Các xã Mường Hoong, Ngọc Linh của huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum là các xã đặc biệt khó khăn, địa bàn rộng, chia cắt, dân cư phân bố không tập trung, tỷ lệ hộ nghèo cao. Người dân nói chung, hội viên phụ nữ nói riêng nơi đây trình độ nhận thức còn hạn chế, tập quán lao động, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa biết áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất; vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất.

Thực hiện nhiệm vụ: Vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường; trong năm 2017 Hội LHPN tỉnh Kon Tum đã tiến hành khảo sát thực tế và làm việc với cấp ủy, chính quyền, Hội LHPN cấp huyện, cơ sở về chủ trương thành lập mô hình tổ liên kết phụ nữ DTTS trồng sâm dây – loại cây trồng được địa phương lựa chọn là một trong những cây dược liệu chủ lực. Đồng thời, các cấp Hội đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ nơi đây tham gia mô hình.

Với 59 hội viên, phụ nữ đăng ký tham gia mô hình, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức ra mắt 02 tổ liên kết phụ nữ DTTS trồng sâm dây tại xã Mường Hoong và Ngọc Linh. Đây là mô hình phát triển kinh tế tập thể đầu tiên do Hội LHPN tỉnh thành lập tại địa bàn này.

Hỗ trợ hoạt động của mô hình, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tập huấn lý thuyết và thực hành kỹ thuật trồng và chăm sóc sâm dây cho các thành viên mô hình; phối hợp với Liên minh Hợp tác xã hướng dẫn kỹ năng quản lý, điều hành hoạt động mô hình cho ban chủ nhiệm; vận động các tổ chức và cá nhân ủng hộ 130 triệu đồng tương đương với 1.300 kg giống sâm dây hỗ trợ cho 26 hội viên, phụ nữ nghèo, tặng các phần quà trị giá 10 triệu đồng để hỗ trợ cho các mô hình sinh hoạt.

Cùng với diện tích đất trồng sâm dây đăng ký ban đầu là 05 ha, đến nay đã tăng lên gần 07 ha; có thêm 15 hộ dân chủ động trồng sâm dây thay thế các loại cây trồng có giá trị kinh tế thấp hơn và có nguyện vọng đăng ký tham gia mô hình do phụ nữ thành lập; đã có 22 chị  mạnh dạn vay vốn để đầu tư trồng sâm dây, với số tiền khoảng 250 triệu đồng; đối với các chị được hỗ trợ về giống sâm dây đều có cam kết trồng và chăm sóc tốt, sau khi thu hoạch sẽ trả lại cho tổ liên kết số giống sâm dây để tiếp tục hỗ trợ cho các chị em khác.

a3

Chị Y Ná – Thành viên Tổ liên kết Phụ nữ DTTS trồng sâm dây tại xã Ngọc Linh, trồng và chăm sóc tốt số giống sâm dây được hỗ trợ từ Hội LHPN tỉnh

 Hiện nay, diện tích trồng sâm dây của các mô hình đã bắt đầu đến mùa thu hoạch nên Hội LHPN tỉnh đã hướng dẫn các tổ liên kết thành lập tổ thu mua sâm dây gắn với hỗ trợ 10 phụ nữ khởi nghiệp thông qua kinh doanh sản phẩm sâm dây. Đồng thời, đang tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành chức năng để mở rộng diện tích trồng sâm dây, đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm, giám sát về kỹ thuật và bảo vệ diện tích trồng sâm dây, quá trình tiêu thụ sản phẩm, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá cho sản phẩm sâm dây của các tổ liên kết; vận động các nguồn lực để đầu tư cho các mô hình. Hiện nay, Huyện ủy, UBND huyện ĐăkGlei đã thống nhất chủ trương bố trí quỹ đất, hỗ trợ máy sấy, xây dựng nhà kho phục vụ chế biến và bảo quản sản phẩm sâm dây cho các tổ liên kết.

Thông qua việc thành lập mô hình tổ liên kết phụ nữ DTTS trồng sâm dây, đã phát huy vai trò của các cấp Hội trong vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ là người dân tộc thiểu số tham gia vào các mô hình phát triển kinh tế tập thể để phát triển kinh tế gia đình, giúp thoát nghèo bền vững. Mặc dù việc thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của tổ liên kết phụ nữ DTTS trồng sâm dây tại nơi đây sẽ còn nhiều thách thức chờ phía trước. Nhưng với sự quyết tâm của các cấp Hội, sự phối hợp của cấp ủy, chính quyền và tiềm năng, lợi thế của địa phương cùng ý chí vươn lên thoát nghèo của chị em hội viên phụ nữ… hy vọng sẽ có thêm nhiều chị em DTTS thoát nghèo bền vững và làm giàu từ cây sâm dây tại vùng đất này.

                                                                                     Bài, ảnh: Trần Thị Phong Lan-PL-HT