6 điển hình tham dự cuộc giao lưu đại diện cho những tập thể, cá nhân trên khắp mọi miền của đất nước, tuy ngành nghề, công việc khác nhau nhưng đều có điểm chung là nỗ lực làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

hcm

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trao kỷ niệm chương cho các điển hình tham gia giao lưu – Ảnh: Minh Châu

Tối 24/8, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Thành ủy Hà Nội tổ chức Giao lưu điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tới dự.

Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh không chỉ về chính trị, tư tưởng, tổ chức mà còn xây dựng Đảng về đạo đức. Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm đẩy mạnh một cách toàn diện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân.

Sau 2 năm, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị trong toàn quốc đã đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện và đồng bộ, góp phần thực hiện có hiệu quả nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Nhiều đơn vị, địa phương đã xuất hiện những cách làm hay, kinh nghiệm quý, nhiều điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực.

6 điển hình tham dự cuộc giao lưu đại diện cho những tập thể, cá nhân trên khắp mọi miền của đất nước, là những bông hoa đẹp trong vườn hoa thi đua yêu nước. Tuy thuộc nhiều ngành nghề, công việc khác nhau nhưng đều có điểm chung là nỗ lực làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những việc làm bình dị nhưng cao đẹp của các tập thể, cá nhân đã góp phần lan tỏa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thiết thực xây dựng quê hương, đất nước.

Đó là sư cô Thích Nữ Uyên Liên, Trụ trì Chùa Phổ Quang, thành phố Quảng Ngãi. Với phương châm “Đạo pháp dân tộc chủ nghĩa xã hội”, sư cô luôn thành tâm, kêu gọi cộng đồng phật tử chung tay chia sẻ khó khăn với người nghèo, trẻ em cơ nhỡ, người già neo đơn và đồng bào bị lũ lụt thiên tai. Định kỳ hằng tháng, Chùa Phổ Quang cùng các phật tử cung cấp gần 1.000 suất cơm từ thiện tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Không những thế, sư cô còn tiếp nhận, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi suốt hơn 12 năm qua với hy vọng phần nào bù đắp cho các em, giúp các em vơi đi nỗi buồn, những thiệt thòi trong cuộc sống. Tính đến tháng 8/2017, sư cô đã chăm sóc, nuôi dưỡng 42 trẻ ở các độ tuổi khác nhau khôn lớn, được học hành chu đáo.

Là ông Sùng A Lầu, Bí thư chi bộ thôn Lũng Vài, xã Côn Lôn, huyện Na Hang – một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Tuyên Quang, nơi có 100% dân số là người dân tộc thiểu số, đa số là đồng bào Mông. Ông Lầu đã vận động đồng bào chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thay đổi những thói quen lạc hậu, chấp nhận cách nghĩ, cách làm mới để vượt qua đói nghèo, xây dựng nông thôn mới. Cá nhân Bí thư Sùng A Lầu luôn gương mẫu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Khán giả theo dõi cuộc giao lưu cũng được gặp gỡ với anh Lê Quốc Thanh, công nhân xí nghiệp cơ khí Lộc Hiệp, cao su Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Năm 2016, với vai trò là nhóm trưởng, anh Thanh cùng hai công nhân trong dây chuyền nghiên cứu đã đưa ra giải pháp cải tiến dây chuyền sản xuất mủ tạp giảm bớt 2 công đoạn là bỏ qua máy cắt thô 2 và máy băm búa. Giải pháp này đã được đưa vào sử dụng năm 2017 cho chế biến 3.155 tấn sản phẩm và đã tiết giảm được chi phí điện năng cùng 2 lao động với tổng chi phí là 450 triệu đồng/năm, đảm bảo chất lượng sản phẩm theo quy định, góp phần thu mua hết mủ cao su cho dân, giảm giá thành sản xuất theo yêu cầu cạnh tranh của toàn ngành Cao su. Sáng kiến này đã đoạt giải tại Festival “Sáng tạo trẻ” toàn quốc lần thứ X năm 2017.

Là Đại úy Đoàn Tư Thiên, Ban Chính trị Ban Chỉ huy quân sự huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông. 10 năm qua, thực hiện chính sách hậu phương quân đội, anh đã xác minh hoàn chỉnh hơn 1.100 hồ sơ theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ chính sách đối với những trường hợp từng trực tiếp tham gia kháng chiến làm nhiệm vụ quốc tế để đề nghị cấp trên giải quyết theo quy định; tham gia công tác tìm kiếm và cất bốc hài cốt liệt sỹ.

Là Thiếu úy Nguyễn Duy Tưởng, đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Tuổi đời còn trẻ, được phân công công tác tại địa bàn tương đối phức tạp về trật tự an toàn giao thông, buôn bán ma túy, Thiếu úy Tưởng ý thức rất rõ những khó khăn phải đối mặt nhưng với tinh thần của tuổi trẻ, của người chiến sỹ công an nhân dân anh đã tham gia phá nhiều vụ án, sẵn sàng cứu người bị nạn và luôn khát khao đóng góp cho xã hội, phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân.

Là Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam khu vực 3 – đơn vị có đặc thù thường xuyên làm việc trong những điều kiện đặc biệt khó khăn, khắc nghiệt, “liều mình vượt bão” kịp thời cứu hàng nghìn người cùng tài sản gặp nạn trên biển mỗi năm. Cán bộ làm việc tại Trung tâm luôn xác định hoạt động cứu nạn là hoạt động nhân đạo, không phân biệt màu da, quốc tịch, hễ có người gặp nạn là cứu. Những “sói biển” hội tụ rất nhiều những yếu tố, phẩm chất như sức khỏe, chuyên môn tốt, gan dạ, bản lĩnh, quyết đoán luôn coi người bị nạn là người thân của mình, làm việc với tinh thần không để xảy ra nguy hiểm cho bản thân và cho người bị nạn luôn trăn trở làm sao để trang bị cho các ngư dân đánh bắt trên biển có kỹ năng thật tốt để ứng phó với những trường hợp khẩn cấp, những hiểm nguy đang rình rập giữa biển cả bao la.

Nguồn: dangcongsan.vn-HT