Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã tập triển khai hỗ trợ và xây dựng nhiều mô hình giúp phụ nữ trên địa bàn tỉnh khởi nghiệp hiệu quả, từng bước nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống góp phần đạt mục tiêu chung của Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Chính phủ và Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017-2020.

rs

Phụ nữ xã Đăk Long trồng rau sạch phát triển kinh tếgia đình. Ảnh: Tư liệu

Được thành lập năm 2016, mô hình nuôi gà siêu trứng đảm bảo An toàn vệ sinh thực phẩm của Chi hội phụ nữ tổ 10, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum đã phát huy hiệu quả tích cực. Các hội viên khi tham gia mô hình được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển chăn nuôi và hỗ trợ về kỹ thuật phòng chống dịch bệnh. Đến nay, 9 thành viên tham gia mô hình đều có nguồn thu nhập ổn định.
Trong năm 2017, Hội LHPN tỉnh đã tiến hành khảo sát thực tế và thành lập 2 mô hình tổ liên kết phụ nữ dân tộc thiểu số trồng sâm dây tại xã Ngọc Linh và xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei, với 59 hội viên phụ nữ đăng ký tham gia mô hình. Trong đó, Hội LHPN tỉnh hỗ trợ cho 26 hội viên phụ nữ nghèo, mỗi hội viên 50 kg giống sâm dây, tổng trị giá 130 triệu đồng.
Từ diện tích 5 ha ban đầu, đến nay đã tăng lên gần 7 ha; có thêm 15 hộ dân chủ động trồng sâm dây thay thế các loại cây trồng có giá trị kinh tế thấp hơn và có nguyện vọng đăng ký tham gia mô hình do Hội LHPN tỉnh thành lập. Hiện nay, diện tích trồng sâm dây của các mô hình đã bắt đầu đến mùa thu hoạch, giá bán bình quân từ 100 ngàn đến 180 ngàn đồng/kg tươi.
Nhằm giúp chị em tự tin hơn trên bước đường khởi nghiệp, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động, phong trào giúp hội viên vượt qua mọi khó khăn để khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Hội đã chỉ đạo các cấp hội thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững; trong đó tập trung nâng cao chất lượng tín dụng, cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả và thực hiện đầy đủ trách nhiệm hoàn trả.
Đến nay, tổng dư nợ Hội nhận ủy thác với NHCSXH là hơn 885 tỷ đồng, tăng 70 tỷ đồng so với năm 2016, có 654 tổ vay vốn, hơn 26.390 hộ vay; phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT tạo điều kiện cho 118 hội viên vay với số tiền hơn 06 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục ý thức tiết kiệm, vận động thực hành tiết kiệm, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tiết kiệm tại chi/tổ; các cấp Hội đã thành lập được hơn 2.430 tổ, có hơn 47.460 hội viên phụ nữ tham gia với số tiền hơn 38 tỷ đồng, giúp cho 2.460 phụ nữ nghèo vay phát triển kinh tế gia đình.
Hội cũng thường xuyên phối hợp với các ngành tổ chức tư vấn nghề nghiệp, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp cho các hội viên phụ nữ có điều kiện thuận lợi và mạnh dạn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gia đình.
Đến nay, toàn tỉnh có 30 mô hình tổ hợp tác và tổ liên kết với hơn 2.000 hội viên phụ nữ tham gia. Song song với việc nâng cao chất lượng và phát triển các mô hình tổ liên kết, tổ hợp tác, trong năm 2017, Hội LHPN các cấp đã huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ cho 80 hội viên phụ nữ khởi nghiệp, với số tiền hơn 254 triệu đồng, và 10.000 cây giống các loại.
Riêng cấp tỉnh đã vận động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh hỗ trợ cho 40 hội viên phụ nữ khởi nghiệp với tổng số tiền 220 triệu đồng, trong đó hỗ trợ cho 35 chị trồng sâm dây, 5 chị được hỗ trợ giống bò, dê sinh sản.
Đặc biệt, trong tháng 1/2018, Hội LHPN tỉnh đã kết nối với Hội nữ doanh nhân thành phố Hồ Chí Minh tiến hành khảo sát tại mô hình tổ liên kết phụ nữ trồng sâm dây tại 2 xã Mường Hoong và Ngọc Linh, huyện Đăk Glei để có định hướng hỗ trợ tiếp tục nhân rộng mô hình trong thời gian tới.
Nhằm tiếp tục thúc đẩy phong trào và khơi dậy tinh thần, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ tham gia phong trào khởi nghiệp và hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, dự án khởi nghiệp của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ làm chủ, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” và đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Với mục tiêu trong giai đoạn 1 từ 2017 – 2020 sẽ hỗ trợ 100 dự án, ý tưởng của phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; hỗ trợ thành lập 04 tổ hợp tác và 02 hợp tác xã do phụ nữ quản lý; tư vấn, hỗ trợ thành lập 02 doanh nghiệp do nữ làm chủ; xây dựng thí điểm 06 mô hình tuyên truyền tại cộng đồng tại 04 địa phương.
Giai đoạn 2 từ 2021 – 2025 sẽ hỗ trợ 200 dự án, ý tưởng của phụ nữ về khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; hỗ trợ thành lập 10 tổ hợp tác và 05 hợp tác xã do phụ nữ quản lý; tư vấn, hỗ trợ thành lập 10 doanh nghiệp do nữ làm chủ…
Đối tượng được hỗ trợ là phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; phụ nữ có nhu cầu khởi sự kinh doanh; các tổ hợp tác/ hợp tác xã, doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ làm chủ. Ưu tiên phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ nghèo làm chủ hộ sống tại địa bàn khó khăn, địa bàn chuyển đổi đất nông nghiệp. Khi đề án được phê duyệt sẽ là điều kiện để các hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh thực hiện khởi nghiệp thuận lợi hơn.
Với những kết quả bước đầu trong việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thời gian đến, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục kết nối nguồn lực từ các chương trình, dự án của các cấp, ngành để giúp chị em có điều kiện phát triển kinh tế, không chỉ thoát nghèo mà vươn lên làm giàu chính đáng. Tin rằng, từ hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và sự vào cuộc của các cấp, ngành sẽ tiếp thêm nguồn lực để các chị em phụ nữ trên địa bàn tỉnh khởi nghiệp thành công./.
CTV Dương Nương-PL-HT