Trên hành trình “gieo chữ, trồng người”, không ít thầy cô giáo, đặc biệt giáo viên người dân tộc thiểu số, giáo viên vùng cao trải qua nhiều khó khăn thử thách. Thế nhưng vì yêu nghề, các cô đã vượt lên tất cả để bám trụ trường, lớp, dù có phải bươn chải thêm “nghề tay trái”.

97cc0a1d-67a6-4b69-9002-24f86b22

Trường Trung học cơ sở thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum)

Cô giáo Y Ngân (40 tuổi) là người dân tộc Ka Dong, hiện đang giảng dạy tại trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Trung học cơ sở thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Cô là giáo viên biên chế vào ngành từ năm 2007. Hai vợ chồng cô đều là giáo viên, lại nuôi hai con nhỏ nên điều kiện kinh tế khá eo hẹp.

Thế nhưng, bỏ nghề để tìm một nghề khác khấm khá hơn thì cô không nỡ, bởi lòng yêu nghề, yêu trẻ đã ngấm sâu trong cô. Vì vậy, ngoài giờ dạy cô quyết định “khởi nghiệp” với nghề tay trái, đó là bán các mặt hàng đặc sản của Măng Đen như mật ong, măng khô, các loại sâm và các loại trái cây ngon, sạch.

“Tôi mong có thêm nguồn thu nhập để trang trải cho cuộc sống. Tuy số tiền không nhiều vì chỉ khi thật sự rảnh tôi mới làm. Nhưng cũng có thêm tiền để đóng học, hoặc mua những đồ thiết yếu như quần áo cho con”, cô Y Ngân chia sẻ.

Muốn làm “nghề tay trái” mà vẫn đảm bảo giờ dạy, chất lượng dạy, cô Y Ngân phải sắp xếp thời gian khoa học, hợp lý giữa công việc chính và công việc phụ. Cô cũng cho biết, một số khó khăn của thầy cô nơi đây là dạy ở một vùng chủ yếu có học sinh là người dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều phụ huynh không có khả năng cho con em đến trường, một số lại ít quan tâm đến việc học của con. Chính vì vậy, giáo viên phải đến tận nhà vận động học sinh tới lớp. Khi học sinh ốm đau, giáo viên phải chở học sinh đi khám vì các em bán trú xa nhà. Dù vất vả nhưng các cô chưa bao giờ nghĩ tới việc bỏ nghề. Các cô giáo vùng cao đều cố gắng tìm thêm việc làm để có thêm thu nhập giảm bớt gánh nặng trong cuộc sống và chuyên tâm cho nghề dạy.

3b698262-4bbd-4eca-9002-5d065c57

Ngoài giờ giảng cô Y Ngân “khởi nghiệp” với các đặc sản địa phương như mật ong, măng khô, các loại sâm và các loại trái cây ngon, sạch…

“Thú thật, dạy học sinh cũng chẳng khác nào chăm con mọn. Chúng mình đều phải dốc hết thời gian và tâm sức để chăm lo cho học sinh của mình. Chính vì vậy, thời gian dư ra cũng không nhiều. Nhưng dù có phải thức đêm hôm để làm thêm, mình cũng không nghĩ đến chuyện bỏ nghề”, cô Y Ngân chia sẻ.

Cũng như nhiều giáo viên khác ở vùng cao, cô Y Ngân mong muốn các chế độ phụ cấp cho giáo viên, học sinh sẽ được cải thiện. Bởi học sinh vùng cao rất khó khăn, nhà trường thường phải vận động các nhà hảo tâm để các em có bữa ăn hàng ngày.

Cô Trần Thị Kim Huệ là giáo viên dạy Ngữ văn tại trường Trung học cơ sở Măng Đen – Kon Plông. Cũng như cô giáo Y Ngân, cô Trần Thị Kim Huệ (37 tuổi) là giáo viên dạy Ngữ văn tại trường Trung học cơ sở Măng Đen – Kon Plông. Ngoài giờ giảng dạy, cô cùng chồng mở một quán ăn nhỏ, bán thêm sản phẩm thịt hun khói, thịt bò khô.

“Mỗi giờ lên lớp, mình không phải quá lo cho việc cơm áo gạo tiền, mình tập trung dạy học tốt hơn”, cô Kim Huệ chia sẻ

Nếu như trước đây cô làm thêm vì muốn trang trải kinh tế gia đình, thì nay, cô đã tự tin để xây dựng một “thương hiệu” đặc sản vùng miền tại Măng Đen.

“Mình muốn có kinh tế ổn định để yên tâm dạy học sinh, bởi mình đã gắn bó với nghề dạy học, gắn bó với nơi đây 15 năm rồi. Mặc dù hơi vất vả, nhưng mình đã quen. Giờ đây, mỗi giờ lên lớp, mình không phải quá lo cho việc cơm áo gạo tiền, mình tập trung dạy học tốt hơn”, cô Kim Huệ chia sẻ.

9cdd51f6-62fc-4088-aca2-9bb53e35

Cô Huệ đã tự tin để xây dựng một “thương hiệu” đặc sản vùng miền tại Măng Đen

Theo cô Kim Huệ, đối với giáo viên vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn nói chung và đối với giáo viên nữ nói riêng, nhất là các cô giáo người dân tộc thiểu số, để vừa toàn tâm toàn ý với nghề, vừa chăm lo ổn định cuộc sống gia đình là cả vấn đề. Nơi công tác còn nhiều khó khăn, nguồn lương không đủ để trang trải cuộc sống gia đình, nhiều trợ cấp cho giáo viên và cả học sinh bị cắt giảm- điều đó khiến việc vận động các em đi học càng khó hơn.

Giáo viên phải làm nhiều nhiệm vụ hơn trước, vừa dạy học, vừa vận động học sinh, vừa phải làm kinh tế để đảm bảo cuộc sống. Trong khi đó, yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay đòi hỏi người giáo viên phải tiếp cận, bồi dưỡng, tập huấn và đổi mới nhiều, khối lượng công việc cũng nhiều hơn,…  Đứng trước những áp lực ấy, các cô đều phải tự thân vận động làm sao đảm bảo kinh tế gia đình, để dành nhiều thời gian hơn cho học sinh.

bdd2491d-a948-4083-842e-b5426e4c (1)

Đường đến trường của cô trò còn nhiều khó khăn

Cô Đinh Ái Nga (40 tuổi) người dân tộc Ka Dong là giáo viên dạy trường PTDTNT cấp 1, 2 Măng Buk 2, xã Măng Buk. Hai vợ chồng cô cùng làm giáo viên nên hiện tại cô cũng đang làm thêm công việc khác để cải thiện kinh tế. Theo cô Ái Nga, mặc dù khó khăn nhưng hầu hết các cô đều rất yêu nghề, không muốn rời xa mái trường và các em học sinh – vốn đã rất thiệt thòi so với các học sinh vùng đồng bằng.

Cô mong muốn, bản thân có kinh tế vững vàng để yên tâm công tác, tập trung tinh thần để truyền đạt kiến thức cho học sinh được tốt hơn. Và hơn ai hết, các cô chính là những “người mẹ” của những “đứa con thơ dại” mà đa số là trẻ em dân tộc thiểu số ở vùng đất này.

Những ai đam mê nghề giáo cũng đồng nghĩa chấp nhận khó khăn, thích ứng với đòi hỏi của công việc, xã hội. Một trong những lý do khiến thầy cô giáo dân tộc vùng cao luôn vượt qua khó khăn bởi quanh họ tình đồng nghiệp ấm áp, bảo bọc nhau. Các cô chỉ cần học sinh không bỏ học, tiếp thu bài, có sự tiến bộ dù nhỏ nhất… là cảm thấy hạnh phúc rồi. Tình yêu nghề, yêu trò sẽ giúp các cô thêm động lực vượt qua  mọi thách thức, khó khăn…

Nguồn: Hội LHPN Việt Nam