Nhận thấy người tiêu dùng ngày càng quan tâm và có nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm sạch, bắt đầu từ đầu năm 2017, gia đình chị Phạm Thị Tuyến ở thôn 13- xã Đăk Ruồng- huyện Kon Rẫy đã mạnh dạn xây dựng mô hình chăn nuôi heo sạch. Bước đầu, mô hình đã tạo ra sản phẩm thịt sạch, an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ cung cấp ra thị trường trong và ngoài huyện.

mo hinh nuoi heo

Mô hình nuôi heo sạch của gia đình chị Tuyến có quy mô 1,2ha với 300 con heo

Trải qua không ít lần lao đao vì giá cả thị trường bấp bênh, gia đình chị Phạm Thị Tuyến ở thôn 13 xã Đăk Ruồng vẫn kiên trì bám trụ với nghề nuôi heo đến nay đã gần 20 năm. Trước đây, gia đình chị chủ yếu nuôi heo nái để bán heo giống và một số ít heo thịt theo phương pháp công nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 2016, giá heo hơi trên thị trường xuống thấp, việc tiêu thụ trở nên khó khăn, bàn qua tính lại, vợ chồng chị quyết định chuyển sang mô hình nuôi heo thịt theo phương pháp hữu cơ.

Chị Phạm Thị Tuyến chia sẻ: “Thứ nhất là vì sức khỏe của gia đình và người thân, mình nuôi sạch thì ăn sản phẩm sạch. Thứ hai là tôi cũng muốn đưa ra thị trường cho người dân tin tưởng tiêu dùng sử dụng những sản phẩm an toàn”.

Hiện nay, trang trại của gia đình có quy mô trên diện tích đất hơn 1,2ha,  nuôi khoảng 300 con heo từ heo nhỏ đến lớn. Các khu vực nuôi được chia tách riêng biệt gồm khu nuôi heo nái, heo con mới tách mẹ, heo nhỡ, heo thịt. Riêng khu nuôi heo thịt được phân ra từng chuồng tương đương với từng độ tuổi, trọng lượng heo. Bên cạnh đó, hệ thống chuồng trại được thiết kế khoa học, thoáng mát, có hệ thống phun sương đảm bảo thoáng về mùa hè.

Để thuận tiện trong việc chăm sóc đàn heo, gia đình chị còn sử dụng máy tự động trộn thức ăn, giúp kiểm soát liều lượng nguyên liệu như bắp, khô đậu tương, cám gạo… Thức ăn được nấu bằng máy sục hơi hiện đại. Hàng ngày, chuồng trại và đàn heo đều được công nhân vệ sinh, chăm sóc kỹ lưỡng.

Chị Tuyến cho biết thêm: Từ đầu năm tôi mới triển khai nuôi và khai thác giun quế phục vụ nuôi cho heo, vì giun quế có 70% là đạm và protein, đảm bảo đạm cho heo. Và nuôi heo bằng nguyên liệu bắp, đậu nành và cám gạo. Đó là một quy trình. Còn một quy trình là tôi đang thử nghiệm là nuôi, ủ hoàn toàn bằng men vi sinh, không nuôi giun quế để thử chất lượng thịt cái nào ngon hơn, nhưng mà tôi đảm bảo 100% heo nuôi không có cám công nghiệp và đảm bảo 100% không thuốc kháng sinh vì chăn nuôi của tôi đã kiểm soát nghiêm ngặt”.

Thức ăn toàn bộ sử dụng các loại thức ăn tự nhiên như cám gạo, bắp, bã mỳ, đậu tương. Ngoài ra, gia đình còn trồng thêm chuối, khoai môn để bổ sung chất xơ cho heo. Để bổ sung thêm chất đạm, dinh dưỡng cho heo, gia đình còn đầu tư xây dựng cả một khu chuồng nuôi giun quế với diện tích 300m2. Thức ăn cho giun quế một phần được lấy từ phân heo ủ hoai mục và phân bò mua của người dân trong vùng. Thông thường mỗi tuần thu một lứa lấy giun cho heo ăn.

Bên cạnh nguồn thức ăn bằng phụ phẩm nông nghiệp, công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn heo được gia đình đặc biệt chú trọng ưu tiên. Gia đình chị không sử dụng các loại thuốc thú y mà dùng toàn bộ các nguyên liệu tự nhiên, bằng kinh nghiệm của bản thân và sự tư vấn của cán bộ kỹ thuật, sử dụng các loại cây thảo dược cho hợp lý.

Thứ nhất là hàng ngày hàng giờ mình phải bám sát con heo. Phát hiện thời tiết như thế nào mình thay đổi, thứ nhất là cho ăn phòng ngừa như lá hồng ngọc, tỏi, gừng, điều trị cả bằng mật ong và nghệ, chanh đường, những cái đó là để mình phòng và tăng thêm sức đề kháng cho heo phát triển tốt, hạn chế dùng vắc xin. Tuy nhiên chăn nuôi thì phải có, nếu mình thấy con nào không an toàn thì mình loại thải chứ không đưa vào khu nuôi tập trung gây lây bệnh không bảo đảm” – Chị Tuyến chia sẻ.

Theo chị Tuyến, nuôi heo theo phương pháp hữu cơ mặc dù thời gian nuôi kéo dài gấp đôi so với phương pháp nuôi công nghiệp, tuy nhiên, sản phẩm thịt heo làm ra sẽ ngon hơn, da dày và thịt chắc, thơm ngon, từ đầu tháng 10, gia đình bắt đầu đưa sản phẩm thịt heo sạch ra thị trường, bình quân mỗi ngày gia đình chị mổ một con với quy trình giết mổ tại lò an toàn, sạch sẽ. Hiện nay, sản phẩm thịt heo của gia đình chị đang được bán tại Cửa hàng rau an toàn tại khu vực chợ Trung tâm thương mại của thành phố Kon Tum.

Ông Trần Văn Thái- Chủ tịch Hội nông dân xã Đăk Ruồng cho biết:  “Từ khi triển khai mô hình được nhân dân đồng tình và có một số người dân đến tham quan học hỏi mô hình. Đầu tư mô hình heo sạch bước đầu có nhiều khó khăn vì thứ nhất là người dân chưa tin tưởng lắm nhưng dần dần hội cũng phối hợp tuyên truyền cho người dân đến trực tiếp xem mô hình. Nếu sau này được nhà nước quan tâm về kinh phí, có cấp trên quan tâm có đoàn kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng thế nào là heo sạch để người chăn nuôi được an tâm”.

Mô hình chăn nuôi heo theo phương pháp hữu cơ là cách làm mới mẻ, mạnh dạn của gia đình chị Phạm Thị Tuyến. Mặc dù khởi đầu còn nhiều khó khăn và thử thách, nhưng đây vẫn là hướng phát triển bền vững, góp phần tạo ra sản phẩm an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng./.

Chung Loan – Hữu Huy (Đài TT-TH huyện)

Nguồn: http://konray.kontum.gov.vn-HT