Kon Tum là một tỉnh nghèo, miền núi, biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm khoảng 54 % , đời sống của người dân nói chung, của hội viên, phụ nữ nói riêng nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Việc triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đối với các cấp Hội phụ nữ là lĩnh vực mới; trong khi đó, kiến thức về khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh cũng như việc xây dựng ý tưởng khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ (nhất là phụ nữ DTTS) còn hạn chế, nhiều chị em chưa biết đến khởi nghiệp, còn rất lúng túng trong lựa chọn và xây dựng ý tưởng khởi nghiệp.

Xuất phát từ thực trạng nêu trên, để tiếp tục triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2025” đạt hiệu quả trong thực tế, trong năm 2019, Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh Kon Tum đã chọn vấn đề còn đang tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực khởi nghiệp để tập trung các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, năng lực và kiến thức cho hội viên, phụ nữ tỉnh Kon Tum (tập trung vào đối tượng phụ nữ DTTS) để hỗ trợ phụ nữ biết cách lựa chọn và xây dựng ý tưởng khởi nghiệp, như:

Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã đưa chỉ tiêu về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh thành tiêu chí đánh giá thi đua trong hệ thống Hội từ tỉnh đến cơ sở. Ngay từ đầu năm, đã tổ chức phát động viết ý tưởng khởi nghiệp trên toàn tỉnh; tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ, đã xây dựng chuyên mục “Phụ nữ khởi nghiệp” trên Trang thông tin điện tử và Tờ thông tin Phụ nữ Kon Tum; tuyên truyền đậm nét trên các trang mạng xã hội của Hội với hàng trăm lượt tin, bài về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; vai trò, trách nhiệm của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế của địa phương, phối hợp Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum thường xuyên đăng, phát tin, bài về các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của các cấp Hội; tuyên truyền, biểu dương 71 điển hình phụ nữ khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh, các mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi.

Trong năm 2019, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 15 lớp tập huấn (mời giảng viên của Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum tham gia) hướng dẫn về xây dựng ý tưởng khởi nghiệp, kế hoạch kinh doanh cho 500 hội viên, phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp, trong đó có 350 chị là dân tộc thiểu số, chiếm 70% nhu cầu hội viên, phụ nữ khởi nghiệp.

13

 Giảng viên Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tập huấn

xây dựng ý tưởng khởi nghiệp cho hội viên, phụ nữ tỉnh Kon Tum

Trên cơ sở các ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ tham gia xét chọn năm 2019, Hội LHPN tỉnh đã thành lập Hội đồng xét chọn ý tưởng khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh của hội viên, phụ nữ (mời Sở Kế hoạch và Đầu tư, Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh tham gia Hội đồng), xây dựng quy trình xét chọn ý tưởng khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh năm 2019 và tiến hành xét chọn được 14/26 ý tưởng khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh của phụ nữ trên địa bàn toàn tỉnh, công bố tại Ngày Phụ nữ khởi nghiệp năm 2019 (tháng 3/2019) và đưa vào kế hoạch hỗ trợ phát triển và hiện thực hóa. Đồng thời, lựa chọn một số ý tưởng xuất sắc để tham gia Cuộc thi “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” do TW Hội LHPN Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức, đã có 04/35 ý tưởng khởi nghiệp đạt giải (là tỉnh có số lượng ý tưởng đạt giải nhiều nhất trong cuộc thi này).

 Hội LHPN tỉnh đã kết nối, huy động các nguồn lực để hỗ trợ hiện thực hóa 19 ý tưởng khởi nghiệp (đều là các ý tưởng của hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số) thông qua hình thức thành lập 32 mô hình phát triển kinh tế tập thể (TLK/THT/HTX) với tổng số vốn hỗ trợ là 3.886 triệu đồng; giúp 315 phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

liên 1

Hội LHPN tỉnh trao vốn hỗ trợ phụ nữ DTTS khởi nghiệp

Kết quả hỗ trợ hội viên, phụ nữ lựa chọn và xây dựng ý tưởng khởi nghiệp, phát triển và hiện thực hóa của Hội LHPN tỉnh Kon Tum đã bước đầu thay đổi nhận thức, tư duy của phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số trong việc lựa chọn ý tưởng khởi nghiệp phù hợp với khả năng và phát huy lợi thế ngay tại quê hương mình, đồng thời biết cách xây dựng kế hoạch kinh doanh, mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để khởi nghiệp, từng bước thay đổi thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên để trao đổi kinh nghiệm và hợp tác liên kết phát triển sản xuất; tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật để khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh… Đồng thời, sẽ là nền tảng để triển khai hiệu quả Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo, cũng như góp phần thu hút, tập hợp phụ nữ tham gia hoạt động Hội và phong trào phụ nữ tại địa phương.

                                                                                                Bài và ảnh: Thu Hà-PL-HT