ với 21.536 lượt người tham dự; mở 10 lớp tập huấn cho 500 hội viên phụ nữ. Thông qua các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo gắn với an toàn thực phẩm, các cấp hội đã xây dựng các tiểu mô hình như: trồng chanh; nuôi giun quế làm thức ăn cho cá tầm và cá hồi; nuôi heo sọc dưa, nuôi heo địa phương; trồng rau sạch… Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập mới 48 mô hình câu lạc bộ và có hàng ngàn phụ nữ tham gia, đồng thời vận động 1.061 hội viên, phụ nữ là hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh buôn bán ký cam kết tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm.
Một nội dung được các cấp hội đặc biệt quan tâm triển khai là “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Theo đó, đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ và cộng đồng, đồng thời tổ chức Hội thi “Phụ nữ với cải cách hành chính và thực hiện năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em gái 2019” tại 100% số huyện, thành phố trong tỉnh; mở 1 lớp tập huấn và 2 cuộc truyền thông tại huyện Kon Rẫy.
Riêng năm 2018, toàn tỉnh đã có 34.452 bà mẹ có con dưới 16 tuổi được tập huấn hoặc tuyên truyền kiến thức về nuôi dạy con tốt, sinh con đúng chính sách dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn và các kiến thức xã hội khác.
Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Hội LHPN tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức đã nhận được sự tham gia, ủng hộ tích cực của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Các cấp hội đã tổ chức 2 mô hình: “Giáo dục cha mẹ” và “Phụ nữ chung tay cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ an ninh biên giới quốc gia gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường” tại xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) và 2 xã Đăk Blô, Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei); tuyên truyền về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 120 hội viên phụ nữ tại 2 huyện Sa Thầy, Đăk Glei; trao tặng 5 ngôi nhà “Mái ấm tình thương”, 2 bộ máy vi tính kèm máy in, 10 xe đạp, 10 nhà vệ sinh giá rẻ, 150 bộ quần áo cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi; tặng 21 bò giống sinh sản và quà các loại cho hàng trăm phụ nữ nghèo các xã Đăk Long, Đăk Nhoong, Đăk Blô (huyện Đăk Glei), Rờ Kơi, Mô Rai (huyện Sa Thầy) với tổng trị giá trên 754 triệu đồng…
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Liên khẳng định: Nhờ tập trung tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ trong tỉnh phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc tốt, nên đến nay, các cấp hội trong tỉnh đã giới thiệu được 610 gương điển hình tiên tiến, mô hình hay về tất cả các lĩnh vực; trong đó có 209 tập thể, mô hình, cách làm hay và 401 cá nhân phụ nữ điển hình. Qua tổng hợp điều tra dư luận xã hội cho thấy, 68,55% phụ nữ trong tỉnh đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2017-2022) đã khơi dậy tinh thần học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc và 63,95% phụ nữ đánh giá đã góp phần nâng cao đời sống về vật chất, tinh thần cho hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh.
Các cấp hội đã vận động các tổ chức, cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ủng hộ xây dựng mới, sửa chữa 65 mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo gần 2,7 tỷ đồng. Trong đó, cấp tỉnh xây 21 căn với tổng trị giá 1,065 tỷ đồng, cấp huyện xây mới 23 căn và sửa chữa 25 căn với tổng trị giá hơn 1,6 tỷ đồng…
Hà Nguyên. Nguồn: http://baokontum.com.vn-HT