Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Kon Tum, đồng chí Lê Thị Kim Đơn – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03-CT/TW đã lan tỏa, chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động; trong thời gian tới, với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sẽ càng lan tỏa sâu rộng hơn…
Già làng vùng sâu làm theo lời Bác
Cố lắm, chúng tôi mới vượt qua được những con dốc trơn trợt để đến làng Tu Cấp, xã Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông), vì mấy ngày nay bỗng nhiên đổ mưa.
Ngôi làng nằm trên triền đồi, bao quanh ngút ngàn màu xanh của cà phê. Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Tu Mơ Rông – A Phét đi cùng đoàn chúng tôi trầm trồ: Tu Cấp được như thế này, công lớn là ở già làng A Mộc đấy…
Thấy sự ngỡ ngàng của tôi về sự phát triển vượt bậc của ngôi làng vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại còn khó khăn này, Phó Bí thư A Phét nói tiếp: Thành tích này là nhờ già làng A Mộc. Dù tuổi cao nhưng ông không quản ngại khó khăn đến từng nhà để vận động bà con dân làng; bản thân còn cố gắng trồng cà phê, bời lời, chăn nuôi trâu, bò để bà con nhìn vào đó làm theo.
Cũng theo ông A Phét thì Tu Cấp là thôn có tỉ lệ hộ nghèo thấp nhất so với 8 thôn trên địa bàn xã (30,3%), nhiều năm liền giữ vững danh hiệu thôn văn hóa, nhà nào trong thôn cũng trồng cà phê (ít nhất 5 sào) và chăn nuôi từ 1-2 con trâu hoặc bò, cả làng hiện có hơn chục em học đại học…
Nhớ lại, khi được ông Lê Văn Hoàng – Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tu Mơ Rông giới thiệu già làng A Mộc để viết gương già làng tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh – “Vì nhiều năm liền được khen thưởng về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và đáng quý hơn ở già làng này là mỗi việc làm hàng ngày đều là để cho con cháu, bà con dân làng học tập và làm theo” – tôi đã bị thuyết phục.
Trong cái lạnh như cắt da thịt, già A Mộc ngồi bên bếp lửa vừa đan lát vừa kể chuyện: Năm 1965, chứng kiến làng quê bị giặc Mỹ giày xéo, già đi theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ làm du kích địa phương. Năm 1968, già đi bộ đội, thuộc Tiểu đoàn 304 (Tỉnh đội Kon Tum). Năm 1972, già vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Sau chiến tranh, già được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi xã Tu Mơ Rông rồi Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Tu Mơ Rông. Năm 2008, nghỉ hưu về địa phương, già được bà con dân làng bầu làm Trưởng ban công tác mặt trận, già làng thôn Tu Cấp.
Để bà con dân làng tin tưởng và nghe theo, dù tuổi đã cao nhưng già A Mộc vẫn cố gắng đi đầu trong việc chuyển đổi trồng cà phê, bời lời… Già làng A Mộc nói: Bác Hồ dạy “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, muốn bà con nghe mình nói, bản thân mình phải làm gương trước, nếu mình nói mà không làm, vận động bà con trồng cà phê để thoát nghèo mà nhà mình không trồng cà phê thì ai nghe? Là “bộ đội Cụ Hồ”, là đảng viên nên già càng phải tiên phong hơn.
Đồng chí Lê Thị Kim Đơn cho rằng, những tấm gương bình dị mà cao quý như già làng A Mộc đã góp phần quan trọng tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật đáng quý, đáng trân trọng.
Theo đánh giá của đồng chí Lê Thị Kim Đơn, còn nhiều tập thể với những mô hình hay, cách làm sáng tạo, đáng biểu dương như Đảng ủy Công an tỉnh với phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”; Đảng ủy Quân sự tỉnh với phong trào “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”…
Nhiều địa phương đã thực hiện tốt việc đưa nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào sinh hoạt thường xuyên của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và ngày càng đi vào nề nếp, điển hình như thành phố Kon Tum, huyện Ngọc Hồi tổ chức chào cờ 1 lần/tháng, qua đó liên hệ việc học tập và làm theo lời Bác ở khu dân cư; huyện Đăk Hà phân công lãnh đạo các cơ quan báo cáo liên hệ tại buổi sinh hoạt tư tưởng thứ 2 hằng tuần, làm cơ sở để nhận xét, đánh giá cán bộ; các huyện Ngọc Hồi, Đăk Tô, Kon Plông đã chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng lựa chọn vấn đề bức xúc, nổi cộm hoặc còn yếu kém, hạn chế để tập trung giải quyết…
Đ/c Lê Thị Kim Đơn thăm hỏi, động viên gia đình chính sách, gia đình tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở khu dân cư. Ảnh: TQ
Tạo sức lan tỏa sâu, rộng hơn
Những ngày này, các cấp, các ngành đang tập trung triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
So với Chỉ thị 03, Chỉ thị 05 có rất nhiều điểm mới. Đồng chí Lê Thị Kim Đơn cho rằng, việc Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Chỉ thị 05 là hết sức ý nghĩa, là động lực tạo sức lan tỏa sâu rộng hơn.
Theo đồng chí Lê Thị Kim Đơn, điểm mới quan trọng của Chỉ thị 05 là có nội hàm rộng hơn, yêu cầu thực hiện ở mức cao hơn, thời gian thực hiện không giới hạn trong nhiệm kỳ; nội dung học tập và làm theo Bác được xác định rõ hơn trước đây, cụ thể là học tập về tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người.
Chỉ thị 05 cũng xác định “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, điều này đã thể hiện quan điểm của Bộ Chính trị nhấn mạnh hơn về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của việc học Bác đối với công tác xây dựng Đảng một cách toàn diện, cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; trong khi Chỉ thị 03 xác định chỉ là giải pháp hàng đầu trong nhóm giải pháp về công tác chính trị tư tưởng để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Cùng với việc xác định nội dung cụ thể hơn, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị cũng đã yêu cầu “làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Quan điểm này của Bộ Chính trị đã yêu cầu mức độ chuyển biến nhận thức trong xã hội cao hơn “trở thành nền tảng tinh thần vững chắc”.
Bên cạnh đó, Chỉ thị cũng yêu cầu rất cao về việc kết hợp giữa “xây” với “chống”, lấy “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, trong đó tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hàng năm và cả nhiệm kỳ nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; “xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức” và “hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến đạo đức công vụ”, trong khi Chỉ thị 03 yêu cầu “xây dựng và tổ chức thực hiện những chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”…
Để tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần làm tốt công tác tuyên truyền; xây dựng kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đưa nội dung này vào chương trình, kế hoạch công tác hàng năm, hàng tháng, trở thành hoạt động thường xuyên; phát huy vai trò người đứng đầu trong chỉ đạo triển khai học tập và làm theo để cán bộ, đảng viên học tập, noi theo; xác định rõ nội dung đột phá nhằm làm chuyển biến rõ nét trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kịp thời biểu dương điển hình trong học tập và làm theo Bác để nhân rộng…– đồng chí Lê Thị Kim Đơn nhấn mạnh.
Nguồn: www.baokontum.com.vn-HT