Nhiều mô hình hay đã được triển khai ở Kon Tum giúp phụ nữ – nhất là phụ nữ hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo.
Mô hình “Biến rác thành tiền” của Hội LHPN xã Đăk Dục- huyện Ngọc Hồi
Để giúp người dân thoát nghèo, xã Chư Hreng thường xuyên vận động, hỗ trợ chị em đi xuất khẩu lao động. Như chị Y Lát ở thôn Đăk Brông, sau 2 năm lao động ở nước ngoài, chị đã gửi được 180 triệu đồng về cho gia đình, góp phần cải thiện đời sống các thành viên trong gia đình.
Trong năm 2017, xã Chư Hreng đã có 21 chị đi xuất khẩu lao động. Cách làm này đã góp phần giải quyết bài toán về việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Sau khi đi xuất khẩu lao động trở, nhiều người đã có vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Một mô hình khác đã và đang giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện đời sống là mô hình trồng tập trung cây dược liệu như sâm dây, sâm đương quy ở xã Mường Hoong, Ngọc Linh của huyện Đăk Glei.
Tiêu biểu như gia đình chị Y Bia – xã Mường Hoong. Trước đây gia đình chị Y Bia trồng cà phê, bời lời, trên phần đất rẫy đồi dốc, hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2015 được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hỗ trợ giống sâm dây, chị phá bỏ cây cà phê chuyển sang trồng cây dược liệu. Từ những đợt thu hoạch sâm dây đầu tiên, với mong muốn giúp đỡ chị em trong thôn làng, chị Y Bia chia sẻ giống sâm dây cho những chị em khác cùng phát triển kinh tế. Hiện nay, tổng thu nhập của gia đình chị chủ yếu từ sâm dây, được khoảng 30 – 40 triệu đồng/năm.
Cuối tháng 5/2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kon Tum đã phát triển hai mô hình tổ liên kết phụ nữ dân tộc thiểu số trồng sâm dây tại hai xã Ngọc Linh và Mường Hoong, thu hút 60 thành viên tham gia. Mô hình trồng cây dược liệu là mô hình mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất Kon Tum, đã giúp nhiều chị em xóa đói giảm nghèo và đang được nhân rộng trên địa bàn.
Tại huyện Đắc Hà, mô hình Liên kết trồng nấm với mục đích tạo cơ hội, giúp chị em phụ nữ liên kết đã tạo cơ hội cho nhiều gia đình thoát nghèo, nâng cao đời sống. Các chị em trong huyện được tạo điều kiện học kĩ thuật, được hỗ trợ nguyên liệu để làm 500 bầu nấm, được Trung ương Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ 1 lò sấy nấm. Tổ liên kết trồng nấm với 25 thành viên đã giúp nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Ở xã Đắc Dục, huyện Ngọc Hồi, các chị em lại vận động nhau tham gia mô hình “Biến rác thành tiền”. Theo mô hình này, chị em thu gom phế liệu như chai, lọ, giấy thải, giao cho chi hội trưởng đem bán vào giữa tháng. Từ số tiền có được, chị em luân chuyển cho nhau mượn để có vốn làm ăn phát triển kinh tế gia đình. Mới đầu mô hình chỉ có một số người tham gia, đên nay đã nhân rộng trong xã với 11 chi hội và 704 thành viên.
Các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo phù hợp với người dân, điều kiện địa phương đã phát huy được hiệu quả. Các mô hình đã và đang được nhân rộng, giúp bà con dân tộc thiểu số có thêm thu nhập, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nguồn: vietnamnet.vn-HT