Đẩy mạnh học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” góp phần xây dựng nông thôn mới, Hội LHPN huyện Kon Plông triển khai mô hình điểm “Làng phụ nữ nông thôn mới” tại thôn Vi Ô Lăk (xã Pờ Ê). Sau hơn 1 năm thành lập, mô hình đã góp phần tạo chuyển biến khởi sắc cho bộ mặt vùng nông thôn nơi đây.

Làng Vi Ô Lăk nằm cách trung tâm huyện Kon Plông chừng 50km. Mặc dù nằm ở địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện Kon Plông nhưng những năm qua, nhờ sự đầu tư của Nhà nước từ các chương trình, dự án và sự chung sức, đồng lòng của bà con nhân dân trong xây dựng nông thôn mới nên đường sá nơi đây hầu hết đã được bê tông hóa.

Dạo bộ trên con đường bê tông nội thôn, điều chúng tôi cảm nhận được đó là bà con nhân dân nơi đây rất ý thức bảo vệ môi trường nông thôn. Ở đây, mặc dù hộ gia đình nào cũng chăn nuôi nhưng quanh đường làng không bị vấy bẩn bởi phân gia súc, gia cầm và các loại rác thải. Dọc những tuyến đường nội thôn, đâu đâu cũng rợp bóng cây xanh. Nhà nhà đều có rào chắn vườn tược rất kỹ lưỡng để trồng rau, nuôi gà… Phía trước những ngôi nhà xây, nhà ván trong thôn gần như nhà nào cũng đều treo khẩu hiệu: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm”… như một niềm tự hào về truyền thống quê hương cách mạng.

20181106140936chi-em-phu-nu-thon-vi-o-lak-thuong-xuyen-quet-don-duong-lang-de-giu-ve-sinh-sach-se

Chị em phụ nữ thôn Vi Ô Lăk thường xuyên quét dọn đường làng để giữ vệ sinh sạch sẽ

Thấy chúng tôi trầm trồ về sự sạch – đẹp của đường thôn, Thôn trưởng A Khanh “khoe”: 1 năm nay, nhờ vào mô hình “Làng phụ nữ nông thôn mới”, chị em phụ nữ trong thôn đã nâng cao ý thức dọn dẹp đường làng, ngõ xóm sạch đẹp. Trung bình 1 tháng, chị em phụ nữ trong thôn tổ chức dọn vệ sinh từ 2-3 lần. Không chỉ dọn vệ sinh đường làng, chị em còn trồng cây xanh quanh đường làng để tạo bóng mát. Bên cạnh làm sạch ngõ, chị em cũng đã vận động nhau dọn dẹp nhà cửa, bếp núc sạch sẽ để xây dựng đời sống văn hóa mới; nhà nhà đều treo cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ…

Chúng tôi đến thăm nhà của gia đình chị Đinh Thị Thuy (sinh năm 1990) ở thôn Vi Ô Lăk, từ trước cổng vào đến bên trong nhà mọi thứ đều được dọn dẹp và sắp xếp tinh tươm, gọn gàng.

Chị Thuy chia sẻ: Từ ngày tham gia vào mô hình “Làng phụ nữ nông thôn mới”, được Ban Quản lý mô hình tuyên truyền, vận động thực hiện 8 tiêu chí của cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” góp phần xây dựng nông thôn mới, chị em phụ nữ ai cũng ý thức làm sạch ngõ, sạch nhà, sạch bếp.

Phía trước gian nhà chính, gia đình chị Thuy dành một vị trí trang trọng nhất treo ảnh Bác Hồ để nhắc nhở các thành viên trong gia đình luôn học tập và làm theo lời Bác.

Cũng theo chị Thuy, từ ngày tham gia mô hình “Làng phụ nữ nông thôn mới”, chị em còn nêu cao ý thức làm ăn, phát triển kinh tế gia đình để không bị cái nghèo đeo bám. Bản thân gia đình chị Thuy đến nay đã phát triển được 1ha keo, 2ha mì, 2 sào lúa nước.

Chia sẻ về ý tưởng thành lập mô hình, chị Lương Thị Dân – Chủ tịch Hội LHPN huyện Kon Plông cho biết: Nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ về vai trò, trách nhiệm trong thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, căn cứ vào lộ trình xây dựng nông thôn mới của huyện, tháng 4/2017, Hội Phụ nữ huyện đã thống nhất chọn chi hội phụ nữ thôn Vi Ô Lăk, xã Pờ Ê – xã điểm nông thôn mới của huyện để triển khai thực hiện mô hình điểm.

Là Chi hội trưởng phụ nữ kiêm Trưởng ban Quản lý mô hình “Làng phụ nữ nông thôn mới” của thôn Vi Ô Lăk, chị Phạm Thị Tiêu luôn ý thức đi đầu trong thực hiện “5 không, 3 sạch”, nhất là phát triển kinh tế gia đình để chị em phụ nữ trong thôn cùng học hỏi và làm theo. Đến nay, gia đình chị Tiêu đã là điển hình trong phát triển kinh tế gia đình ở thôn với 2ha mì, 1,5ha keo, 3 sào lúa, 3 sào chuối kết hợp với chăn nuôi bò và buôn bán nhỏ để tăng thu nhập.

Chị Tiêu tự hào: Mặc dù là thôn vùng sâu, vùng xa, 100% dân số là đồng bào DTTS nhưng chị em phụ nữ nơi đây rất có ý thức trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do các cấp hội phụ nữ phát động. Vì vậy, sau khi nghe triển khai chủ trương thành lập mô hình điểm “Làng phụ nữ nông thôn mới”, 72 hội viên phụ nữ trong thôn đều đã đăng ký tham gia mà không phải mất nhiều thời gian để vận động.

Mô hình “Làng phụ nữ nông thôn mới” hoạt động theo Quy chế và dựa trên nguyên tắc tình nguyện, đoàn kết, hội viên giúp đỡ nhau cùng duy trì thực hiện tốt 8 tiêu chí về xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” gồm: Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ (3 sạch) và nói không với đói nghèo, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, sinh con thứ 3 trở lên, trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học giữa chừng (5 không).

Theo đó, cứ đều đặn mỗi tháng 2 lần, chị em phụ nữ trong chi hội đều chia tổ để dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm; hàng ngày dọn vệ sinh tại hộ gia đình; 1 tuần/lần dọn vệ sinh bể nước chung của thôn. Điểm nổi bật ở thôn Vi Ô Lăk là đến nay, trong thôn không còn hộ nghèo, không có gia đình sinh con thứ 3 trở lên, không còn tình trạng trẻ em bị suy dinh dưỡng và bỏ học giữa chừng hay tình trạng bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật…

Chị Tiêu cho biết thêm, từ khi mô hình “Làng phụ nữ nông thôn mới” được triển khai, phụ nữ trong thôn còn trồng được 20 cây phượng tím, bằng lăng trên đường làng; nhà nhà đều treo cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ; các chị em phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình thông qua mô hình tiết kiệm và vốn vay thôn bản, tiết kiệm tại chi hội…

Theo chị Lương Thị Dân, để góp phần hoàn thành mục tiêu, lộ trình xây dựng nông thôn mới của huyện đề ra, trong thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình “Làng phụ nữ nông thôn mới” ra một số thôn trên địa bàn xã Đăk Long, Măng Cành.

Bài, ảnh: Tú Quyên

Nguồn: http://baokontum.com.vn-HT