Kon Tum là tỉnh có gần 50% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ khá cao – trên 20% theo chuẩn nghèo đa chiều. Qua ra soát tỉnh nhận thấy, trong các gia đình nghèo, cận nghèo, phụ nữ luôn chịu nhiều thiệt thòi và họ cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Vì vậy Kon Tum đã triển khai nhiều giải pháp giúp phụ nữ – nhất là phụ nữ hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo.

Ra mắt mô hình trồng nghệ 2

Mô hình trồng nghệ – một hướng đi mới giúp phụ nữ thoát nghèo. Ảnh: Tư liệu

Mặc dù nằm ở thành phố Kon Tum nhưng xã Chư Hreng vẫn còn không ít hộ nghèo và cận nghèo, nhất là các hộ đồng bào dân tộc Bana, Giarai, Giẻ Triêng… Để giúp dân thoát nghèo, xã đã vận động, hỗ trợ để chị em trong xã có cơ hội đi xuất khẩu lao động. Việc làm này không chỉ góp phần giải quyết được bài toán về việc làm, tăng thu nhập cho bà con mà nhiều người sau khi đi xuất khẩu lao động trở về, có vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, đời sống nhờ đó cũng ổn định hơn nhiều. Trong năm 2017, tại xã có 21 chị đi xuất khẩu lao động tại các nước, đa phần là Ả Rập Xê Út.

Chị Y Lát (54 tuổi) ở thôn Đăk Brông, xã Chư Hreng, sau 2 năm lao động ở nước ngoài, nhờ chịu khó và biết cách tiết kiệm, chi tiêu hợp lý, chị đã gửi được 180 triệu đồng về cho gia đình. Từ số tiền đó, gia đình chị đã bớt khó khăn, xây được nhà và mua được những vật dụng cần thiết.

Không ít chị em phụ nữ khác tại Kon Tum lại vượt lên khó khăn, thoát nghèo từ việc được vay vốn ưu đãi, hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật trông trọt, chăn nuôi. Là hộ nghèo thuộc thành phố Kon Tum, chị chị Y Mlyk ở thôn Plei Jơ Rộp, xã Đăk Năng đã mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư trồng mì, lúa nước, nuôi heo, bò, gà… trên diện tích đất có sẵn của gia đình. Chị cho biết, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị thu được 100-150 triệu đồng từ 1ha mì, 2 sào lúa nước, gần 1ha cà phê, 2 con bò. Giờ đây gia đình chị đã chính thức thoát nghèo, ba đứa con đều được học hành đến nơi đến chốn.

Tại xã Đắc Dục, huyện Ngọc Hồi có một mô hình thoát nghèo được hình thành mang cái tên khá kêu “Biến rác thành tiền”, với sự tham gia của các chị em phụ nữ. Theo mô hình này, chị em thu gom rác thải – chủ yếu là chai, lọ, giấy thải, sau đó vào ngày 15 hàng tháng lại đem đến giao cho chi hội trưởng đem bán. Từ số tiền có được, chị em luân chuyển cho nhau mượn để có vốn làm ăn phát triển kinh tế gia đình. Mới đầu mô hình chỉ có một số người tham gia, sau nhận thấy có hiệu quả và ý nghĩa, đến nay trong xã đã có tấ cả 11 chi hội với 704 thành viên tham gia.

Huyện Đắc Hà có mô hình Liên kết trồng nấm đã tạo cơ hội cho nhiều chị em thoát nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc. Với mục đích tạo cơ hội, giúp chị em phụ nữ liên kết, có điều kiện để phát triển kinh tế, tổ liên kết trồng nấm tại đây có 25 chị em tham gia. Các chị được tạo điều kiện học kĩ thuật, được hỗ trợ nguyên liệu để làm 500 bầu nấm và còn được Trung ương Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ 1 lò sấy nấm.

Ngoài ra, hiện nay ở Kon Tum còn có nhiều mô hình kinh tế khác nhau nhằm tạo điều kiện cho chị em phụ nữ phát triển kinh tê gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững, như mô hình trồng rau sạch, mô hình nuôi bò…

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiến hành rà soát, đánh giá trên cơ sở đó sẽ nhân rộng các mô hình phù hợp, phát huy hiệu quả để giúp phụ nữ thuộc hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Hoàng Lê

Nguồn: http://baodansinh.vn-HT